Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:01 (GMT +7)
Giữ lửa truyền thống
Chủ nhật, 20/10/2024 | 14:34:31 [GMT +7] A A
Những năm qua, cùng với phát triển kinh tế, lĩnh vực văn hoá xã hội cũng đã được tỉnh Quảng Ninh hết sức quan tâm đầu tư, chăm lo với nhiều giải pháp nhằm không ngừng nâng cao đời sống, sự thụ hưởng về văn hoá cho nhân dân. Đặc biệt là sự nghiệp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc đã thu được nhiều thành tựu, đưa văn hoá trở thành nguồn lực trong phát triển kinh tế xã hội, nhất là du lịch. Đóng góp vào kết quả đó có vai trò rất lớn của phụ nữ.
Một điều dễ nhận thấy là khắp các khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay phát triển mạnh mẽ các phong trào văn hoá, văn nghệ, thể thao. Bên cạnh những phong trào, hoạt động sôi nổi đó, còn có rất nhiều phụ nữ đã và đang miệt mài vào những công việc sưu tầm, gìn giữ những giá trị văn hoá truyền thống quý báu của cha ông, những nghề thủ công truyền thống để truyền dạy cho lớp trẻ. Họ chính là những người giữ lửa văn hoá, những nhân tố góp phần vào việc bảo tồn, phục dựng các lễ hội văn hoá, văn học, tri thức dân gian…
Trong lĩnh vực sân khấu nghệ thuật, có thể kể đến Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thanh Chắc (chèo), Nghệ sĩ Nhân dân Từ Diệu Hương (cải lương). Trong đó, nghệ sĩ Thanh Chắc sau khi nghỉ hưu đã miệt mài truyền dạy hát chèo cho nhiều lớp, câu lạc bộ văn nghệ ở cơ sở. Tại Quảng Yên, Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thanh Quyết nhiều năm với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát đúm Quảng Yên đã cùng các hội viên nữ của mình ngoài biểu diễn trong các dịp hội làng còn tham gia sưu tầm, truyền dạy cho học sinh, thanh niên, giúp sinh viên các trường đại học về thực tập tìm hiểu về hát đúm. Ngoài ra, còn phải kể đến các Nghệ nhân Ưu tú Phạm Thị Thành (phường Phong Hải), Phạm Thị Hợp (xã Cẩm La) cũng có nhiều đóng góp cho việc sưu tầm, trình diễn và truyền dạy hát đúm ở Quảng Yên.
Cùng là bảo tồn dân ca truyền thống, từ lâu Nghệ nhân Nhân dân Đặng Thị Tự, trú tại xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà được coi như báu vật về bảo tồn văn hoá. Gắn bó cả cuộc đời với nghệ thuật hát nhà tơ - hát, múa cửa đình, cụ Đặng Thị Tự được biết đến là người đã thuộc rành rọt 39 bài hát với 9 giọng gồm 755 câu hát và cụ đã truyền dạy lại cho rất nhiều người.
Tại huyện Bình Liêu có Nghệ nhân Ưu tú Hoàng Thị Viên ở khu Nà Làng, thị trấn Bình Liêu cũng là một trong những nghệ nhân tích cực tham gia dạy hát then, biểu diễn hát then tại các dịp lễ hội, các chương trình giao lưu nghệ thuật ở cả trong và ngoài tỉnh. Chị Lục Thị Cọm ở thôn Nà Ếch, xã Húc Động, 42 tuổi, từ lâu ai cũng biết bởi chị là một trong số ít người lưu giữ được nhiều làn điệu soóng cọ của người Sán Chỉ. Không chỉ biết hát, chị Cọm còn sưu tầm những làn điệu soóng cọ cổ. Đồng thời, sáng tác, đặt lời mới hàng chục ca khúc với chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ kính yêu, tình yêu quê hương, đất nước, gửi gắm niềm tin, tự hào về sự nghiệp đổi mới, phát triển của đất nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân trong xây dựng đời sống văn hóa gắn với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, góp phần đưa làn điệu soóng cọ càng trở nên gần gũi, dễ tiếp nhận hơn với thế hệ trẻ.
Trong lĩnh vực bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống, phụ nữ cũng là những người nắm giữ, truyền nghề. Trong nắm giữ các nghề thêu, may trang phục dân tộc tiêu biểu có Nghệ nhân Ưu tú Trương Thị Hoa, dân tộc Dao, ở xã Quảng La (TP Hạ Long), Nghệ nhân Ưu tú Diềng Chống Sếnh, dân tộc Dao ở xã Quảng Sơn (Hải Hà). Bà Trương Thị Bích, ở thôn Khe Sú 2, xã Thượng Yên Công (Uông Bí) chuyên dệt thắt lưng thổ cẩm. Bà còn nhiệt tình truyền dạy cho lớp trẻ hoặc những ai muốn đến học.
Còn nhiều những điển hình khác khó kể hết. Từ những đóng góp kể trên của các bà, các chị đã góp phần quan trọng vào việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc. Họ chính là những người giữ lửa cho các lễ hội văn hoá, dân ca, nét đẹp trang phục, ẩm thực, tri thức dân gian được truyền mãi.
Đại Dương
Liên kết website
Ý kiến ()