Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 08:51 (GMT +7)
Gỡ vướng mắc cơ chế xử lý nợ
Chủ nhật, 25/02/2024 | 12:07:39 [GMT +7] A A
Theo nhìn nhận của giới chuyên gia, hiện nay, nợ xấu đã ở mức khá cao và có khả năng tiếp tục tăng trong thời gian tới. Bên cạnh đó, kinh tế còn nhiều khó khăn, sức khỏe nhiều doanh nghiệp suy yếu.
Do vậy, rất cần các giải pháp hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi; trong đó, việc tiếp tục cơ cấu thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là giải pháp cần tính đến.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) ban hành ngày 23/4/2023 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ vay phục vụ nhu cầu đời sống, tiêu dùng. Theo quy định, Thông tư 02 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024.
Nợ xấu có xu hướng tăng
Kể từ khi thông tư được ban hành, tại một số ngân hàng thương mại, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đã có kết quả bước đầu. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), lũy kế tính đến hiện tại, LPBank đã thực hiện triển khai cơ cấu lại thời hạn trả nợ theo Thông tư 02 là 192 lượt khách hàng với tổng dư nợ gốc của khách hàng là hơn 7.237 tỷ đồng, với số lãi cơ cấu là 327 tỷ đồng.
Còn tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), Phó Tổng Giám đốc Phạm Quang Thắng cho biết, nợ xấu của Techcombank đến cuối tháng 1/2024 ngang bằng cuối năm 2023, với tỷ lệ 1,2%. Cơ cấu nợ của khách hàng tại Techcombank theo Thông tư 02 đến cuối tháng 1/2024 khoảng 6.000 tỷ đồng.
Tính chung toàn hệ thống, theo Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Hà Thu Giang, sau gần 8 tháng triển khai thông tư này (lũy kế từ ngày 24/4/2023-30/11/2023), tổng giá trị nợ gốc và lãi được tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ là 171.083 tỷ đồng, với 175.581 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ.
Tuy nhiên, qua các báo cáo tài chính năm 2023 của nhiều ngân hàng thương mại cho thấy, nợ xấu có xu hướng “dềnh” lên. Theo số liệu cập nhật đến hết quý III/2023 của Ngân hàng Nhà nước, tổng nợ xấu cuối quý III/2023 của các ngân hàng tăng 61% so với cuối quý trước đó, lên 196.755 tỷ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), tổng nợ xấu đến cuối năm 2023 đã lên mức 4.200 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cuối năm 2022.
Tương ứng, tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay khách hàng của TPBank cũng tăng lên 2,04% tại thời điểm cuối năm 2023. Đối với Sacombank, đến hết năm 2023, tổng nợ xấu của ngân hàng này là 10.984 tỷ đồng, tăng 155,5% so với đầu năm. Một số ngân hàng khác cũng ghi nhận tỷ lệ nợ xấu tăng cao như: Bac A Bank đạt gần 914 tỷ đồng, tăng 78% so với cuối năm 2022; NCB đạt 16.469 tỷ đồng, tăng 92,5%; ACB đạt 5.887 tỷ đồng, tăng 93,3%;…
Ngoài ra, báo cáo từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16%. Nhưng mặt khác, ý kiến từ nhiều chuyên gia kinh tế và một số lãnh đạo nhà băng nhận định, thực tế nếu “tính đúng, tính đủ”, tỷ lệ nợ xấu trong toàn hệ thống sẽ tăng hơn nhiều con số được công bố.
Tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế
Trước bối cảnh kinh tế khó khăn, sức cầu thị trường còn yếu đã tác động lên khả năng trả nợ của khách hàng, nhiều vị lãnh đạo của các ngân hàng thương mại kiến nghị gia hạn thêm Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để khách hàng và ngân hàng có điều kiện hơn trong việc trả nợ.
Theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Trần Long, hiện tại, năng lực tài chính của doanh nghiệp bị giảm sút, khả năng chịu đựng yếu, cũng như nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực xăng dầu, điện, đối mặt với rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến quy mô nợ xấu gia tăng và tỷ lệ bao trùm nợ xấu tại các ngân hàng giảm; các khoản nợ cơ cấu theo Thông tư 02 đến hạn trong năm 2024 và năm 2025 cho nên áp lực giảm nợ xấu khi đến hạn sẽ rất lớn. Giá trị tài sản bảo đảm sụt giảm thì xử lý nợ xấu càng khó khăn hơn do thanh khoản thị trường bất động sản giảm sút. Do đó, đại diện BIDV kiến nghị kéo dài thời hạn áp dụng thông tư đến hết năm 2024.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Đỗ Thanh Sơn cũng đánh giá, khách hàng sẽ tiếp tục khó khăn trong năm 2024 và kéo đến đầu năm 2025 cho nên việc kéo dài Thông tư 02 về cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ là cần thiết.
Đồng thời, ông Sơn kiến nghị về vấn đề trích lập dự phòng cụ thể cho các khoản nợ trung hạn đã được cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Theo đó, với các kỳ hạn mà nhóm khách hàng này đã thanh toán đủ nợ thì không phải trích dự phòng bổ sung cho phần còn lại vì thời gian cho vay trung hạn còn kéo dài.
Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Techcombank Phạm Quang Thắng cho hay, đến nay, các khách hàng cũng đã bắt đầu trả nợ dần. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thời gian trả nợ, Techcombank kiến nghị được gia hạn thêm thời gian đối với việc cơ cấu và trả nợ tại Thông tư 02.
Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc LPBank Hồ Nam Tiến nhận định, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng được kéo dài thời hạn thêm tối đa 12 tháng dẫn đến khi đến hạn trả nợ cơ cấu thì số tiền trả nợ hằng kỳ sẽ bị gấp đôi lên đối với khách hàng vay vốn trung dài hạn (bao gồm số tiền đến hạn định kỳ và số tiền cơ cấu nợ), dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ khi đến hạn trả nợ cơ cấu. Do vậy, LPBank đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm 12 tháng (đến ngày 30/6/2025) để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.
Bên cạnh việc kiến nghị Ngân hàng Nhà nước gia hạn thêm thời gian Thông tư 02 từ 6 tháng đến 1 năm để người vay có thời gian trả nợ trong bối cảnh khó khăn, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng còn đề xuất cần thiết có thêm các biện pháp để xử lý các hội nhóm “bùng nợ” đang hoạt động công khai trên mạng xã hội hiện nay.
Đối với các kiến nghị nêu trên, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: Cơ quan quản lý nhất trí với chủ trương gia hạn thêm Thông tư 02, nhưng vấn đề gia hạn thêm 6 tháng hay 1 năm thì cần được xem xét kỹ. “Ngân hàng Nhà nước chưa thể khẳng định kéo dài thông tư này thêm bao lâu vì cần phải đánh giá kỹ hơn. Trước mắt, các đơn vị như Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Cơ quan Thanh tra giám sát, Vụ Pháp chế, Vụ Chính sách tiền tệ sẽ hoàn thiện đề xuất cơ chế tại thông tư này ngay trong quý 1/2024”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú đề nghị.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()