Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:48 (GMT +7)
Gỡ khó hạn mức tín dụng để khơi thông dòng vốn
Thứ 4, 29/11/2023 | 08:09:50 [GMT +7] A A
Các chuyên gia cho rằng, gỡ nút thắt hay thậm chí gỡ bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng được cho là sẽ góp phần khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế vào thời điểm này.
Khoảng 700.000 tỷ đồng đang nằm trong hệ thống ngân hàng và số tiền này cần phải đưa vào nền kinh tế từ nay đến cuối năm nếu Ngân hàng Nhà nước muốn đạt kế hoạch tăng trưởng tín dụng 14% như mục tiêu đã đề ra cho năm nay.
Hệ thống thừa vốn, nhiều doanh nghiệp và người dân có nhu cầu, nhưng không ít ngân hàng muốn tiếp tục cho vay cũng không được, vì đã hết hạn mức tín dụng cho phép. Hiện có sự phân hóa ngay trong nội bộ hệ thống ngân hàng vì khả năng cho vay, là khác nhau
Tính đến nay, 8,09% là mức tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống ngân hàng, tuy nhiên hiện có 7 ngân hàng tăng trưởng dưới mức này, thậm chí chỉ từ 2 - 5% như ngân hàng ngoại thương, ngân hàng An Bình, Bắc Á hay Bản Việt. Ở chiều ngược lại, không ít ngân hàng có mức tăng trưởng tín dụng trên 20% như VPBank, MSB hay MBBank.
Cuối năm là dịp cao điểm nhu cầu tín dụng của nền kinh tế, nhưng không ít ngân hàng dù còn tiền, có nhiều khách hàng khả thi, nhưng không thể cho vay và phải làm đơn để xin Ngân hàng Nhà nước cho phép tiếp tục được đưa vốn ra.
"LPBank đã dùng room tín dụng 11,56%, đã gần hết room tín dụng do Ngân hàng Nhà nước cấp. LPBank đã đề xuất với Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp thêm room tín dụng để có điều kiện cho vay một số doanh nghiệp", ông Hồ Nam Tiến, Tổng Giám đốc Ngân hàng LPBank, cho biết.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc việc kiểm soát hạn mức tín dụng là để các ngân hàng không chạy đua tăng lãi suất huy động, có thể gây áp lực lên lạm phát và hạn chế gia tăng nợ xấu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước có thể kiểm soát việc này thông qua các hệ số an toàn rủi ro như hệ số K, vừa công khai minh bạch, vừa không can thiệp hành chính một cách trực tiếp vào việc cho vay của ngân hàng.
"Khi chúng ta áp dụng hệ số K thì kiểm soát tổ chức tín dụng về vốn chủ sở hữu và đầu tư, cho vay, nghĩa là tổ chức tín dụng muốn tăng trưởng tín dụng 15% thì tương ứng vốn chủ sở hữu cũng tăng. Đây cũng là thông lệ quốc tế đã và đang áp dụng", ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia, cho hay.
Nếu các ngân hàng cố tình huy động vốn sai quy định, cho vay dưới chuẩn thì Ngân hàng Nhà nước còn có công cụ thanh tra, giám sát.
Chỉ còn một tháng nữa là hết năm, tức cũng chỉ còn một tháng để giải ngân hơn 700.000 tỷ đồng là việc làm bất khả thi. Ngân hàng thừa vốn, không ít doanh nghiệp và người dân lại đang khát vốn. Theo các chuyên gia, gỡ nút thắt hay thậm chí gỡ bỏ công cụ cấp hạn mức tín dụng được cho là sẽ góp phần khơi thông dòng vốn vào nền kinh tế vào thời điểm này.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()