Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:04 (GMT +7)
Gỡ "điểm nghẽn" trong thu hút FDI
Thứ 5, 22/12/2022 | 07:09:58 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đạt nhiều kết quả tích cực trong thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên, kết quả thu hút FDI năm 2022 của tỉnh chưa đạt mục tiêu đề ra. Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại gây ra thực trạng trên, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã đề xuất và đang triển khai nhiều giải pháp gỡ “điểm nghẽn” trong công tác thu hút đầu tư.
Theo báo cáo của Sở KH&ĐT tỉnh, trên địa bàn Quảng Ninh hiện có 153 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD của các nhà đầu tư tới từ 19 quốc gia và vùng lãnh thổ đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó có 91 dự án tại địa bàn các KCN, KKT (chiếm 59,5%) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,36 tỷ USD (cả dự án đầu tư hạ tầng KCN), chiếm 42,2%; 62 dự án ngoài KCN, KKT (chiếm 40,5%) với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 5,97 tỷ USD (chiếm 57,8%), Lũy kế vốn đầu tư thực hiện ước đạt 6,42 tỷ USD, đạt trên 62% tổng vốn đầu tư đăng ký. Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.
Đứng đầu về số dự án và tỷ lệ vốn đầu tư là các doanh nghiệp, nhà đầu tư tới từ Trung Quốc, Hồng Kông (với 80/153 dự án, chiếm 52% số dự án và tổng vốn đầu tư trên 3,8/10,33 tỷ USD, chiếm gần 37%). Tiếp theo là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc (12 dự án, vốn đầu tư 1,2 tỷ USD). Tuy chỉ có 5 dự án nhưng vốn đầu tư từ Mỹ chiếm tới 25% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh (2,3 tỷ USD). Năm 2022, tổng thu hút vốn ngoài ngân sách của tỉnh đạt hơn 89.000 tỷ đồng, bằng 65,2% cùng kỳ. Trong đó, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 19 dự án FDI với tổng vốn hơn 622 triệu USD, chỉ đạt 41,5% kế hoạch thu hút 1,5 tỷ USD trong năm 2022 đã đề ra.
Thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút đầu tư FDI, Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Cường cho biết, việc thu hút nguồn FDI năm 2022 không đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, nguyên nhân chủ quan là do công tác thu hút đầu tư của tỉnh vẫn còn thiếu tính đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng; lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng, chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế… Số lượng dự án FDI đầu tư vào tỉnh có gia tăng, nhưng số dự án có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư; công tác hoàn thiện mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật của các KCN, KKT còn chậm.
Năng lực của các doanh nghiệp trong tỉnh còn yếu; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm số lượng lớn, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, thương mại… trong khi đó tỷ trọng đầu tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế mũi nhọn còn thấp, dẫn đến tính bền vững, tính liên kết và tính lan tỏa còn hạn chế; thiếu sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài…
Để giải quyết những điểm nghẽn kể trên, các sở, ngành, đơn vị chức năng của tỉnh cho rằng, vấn đề tiên quyết của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo là phải tạo dựng được quỹ đất sạch và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho các KCN, KKT. Cùng với đó là việc đổi mới cả nội dung và hình thức công tác xúc tiến đầu tư, cả tại chỗ và đầu tư mới, ở cả cấp địa phương và cấp doanh nghiệp, tránh tình trạng tỉnh, đặc biệt là các cấp lãnh đạo tỉnh quyết liệt chỉ đạo, lãnh đạo nhưng tự thân các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp đầu tư hạ tầng KCN lại không nhiệt tình… Tỉnh cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, trợ giúp của các bộ, ngành Trung ương trong kết nối, giới thiệu; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, thương mại ở nước ngoài…
Chia sẻ về vấn đề này, ông Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Trong thời gian tới, Ban Quản lý KKT tham mưu tỉnh để đưa ra những giải pháp quyết liệt hơn, quy rõ trách nhiệm của chủ đầu tư hạ tầng cùng với trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện hạ tầng thiết yếu các KKT, KCN trên địa bàn tỉnh, tạo điều kiện để thu hút các dự án đầu tư thứ cấp chất lượng, đảm bảo tiến độ và hiệu quả thực tế. Ban cũng sẽ nghiên cứu và đề xuất các giải pháp nhằm kêu gọi, xúc tiến đầu tư vào các địa bàn trọng điểm và các lĩnh vực tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư như công nghiệp chế biến, chế tạo, các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ cao…
Cùng với đó, các đơn vị có trách nhiệm xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh cũng nhanh chóng hoàn thiện bộ tài liệu xúc tiến đầu tư chuyên sâu trên nền tảng đa ngôn ngữ để làm tài liệu dùng chung trong công tác thu hút đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh; nghiên cứu tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư trực tiếp với các nhà đầu tư tiềm năng, có kinh nghiệm và thực lực đến từ các quốc gia phát triển trong khu vực như: Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc… trên cơ sở tận dụng tốt mối quan hệ ngoại giao…
Với sự nhìn nhận thẳng thắn về những điểm hạn chế, bất cập và các giải pháp đồng bộ đã đề ra, công tác thu hút đầu tư, đặc biệt là thu hút FDI của tỉnh trong năm 2023 và giai đoạn tiếp theo sẽ có thêm nhiều khởi sắc, tương xứng với tiềm năng, lợi thế nổi trội của tỉnh.
Minh Hà
Liên kết website
Ý kiến ()