Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 00:21 (GMT +7)
Giữa dòng thác thời tem phiếu
Thứ 6, 27/10/2023 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Tem lương thực, lọ mực của Chính ủy và áo may ô của lái xe
Vào đầu những năm 70 thế kỷ trước, Chỉnh ủy CANDVT Quảng Ninh Lê Thanh Thủy nổi tiếng liêm khiết, chu đáo, thận trọng, tiết kiệm và thương lính. Ông Phạm Sầm, cựu Trợ lý chính trị CANDVT Quảng Ninh, nhớ lại: “Những ngày mới được điều về nhận nhiệm vụ ở Vùng mỏ, Chính ủy dành buổi tối hoặc chủ nhật “vi hành” để tìm hiểu địa bàn; trong đó có dùng bữa trưa ở Cửa hàng ăn uống mậu dịch quốc doanh. Bữa ăn trả tiền theo món, riêng lương thực mỗi suất trả tem cố định 250 gam. Hôm sau Chính ủy mở ví vẫn thấy số tem 1kg không những còn nguyên, lại còn “mọc” thêm mấy tem lẻ, loại 250 gam. Ông biết cô nhân viên mậu dịch nhầm lẫn, bèn bảo tôi cùng đến cửa hàng ấy trả lại.
Mỗi lần đi công tác dài ngày, lên xe, Chính ủy kiểm tra ngay những đồ dùng thiết yếu đã dặn lái xe chuẩn bị: Mấy cân gạo, nồi xoong, bó củi chẻ nhỏ… Ông bảo, xe hỏng giữa đường, phải nấu lấy mà ăn.
Hôm ấy cũng như mọi lần, Chính ủy lên xe, lướt qua đã thấy đủ mấy thứ nêu trên. Cậu lái xe thấy thủ trưởng không nói gì, mừng ra mặt. Ai dè, Chính ủy hỏi: “Còn lọ mực Cửu Long để đâu?”. Lính xế giật thót: “Thủ trưởng chờ một lát, tôi chạy ù về lấy ngay ạ!”. Vâng, ngày ấy không có bút bi như bây giờ. Sở hữu một chiếc bút máy tử tế không phải dễ. Chàng trai nào có bút “Kim Tinh” màu vàng chóe cài túi áo ngực là hãnh diện lắm. Thời bao cấp, đến lọ mực “Cửu Long” cũng khan hiếm. Đi công tác nhiều ngày, bút hết mực, xin anh em không cùng loại mực, bút rất dễ bị tắc.
Xe trực chỉ miền Đông. Cách huyện lỵ Tiên Yên chừng 2 cây số, Chính ủy vào làm việc với một đơn vị và dùng bữa trưa ở đó. Cơm nước xong, tiếp tục hành trình đến Móng Cái. Tuy nhiên, xe mới lăn bánh vài trăm mét, bỗng từ từ dừng vệ đường. Buông xong câu “xin phép thủ trưởng!”, chú tài nhanh nhẹn xuống xe, thay áo lót, quẳng áo may ô cũ vào vệ cỏ.
- Sao cậu lại vứt áo lót? Chính ủy hỏi.
- Báo cáo thủ trưởng, tôi bị dính chút thức ăn từ ban nãy, giờ thấy… thấy hôi hôi nên không thể…
- Đi nhặt lại ngay!
- Dạ, may ô cũng cũ rồi ạ!
- Cũ không có nghĩa là rách. Lát nữa đến đập tràn, vò qua, gói lại. Cậu chẳng biết tiết kiệm là gì. Áo may ô nằm trong tiêu chuẩn quần áo quân trang hằng năm và là mặt hàng phân phối. Cậu thật lãng phí, quá lãng phí!
Chính ủy chưa dứt lời, chiến sĩ lái xe đã vội nhặt lại áo.
Thời kỳ này, áo may ô cũng như nhiều hàng hóa khác không bán tự do nên sinh ra câu ca: “Một yêu anh có may ô/ Hai yêu anh có cá khô ăn dần”. Thời bao cấp, ai nấy giống nhau cái nghèo. Song tình nghĩa ấm áp, đùm bọc, chia sẻ, thương yêu giúp đỡ nhau không bao giờ vơi. Không có hố sâu ngăn cách giữa thủ trưởng và lính, sếp và nhân viên.
Kem đánh răng và người nổi tiếng
Mùa hè 1982, trong một lần chơi bóng ở Đặc khu, tôi chẳng may bị gãy ngón chân. Nhà báo Thân Quốc Huấn cùng làm tờ báo “Chiến sĩ Quảng Ninh” và mấy lính trẻ thay nhau cõng tôi đến Bệnh xá quân đội cách đấy 3 cây số.
Vào điều trị chỉ có 3 người: Tôi (Cục Chính trị); bác sĩ Doãn Thế Lân, Phó trưởng Phòng Quân y, Cục Hậu cần; Trung tá Giáp Văn Khương, Phó trưởng Phòng Huấn luyện, Bộ Tham mưu. Anh Giáp Văn Khương danh tiếng từ lâu đã nổi như cồn. Anh là chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 1952. Đích thân Bác Hồ viết bài trên báo Nhân dân tuyên dương anh mới 22 tuổi đã lập thành tích xuất sắc tiêu diệt nhiều giặc.
Giường tôi và giường anh Khương kê sát nhau. Anh vào điều trị chứng đau dạ dày. Có rất nhiều giai thoại về “Dũng sĩ núi Cánh Diều” Ninh Bình này. Một buổi tối mưa mát mẻ, tôi chủ động gợi chuyện:
- Nghe nói có một đoàn nhà báo nước ngoài đề nghị được quay phim về anh. Khi họ muốn anh diễn lại “cú nhảy thần kỳ” trên núi đá thoát vòng vây của địch, thì anh hỏi lại họ: “Tôi nhảy bị thương hoặc chết, các ngài có chịu trách nhiệm?”.
- Chuyện tầm phào đấy Dũng ạ! Nhà báo có mà điên mới yêu cầu như vậy. Họ chỉ đề nghị mình xác định vị trí từng nhảy xuống núi đá hiểm trở, rồi quay phim, chụp ảnh. Lúc đó mình mới tếu táo: “Giả dụ bây giờ các ngài muốn tôi lặp lại cú nhảy trước kia thì… Khương này ngày xưa nhảy thật vẫn sống. Còn nay nếu Khương nhảy giả vờ sẽ chết!
- Còn hồi đóng quân ở Lán Tháp, Uông Bí, anh trả tiền “trọn gói” buộc ông phó cạo phải vật vã suốt ngày hôm đó?
- Tớ sao có thể ác đến thế! Này nhé, tớ hỏi ông thợ cắt tóc trung bình ngày chủ nhật có bao nhiêu khách. Ông ta bảo 10 người. Tớ hứa sẽ trả hẳn 3 đồng (3 hào một lần cắt tóc); yêu cầu ông không nhận thêm ai, chỉ cắt cho riêng mình. Ông thợ đồng ý. Nhưng chưa đầy 2 tiếng đồng hồ, ông ta đã kêu mệt, không đủ sức để phục vụ tớ cả ngày. Tớ trả cả 10 đồng, số tiền dư sẽ trừ dần vào lính trong đơn vị ra đây cắt tóc. Thực ra đây là cái cớ để giúp đỡ ông thợ, chứ chẳng lính nào cắt tóc trừ nợ cả. Qua tìm hiểu, tớ biết hoàn cảnh ông rất khó khăn, vợ ốm nặng lâu ngày, song ông rất tự trọng không nhận tiền hảo tâm của bất cứ ai. (Xin nói thêm, giai đoạn này, lương Chuẩn úy 54 đồng, Thiếu úy 64 đồng, Trung úy 75 đồng).
Sáng hôm sau, lúc ngủ dậy, tôi lại đưa kem đánh răng cho anh Khương như những ngày trước vì anh quên mang theo. Vệ sinh xong, anh rủ tôi ra phố xá thị trấn Ba Chẽ “giải ngố” sau nhiều ngày bó chân bó cẳng điều trị. Anh kéo tay tôi vào cửa hàng bách hóa. Sau đây là cuộc đối thoại của anh Giáp Văn Khương và cô mậu dịch viên:
- Cô ơi, cô bán cho chúng tôi mỗi người một tuýp kem đánh răng.
- Mặt hàng này phân phối, không bán tự do, các anh ạ!
- Anh em tôi cũng được phân phối nhưng đi bệnh xá quên mang theo. Cô linh động được không?
- Các anh thông cảm, hàng hóa phân phối phải có tem phiếu sổ sách theo quy định.
- Đứng bên cô thế này, mồm chúng tôi hôi như chuột chù mà cô không biết à?
- À này, thế tôi làm giấy vay nợ, hẹn ngày trả đàng hoàng có được không?
Cô bán hàng chưa kịp trả lời, anh Khương đã đưa cho cô tấm thẻ nhỏ lọt lòng bàn tay mà tôi thầm đoán được tựa như giấy chứng minh sĩ quan. Cô mậu dịch viên xem xong “căn cước” của khách hàng, bảo anh em tôi chờ cho một lát, rồi bước vào căn phòng nhỏ ngay kế bên. Tôi không cần dỏng tai vẫn hóng được cuộc hội thoại giữa cô nhân viên và người phụ trách:
- Chị ơi, anh Giáp Văn Khương bộ đội Đặc khu, nổi tiếng diệt giặc ở chùa Non Nước, Ninh Bình đề nghị mua kem đánh răng “ngoài luồng”!
- Có đúng là anh ấy không?
- Em đảm bảo chính xác trăm phần trăm. Hồi học cấp một, em đã học một bài thơ về anh ấy. Bữa trước, em cũng quen một anh lính ở Đặc khu, khoe là lính của thủ trưởng Giáp Văn Khương, chiến sĩ quả cảm lừng danh thời chống Pháp.
Chị trưởng cửa hàng và cô mậu dịch viên tươi cười bước ra; bán cho mỗi người một tuýp kem đánh răng “ngoài luồng”.
Ra khỏi cửa hàng, anh em tôi hứng khởi như trúng xổ số giải đặc biệt, như vừa lập chiến công đặc biệt xuất sắc.
"Sự cố" xếp hàng mua gạo sổ
Thời bao cấp, các tỉnh, thành miền Bắc đều có hệ thống cửa hàng (trực thuộc Sở Lương thực) để bán gạo phân phối cho toàn dân theo định lượng và trả tiền theo giá cố định: 4 hào/kg (trước khi đổi tiền 1986). Lực lượng vũ trang được phân phối chế độ riêng. Còn lại được định mức: Công nhân kỹ thuật lao lực, độc hại được 18kg/tháng; viên chức tùy theo ngành nghề được 13-15kg/tháng… Được gạo không có mọt là may mắn lắm. Cuối năm 1982, con gái út ốm đau nhiều, dù vợ chồng tôi tài chính eo hẹp nhưng vẫn gắng gượng mượn một bà giúp việc. Một lần từ Đặc khu rẽ qua nhà, tôi thấy rá gạo tuy đã được vo nhưng vẫn còn đầy hạt cỏ, liền mang đãi. Ngày hôm sau tôi trở về đơn vị đã nhận tin bà giúp việc bỏ đi vì tự ái; cho rằng tôi vo gạo lại là chê bà “đoảng” (!?)
Cuối năm 1984, tôi được thưởng phép 7 ngày do sáng tác và biên tập “Cánh cung Đông Bắc” - Tập thơ duy nhất của Đặc khu Quảng Ninh, dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam 22-12(1944-1984). Sáng hôm ấy, tôi mang sổ lương thực của gia đình (riêng tôi có tiêu chuẩn của Quân đội) đến Cửa hàng Lương thực Núi Xẻ (phường Cao Thắng, TX Hòn Gai), mua gạo tiêu chuẩn phân phối.
7 giờ, cửa hàng vẫn im ỉm khóa, nhưng đã rất đông người, đa số là người nghỉ hưu và học sinh xếp hàng bằng… gạch, nón, bao tải…, có cả chiếc yên xe đạp hỏng. Tay ai cũng lăm lăm cuốn sổ gạo. Ngày ấy, để mất sổ gạo là tai họa, phải qua nhiều cửa, nhiều tháng, thế nên thời kỳ này có câu: “Mặt nghệt như mất sổ gạo”.
Giá gạo được mua phân phối thấp hơn nhiều lần thị trường (chợ đen). Có một bà ở cơ quan nọ, kiêm nhiệm tổ trưởng tổ dân phố. Bà giữ sổ lương thực của một gia đình bỏ đi nước ngoài. Thế rồi bà dùng sổ “tăng gia” này mua gạo bao cấp 2 tháng liền thì bị phát giác. Bà nhận án kỷ luật, phải xuống làm nhân viên tạp vụ.
7 giờ 30, cửa hàng gạo mở cửa. Tôi chợt thấy chị Vũ Thị Kim Thúy trắng khăn tang vào đứng chót hàng. Chị là giáo viên Sinh, Hóa, Trường THCS Cao Thắng. Người bạn đời của chị là anh Nguyễn Quang Thanh rất điển trai, có thời gian là Phó Bí thư Đoàn Thanh niên thị trấn Hà Lầm. Tốt nghiệp khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, anh về công tác ở Phòng Đào tạo bồi dưỡng, Ty Giáo dục (năm 1983 là Sở Giáo dục). Anh chị là “đôi hoàn hảo” cùng nghề dạy học cao quý. Đau xót thay, anh bị đột quỵ, ra đi vào giữa năm 1984, khi 3 ngày nữa mới 35 tuổi.
Tôi đến bên chị Kim Thúy, chia sẻ nhường “lốt” xếp hàng, vì chị vất vả, một mình nuôi 2 con thơ, lại đang bận dạy học và làm chủ nhiệm lớp cuối cấp. Lúc đầu chị dứt khoát từ chối, song biết tôi đang rộng rãi thời gian, chị mới đồng ý. Tôi lấy viên gạch đỏ xếp “lốt” cuối hàng. Song chỉ vài phút sau, tôi rẽ vào nhà ông bạn đối diện cửa hàng gạo, tôi bỗng nghe ai lớn tiếng ầm ĩ ngoài cửa hàng gạo, liền trở ra xem chuyện gì. Một bà vóc dáng đồ sộ, trạc tuổi ngũ tuần đang xếp hàng ngay ngắn sau cô giáo Thúy, la lối, xỉa xói: “Con tôi về bảo chỉ đứng sau chú bộ đội, bây giờ cô này ở đâu nhảy vào. Mang tiếng cô giáo mà không chịu xếp hàng thứ tự; cứ chen ngang thế này sao răn dạy được học trò!”.
Chị Thúy đang định phân bua thì tôi đưa tay ngăn lại, nhanh chóng tiếp cận cái bà chua ngoa, rồi rành rẽ đôi lời làm bà ta tức khắc im bặt.
Ôi, xếp hàng mua lương thực định mức tiêu chuẩn trong sổ gian nan thế đấy! Chẳng vậy mà có câu: “Xếp hàng mua gạo quê tôi/ Người đứng thì ít, gạch ngồi thì đông”.
Ngày ấy, xin được vị giám đốc Ty Lương thực cấp giấy cho mua hai, ba chục cân “gạo đất”, “gạo lợn” ngoài tiêu chuẩn phân phối là “nhất hạng”. Đây là loại gạo lẫn đất, sạn, qua quét dọn từ kho và các cửa hàng. Tuy “gạo lợn” nhưng sàng sảy kỹ, người vẫn ăn rất tốt.
Phùng Ngọc Dũng
Liên kết website
Ý kiến ()