Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:11 (GMT +7)
Gỡ những nút thắt theo hướng nào?
Chủ nhật, 26/11/2023 | 11:26:12 [GMT +7] A A
Năm nay có thể xem là năm hồi phục mạnh mẽ của du lịch Quảng Ninh sau thời gian chịu ảnh hưởng của Covid-19. Cũng chính vì vậy, nhiều vấn đề, nút thắt trong hoạt động du lịch hoặc đã tồn tại lâu nay, hoặc mới phát sinh được nhiều doanh nghiệp, du khách quan tâm, cần thiết có những giải pháp tháo gỡ kịp thời...
Thực tế cho thấy, trung tâm du lịch Hạ Long có sự phát triển mạnh mẽ nhất thì cũng là nơi phát sinh nhiều vấn đề cần giải quyết hơn cả. Ở trên bờ là việc đảm bảo hài hoà lợi ích các cơ sở kinh doanh du lịch, chủ yếu là các khách sạn khu vực lân cận với một số quán bar, pub mở nhạc sàn cực lớn về khuya ở khu du lịch Bãi Cháy.
Việc có những tụ điểm vui chơi, giải trí bãi biển không chỉ gia tăng sự sôi động, hấp dẫn du khách mà phần nào còn kéo thêm khách đến các điểm lưu trú. Ngược lại, tiếng ồn quá lớn về khuya lại ảnh hưởng tới sự nghỉ ngơi của không ít du khách, khiến du khách không chỉ cảm thấy phiền nhiễu mà còn sẵn sàng huỷ, đổi phòng, đổi khách sạn, gây thiệt hại cho các cơ sở kinh doanh lưu trú... Đây là vấn đề không lớn nhưng lại tồn tại lâu nay, chưa có giải pháp xử lý dứt điểm để hài hòa lợi ích các bên.
Ở trên Vịnh Hạ Long hiện có nhiều tuyến tham quan, lưu trú nghỉ đêm trên biển nhưng số lượng bãi tắm trên vịnh lại quá ít ỏi. Vướng mắc trong việc đưa bãi tắm Soi Sim trở lại hoạt động phục vụ du khách mấy năm nay thực tế vẫn chưa được tháo gỡ. Bãi tắm duy nhất tại đảo Ti tốp rơi vào tình trạng quá tải vào mùa hè và cũng chỉ phục vụ du khách đi tham quan tuyến 2, còn các tuyến khác, không có các bãi tắm trên Vịnh nằm trong lịch trình tham quan. Vì vậy, nhiều du khách đi biển mà không được tắm biển.
Việc lập phương án mở thêm bãi tắm, cụm bãi tắm trên Vịnh từ hệ thống hàng trăm bãi cát nhỏ ven các chân núi đá của Vịnh Hạ Long mở ra hy vọng cho nhiều doanh nghiệp khai thác kinh doanh du lịch, tuy nhiên cho tới nay vẫn tắc vì theo giải thích của cơ quan chức năng là “vướng về hành lang pháp lý”, có thể gây ảnh hưởng tới di sản thế giới.
Bên cạnh đó là tình trạng xuống cấp của những công trình nổi, vốn là sản phẩm du lịch độc đáo trên Vịnh Hạ Long những năm qua. Trong đó, hệ thống 69 nhà bè của ngư dân Cửa Vạn và Vung Viêng sau khi di dời lên bờ vào năm 2014, được giữ lại bảo tồn nhưng cho đến nay, khoảng một nửa số này đã bị hỏng hóc, chìm đắm và được thanh lý. Số nhà bè còn lại cũng rơi vào nguy cơ tương tự.
Còn công trình Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn được đầu tư xây dựng và khánh thành vào năm 2006, cùng với các nhà bè, nằm trong tuyến tham quan số 3 trên Vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, do tác động của Covid-19 thì việc khai thác tuyến du lịch này mấy năm qua gần như bị gián đoạn, công trình theo đó cũng gần như bị “bỏ quên” dẫn tới sự xuống cấp nghiêm trọng, khó đảm bảo an toàn cho du khách trong quá trình tham quan, trải nghiệm tại đây.
Có thể thấy, sản phẩm du lịch trên Vịnh Hạ Long vốn là vấn đề được nói nhiều trong những năm qua. Nay du lịch phục hồi trở lại, với nhu cầu có những điểm đến, sản phẩm trải nghiệm mới thì việc tìm hướng giải quyết, tháo gỡ về lâu dài đối với những công trình nổi kể trên để có hướng bảo tồn bền vững gắn với phát triển du lịch trên Vịnh Hạ Long là rất cần thiết.
Tiếp tục câu chuyện sản phẩm du lịch mới, năm nay các địa phương, đơn vị đăng ký đưa 38 sản phẩm du lịch mới vào khai thác. Tuy nhiên, cho tới nay thì nhiều sản phẩm rơi vào tình trạng “chết yểu”, không thể ra đời vì thiếu khả thi, không có sức hút hoặc chậm tiến độ do vướng về hành lang pháp lý... Cùng với việc tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách với những sản phẩm hứa hẹn sức hút với du khách thì thiết nghĩ cũng rất cần nhìn nhận, đánh giá lại khi đưa vào danh sách những sản phẩm du lịch mới trên cơ sở đảm bảo sức sống, tính thực tế của sản phẩm thay vì chỉ đăng ký cho có hay chạy theo thành tích, phong trào mà áp đặt về số lượng, sản phẩm.
Một vấn đề cũng dễ thấy là sự hồi phục du lịch chưa đồng đều ở các địa phương. Hiện nay mới chỉ có số ít địa phương, đơn vị hồi phục mạnh mẽ, có nhiều dịch vụ, sản phẩm mới còn không ít nơi vẫn im lìm, thậm chí có những sản phẩm từng rất hút khách nay vẫn đìu hiu, thưa vắng. Cùng với đó thì sự bùng phát của du lịch tự phát, nhỏ lẻ với những mô hình du lịch trải nghiệm, về phía du khách tương đối hấp dẫn, mới mẻ, ngược lại đặt ra bài toán nan giải trong khâu tổ chức, quản lý đảm bảo phù hợp, hiệu quả.
Đi qua đại dịch Covid-19, thị trường khách du lịch rõ ràng có rất nhiều thay đổi. Vì vậy, tìm cách thích nghi, có sự chuyển đổi để phát triển trong giai đoạn mới là điều cần thiết với các doanh nghiệp. Cùng với đó, việc tháo gỡ những nút thắt, cải thiện môi trường kinh doanh du lịch lại là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương, góp phần tạo động lực cho du lịch phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới đây.
Ngọc Mai
Liên kết website
Ý kiến ()