Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:43 (GMT +7)
Gỡ khó cho doanh nghiệp
Thứ 2, 14/05/2012 | 21:32:08 [GMT +7] A A
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong quý II sẽ còn tiếp tục đi xuống và đạt thấp hơn nhiều so với quý I - đây là dự báo mà các cơ quan chuyên môn đưa ra khi vừa bước vào đầu quý những biểu hiện của sự suy giảm đã rõ nét. Nhất là đối với lĩnh vực công nghiệp giá trị sản xuất đang có chiều hướng đi xuống mạnh, đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước chỉ tăng ở mức thấp so với cùng kỳ. Vì vậy, ngay sau khi Chính phủ có Nghị quyết 13 với hàng loạt chính sách hỗ trợ mới, các chuyên gia kỳ vọng đây sẽ là gói cứu trợ mới không chỉ dành cho doanh nghiệp mà còn là “cứu cánh” đối với tốc độ GDP của các địa phương năm 2012.
Sản xuất đang đối mặt với quá nhiều yếu tố bất lợi
Không nằm ngoài dự báo của các cơ quan chuyên môn, ngay từ những ngày đầu năm 2012 nền kinh tế đã bắt đầu có biểu hiện khó khăn, kết quả là quý I giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ. Và bước sang đầu quý II sản xuất công nghiệp rơi vào mức báo động khi giá trị sản xuất chỉ tăng 2,3%. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp chính đều giảm như: Than sạch giảm 208 tấn, gạch trên 2,6 triệu viên, đóng mới tàu 9.584 tấn, xi măng 38.000 tấn, clinke 113.000 tấn, bia 101.000 lít, dầu 74 tấn, giầy 63.000 đôi. Các doanh nghiệp được đặt nhiều kỳ vọng cho đóng góp giá trị sản xuất của ngành công nghiệp đều rất khó khăn như Nhiệt điện Uông Bí sản xuất chỉ bằng 93,4% so với cùng kỳ, xi măng Cẩm Phả 81,2%, xi măng Quảng Ninh 81,1%, Thăng Long 83%, Hạ Long 34,8%.
Thi công đường vành đai Bắc TP Hạ Long, đoạn Vũ Oai - Quang Hanh. Ảnh: KHÁNH GIANG |
Theo ông Trần Đức Lâm, Giám đốc Sở KH&ĐT, khu vực công nghiệp - dịch vụ chiếm tới 95% tỷ trọng GDP của tỉnh đang có chiều hướng đi xuống mạnh. Với giá trị sản xuất công nghiệp chỉ tăng 2,3% và chi đầu tư phát triển thuộc ngân sách nhà nước chỉ tăng 7,1% so cùng kỳ trở thành yếu tố then chốt kéo tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đi xuống trong quý II. Toàn bộ khu vực dịch vụ (trừ khu vực công và tài chính - ngân hàng) trong tháng 4 đều thấp hơn so với những tháng trước. Dù rằng khu vực công từ ngày 1-5 tăng 26,5% do tăng lương nhưng tình hình xuất nhập khẩu lại ảm đạm, sản xuất khó khăn dẫn tới thu nhập của người dân cũng bị thấp đi, mỗi người dân sẽ thắt chặt chi tiêu hơn, tiêu dùng giảm đi, doanh thu thương nghiệp, tổng mức sẽ giảm theo. Giá trị sản xuất của ngành thương nghiệp, lưu trú, ăn uống, kinh doanh bất động sản, chuyên môn khoa học công nghệ, hoạt động hành chính, dịch vụ hỗ trợ, nghệ thuật vui chơi giải trí, dịch vụ khác... giảm tỷ lệ thuận với doanh thu các ngành.
Còn đối với khu vực sản xuất dù không chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của tỉnh nhưng lại có tác động ảnh hưởng rất lớn tới vấn đề an sinh xã hội trên địa bàn khu vực nông thôn là nông nghiệp đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông Trần Đức Diên, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sau một năm đạt đỉnh cao về năng suất, thì sang vụ đông xuân 2012 năng suất các loại cây đều giảm như cây ngô giảm 0,4 tạ/ha, khoai lang 2,2 tạ/ha, rau các loại giảm 2 tạ/ha, cộng với diện tích gieo trồng giảm, đã làm sản lượng cây ngô đông giảm 1.109,3 tấn, khoai lang giảm 243 tấn. Trừ cây lúa và rau xanh thì diện tích các loại cây trồng hàng năm đều giảm so cùng kỳ, diện tích giảm đương nhiên sản lượng sẽ giảm theo nên tác động trực tiếp tới giá trị sản xuất, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp. Đây là năm nhuận hai tháng tư (âm lịch), vì vậy các yếu tố thời tiết như nhiệt độ, độ ẩm không khí diễn biến theo hướng bất lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tình hình sâu bệnh hại có thể sẽ có những diễn biến phức tạp. Trong vụ xuân 2012 có 3 đối tượng sâu bệnh hại lớn, đó là: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân 2 chấm, rầy nâu, rầy lưng trắng. Ngoài ra, sẽ còn các loại sâu bệnh hại khác có thể cũng sẽ phát sinh phát triển như bọ xít dài, chuột, ốc bươu vàng, đạo ôn, khô vằn, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Cũng do điều kiện thời tiết như thời gian qua đã tạo điều kiện cho vi rút, đặc biệt là vi rút lở mồm long móng, tai xanh phát triển và lan truyền thành dịch, gây thiệt hại lớn. Tính đến thời điểm 1-4 đàn gia súc, gia cầm trên toàn tỉnh đều giảm so cùng kỳ do nhiều hộ chăn nuôi không dám mạo hiểm mở rộng sản xuất. Cộng với chi phí thức ăn chăn nuôi liên tục tăng giá làm ảnh hưởng lớn đến giá trị tăng thêm của ngành này.
Hầu hết các doanh nghiệp sản xuất nhỏ đều gặp rất nhiều khó khăn. (Ảnh: Chế biến nhựa thông ở Công ty Cổ phần Thông Quảng Ninh). Ảnh: ĐỖ GIANG |
Gói cứu trợ mới - cứu doanh nghiệp, cứu GDP
Trong bối cảnh chung của cả nước, ngày 10-5, Chính phủ đã ra Nghị quyết 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Theo đó Chính phủ cho phép gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng của tháng 4, tháng 5 và tháng 6 năm 2012 đối với 2 nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đang thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ. Chính phủ cũng đồng ý gia hạn 9 tháng nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2011 trở về trước mà chưa nộp vào ngân sách nhà nước đối với một số đối tượng doanh nghiệp. Đồng thời giảm 50% tiền thuê đất phải nộp trong năm 2011 và năm 2012 đối với một số tổ chức kinh tế cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đang được Nhà nước cho thuê đất mà năm 2012 phải xác định đơn giá thuê đất theo quy định. Bên cạnh đó, gia hạn tối đa 12 tháng thời hạn nộp tiền sử dụng đất đối với các chủ đầu tư dự án có khó khăn về tài chính. UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định thời gian gia hạn cụ thể cho từng dự án, nhóm dự án sau khi báo cáo Thường trực HĐND cùng cấp. Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay, ưu tiên đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn; doanh nghiệp vừa và nhỏ; doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu; doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ...
Thực hiện Nghị quyết này, để tiếp tục gỡ khó cho doanh nghiệp, tỉnh đã quyết định thành lập 3 tổ công tác xuống làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp sản xuất thuộc các lĩnh vực công nghiệp - nông nghiệp - dịch vụ thương mại để có giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Chủ tịch UBND tỉnh đã trực tiếp đối thoại với các doanh nghiệp, kịp thời có sự điều chỉnh về cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho các ngành sản xuất. Trước mắt đến ngày 20-5 các ngành phải hoàn thiện việc xây dựng cơ chế giá thuê đất trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp. Hy vọng với sự điều tiết kịp thời từ Trung ương đến địa phương sẽ “cứu” GDP thoát khỏi tình trạng giảm sâu trong quý II và những tháng tiếp theo của năm kế hoạch 2012.
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()