Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:00 (GMT +7)
Giữ màu xanh của biển
Thứ 2, 17/04/2023 | 09:20:04 [GMT +7] A A
Với diện tích trên 12.000km2, trong đó biển đảo chiếm 50%, Quảng Ninh có tới hơn 2.000 hòn đảo (chiếm 2/3 số đảo của cả nước) và hơn 250km bờ biển với nhiều dải bờ biển, bãi tắm đẹp nổi tiếng, là nguồn tài nguyên vô giá để phát huy thế mạnh loại hình du lịch biển. Song song với phát triển kinh tế, những năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT) biển gắn với phát triển du lịch và thủy sản.
Quyết liệt các giải pháp
Phát triển KT-XH gắn với BVMT là mục tiêu xuyên suốt được Quảng Ninh nỗ lực thực hiện thời gian qua. Tỉnh đã nhất quán đề ra các giải pháp, lộ trình thực hiện bài bản, nhằm chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”; quyết tâm thực hiện các giải pháp BVMT tự nhiên, trong đó, đặc biệt là môi trường biển.
Ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Để giải quyết hiệu quả các vấn đề về ô nhiễm môi trường, tỉnh đã chỉ đạo tăng cường rà soát, đánh giá, nhận định những tiêu cực, tác động xấu ảnh hưởng đến môi trường. Trong xử lý vấn đề ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường, tỉnh phân định rõ nhiệm vụ trong quản lý, cải thiện chất lượng môi trường nước; quản lý ô nhiễm, cải tạo, phục hồi môi trường đất đai; quản lý, cải thiện chất lượng không khí.
Theo đó, tỉnh triển khai hiệu quả 2 bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương (Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về môi trường trên địa bàn tỉnh; Bộ quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh).
Đặc biệt, tại khu vực vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, các ngành chức năng của tỉnh thường xuyên kiểm tra, giám sát hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; duy trì công tác giám sát chất lượng môi trường vịnh, cũng như giám sát việc chấp hành những quy định BVMT của các tổ chức, cá nhân hoạt động tại khu vực vịnh; giám sát chặt chẽ nguồn thải xuống vịnh. Hiện nay, tỉnh đã đầu tư 40 hệ thống máy móc, 3 thiết bị xử lý nước thải, 10 thùng rác nổi cỡ lớn, 117 thùng rác tại các điểm tham quan... Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường; ra quân thu gom rác thải rắn sinh hoạt tại các luồng, tuyến, khu vực dịch vụ, chân đảo, bãi cát... lắp đặt các thiết bị phân ly dầu - nước trên 100% tàu du lịch…
Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về thay thế hoàn toàn phao xốp bằng vật liệu nổi HDPE trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, thời gian qua các địa phương ven biển trên địa bàn như: Hạ Long, Cẩm Phả, Quảng Yên, Vân Đồn đã và đang tập trung ra quân quyết liệt tổ chức thực hiện chuyển đổi phao xốp, cũng như di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép ảnh hưởng đến môi trường biển. Theo thống kê đến nay, toàn tỉnh có trên 1,5 triệu quả phao xốp đã được thay thế bằng phao nhựa HDPE, đạt trên 60%. Riêng Hạ Long và Cẩm Phả đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi phao xốp. TP Cẩm Phả cũng thực hiện tháo dỡ và di dời gần 4.700 dây với khoảng 517.00 quả phao xốp, trên 2.400 mảng tre với 22.194 quả phao xốp của các hộ nuôi ngoài vùng quy hoạch.
Các địa phương khác như TX Quảng Yên đã thu gom, tập kết lên bờ 1.800 quả/128.000 quả pháo xốp cần thay thế; huyện Vân Đồn đã chuyển đổi, cắt bỏ gần 4,3 triệu quả phao xốp (đạt tỷ lệ 85%), số lượng phao còn lại đang tiếp tục chuyển đổi là trên 740.000 quả. TP Hạ Long hiện đang phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long thực hiện vớt, thu gom vật liệu nuôi trồng thủy sản thải bỏ từ các địa phương Vân Đồn, Cẩm Phả và Quảng Yên trôi dạt trên vịnh Hạ Long với khối lượng khoảng 2.500m3 phao xốp và 50 mảng tre.
Tỉnh Quảng Ninh đã khoanh vùng bảo vệ nghiêm ngặt 5 khu vực có đa dạng sinh học cao, tập trung các loài quý hiếm, đặc hữu trên vịnh Hạ Long, bảo tồn các loại thực vật quý; cấm đánh bắt thủy sản trong vùng bảo vệ tuyệt đối; triển khai 14 dự án thuộc đề án cải thiện môi trường tỉnh; chấm dứt hoạt động bốc xếp, chuyển tải hàng hóa rời clinke, xi măng, dăm gỗ; di dời toàn bộ nhà bè trên vịnh…
Đồng thời, tiếp tục cải tạo hành lang sinh thái ven biển, tập trung triển khai các dự án cải tạo, phục hồi, trồng mới rừng ngập mặn ven biển và điều tra tài nguyên biển; phục hồi và phát triển hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển tại vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, vùng biển Cô Tô - đảo Trần; từng bước thả rạn nhân tạo, phấn đấu đến năm 2030 trồng phục hồi thêm khoảng 30-50ha.
Ngoài ra các địa phương trong tỉnh đã tích cực trong hoạt động thả giống, tái tạo nguồn lợi thủy sản, cũng như tạo sự cân bằng cho hệ sinh thái biển. Thống kê giai đoạn 2018-2022, trên địa bàn tỉnh đã thả hơn 35 triệu con giống thủy sản về môi trường tự nhiên. Các địa phương trong tỉnh nỗ lực thực hiện công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo Chỉ thị số 18-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Trong đó, các hình thức đánh bắt tận diệt đã được ngăn chặn và xử lý triệt để.
Cộng đồng cùng chung tay
Cùng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ngành chức năng, thời gian qua, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức cho người dân tuân thủ quy định của pháp luật và chung tay BVMT biển cũng được thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh, với những phần việc, phong trào cụ thể.
MTTQ và các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh đã tích cực tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của mỗi người dân, từng gia đình, cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh nắm vững và thực hiện nghiêm những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Qua đó, nhiều hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường biển đã được triển khai trong toàn tỉnh, huy động sự vào cuộc của cộng đồng dân cư, như chiến dịch “Hãy làm sạch biển” do Tỉnh Đoàn và Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp duy trì thường xuyên tại các địa phương vùng ven biển trong tỉnh. Qua chiến dịch, các tổ chức đoàn, cán bộ, đoàn viên, thanh niên đã tham gia hoạt động vớt rác, dọn rác, làm sạch bãi biển và các đảo, cùng nhiều di tích, hang động thuộc vùng trung tâm Di sản Thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, bãi biển Trà Cổ (TP Móng Cái), các đảo Tuần Châu, Lờm Bò, Cát Bà, Ngọc Vừng, Kiến Vàng, Ti Tốp…
Rác sau khi thu gom được phân loại và đưa về đất liền xử lý đã góp phần giữ gìn cảnh quan, môi trường biển, cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của thanh niên đối với công tác bảo vệ môi trường sống. Anh Nguyễn Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, cho biết: Qua chiến dịch "Hãy làm sạch biển" đã nâng cao ý thức của mỗi đoàn viên, thanh niên đối với việc BVMT biển. Hình ảnh thanh niên tham gia vệ sinh môi trường chính là cách làm trực quan để tạo sự lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng về trách nhiệm BVMT sống nói chung.
Cùng với lực lượng thanh niên, Hội LHPN tỉnh đã phát động sâu rộng phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, từng bước nâng cao tinh thần tự giác của người dân trong thực hiện nếp sống văn minh đô thị, không vứt rác bừa bãi, thường xuyên vệ sinh nhà ở và nơi làm việc, các khu vực sản xuất, kinh doanh, đường phố sạch sẽ. Hay như Hội Nông dân tỉnh triển khai dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng quản lý, phân loại, thu gom và xử lý rác thải nhựa vùng ven biển vịnh Hạ Long”...
Cùng với đó, phát huy sức mạnh cộng đồng trong thực hiện giám sát và phản biện xã hội, MTTQ tỉnh thường xuyên chỉ đạo MTTQ các địa phương nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân, việc thực hiện các quy định về Luật Bảo vệ môi trường của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà máy, đơn vị, cá nhân trên địa bàn. Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri trong tỉnh, tổng hợp được nhiều ý kiến về vấn đề môi trường kiến nghị đến Quốc hội, HĐND các cấp. Trong đó, một số vấn đề nhân dân kiến nghị, phản ánh đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, giải quyết triệt để, như: Xây dựng các giải pháp tăng cường công tác BVMT vịnh Hạ Long, nghiêm túc xử lý các đơn vị kinh doanh, du lịch xả thải không qua xử lý ra môi trường vịnh, cấm hoạt động đối với phương tiện tàu hoạt động trên vịnh không đáp ứng yêu cầu về đảm bảo vệ sinh môi trường...
Các phong trào, phần việc ý nghĩa để BVMT đã tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong ý thức, hành động của mỗi người dân trong công tác BVMT biển, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Qua đó, góp phần bảo vệ bền vững môi trường biển trên địa bàn; góp phần vào sự phát triển chung của toàn tỉnh.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()