Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 10:01 (GMT +7)
Gỡ vướng trong bàn giao công trình điện
Thứ 4, 30/10/2024 | 15:12:36 [GMT +7] A A
Nhiều năm nay, trước yêu cầu phát triển của các địa phương, hệ thống lưới điện đã được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn từ ngân sách nhà nước (NSNN) đến ngoài NSNN. Tuy nhiên, trong quá trình điều chuyển công trình điện được đầu tư bằng vốn nhà nước sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) quản lý đã phát sinh nhiều bất cập, khiến cho công tác chuyển giao gặp nhiều khó khăn.
Theo tổng hợp của Sở Công Thương từ số liệu các đơn vị, địa phương cung cấp, số lượng công trình điện thuộc phạm vi điều chỉnh có nhu cầu chuyển giao tài sản cho EVN trên địa bàn tỉnh tính đến thời điểm hiện tại là 661 công trình. Thực tế cho thấy, việc chậm bàn giao, tiếp nhận công trình điện có nhiều nguyên nhân, trong đó xuất phát từ quy trình điều chuyển tại Quyết định số 41/2017/QĐ-TTg còn phức tạp, qua nhiều bước trung gian, trong khi phạm vi chưa bao quát hết các trường hợp phát sinh trong thực tiễn. Cụ thể, Quyết định 41/2017/QĐ-TTg nêu rõ: Chỉ thực hiện điều chuyển đối với các công trình điện được đầu tư bằng nguồn vốn NSNN, còn các nguồn vốn khác chưa có chủ trương bàn giao, tiếp nhận, do đó ngành Điện không có cơ sở pháp lý để thực hiện các trình tự, thủ tục bàn giao. Trong khi đó, có nhiều khu đô thị trên địa bàn tỉnh được thực hiện bằng hình thức đổi đất lấy công trình. Để được bàn giao thì những công trình này phải được UBND tỉnh lập hồ sơ điều chuyển, xác định tài sản gửi EVN, Bộ Tài chính để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét.
Do chậm bàn giao tài sản cho ngành Điện cũng kéo theo hàng loạt bất cập khác nảy sinh tới doanh nghiệp và người dân, nhất là ở những khu đô thị đã hình thành cách đây nhiều năm. Nhiều chủ đầu tư dự án rất bức xúc khi bỏ hàng chục tỷ đồng để đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhưng nghịch lý ở chỗ là số tiền tiêu thụ điện hằng tháng người dân đóng cho ngành Điện nhưng do chưa bàn giao tài sản nên mỗi khi đường dây hay trạm biến áp, tủ điện bị hư hỏng thì ngành Điện lại yêu cầu chủ đầu tư phải tiếp tục bỏ kinh phí sửa chữa. Đơn cử, theo tính toán của Công ty CP Xây dựng công trình 507 Chi nhánh Quảng Ninh, kinh phí để hằng năm duy tu, bảo dưỡng lưới điện của các công trình đến nay đã chiếm tới 30% tỷ trọng so với vốn đầu tư ban đầu.
Do nguồn vốn eo hẹp nên nhiều doanh nghiệp cũng không thể nâng cấp, sửa chữa đồng bộ hệ thống lưới điện đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển, nên qua từng năm hệ thống điện ngày một xuống cấp, chất lượng điện không ổn định, gây nguy cơ mất an toàn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân. Điển hình như ở khu vực Cao Xanh, Hà Khánh (TP Hạ Long), người dân khi mua đất, xây nhà thường phải đi kéo nhờ điện ở những khu dân cư lân cận. Nguyên nhân chính do hệ thống lưới điện tại các dự án đều gần như đã quá tải, không đảm bảo vận hành nên có thời điểm Điện lực TP Hạ Long đã ra văn bản tạm dừng việc cấp điện mới vào các khu đô thị. Bà Nguyễn Thị Hằng (Khu đô thị mới Cao Xanh - Hà Khánh B) chia sẻ: Việc người dân có điện, nước sinh hoạt là quyền lợi chính đáng được hưởng trước khi vào sinh sống tại các khu đô thị. Thế nhưng, để kéo được điện, gia đình đã phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi. Thật sự là rất mệt mỏi.
Nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong các thủ tục chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN, ngày 10/1/2024, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 02/2024/NĐ-CP về việc chuyển giao công trình điện là tài sản công sang EVN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/3/2024. Nghị định số 02/2024/NĐ-CP có điểm mới là phân cấp rất mạnh cho các bộ, ngành, địa phương, đơn vị đang trực tiếp quản lý các công trình điện; quy định cụ thể việc xác định giá trị công trình điện chuyển giao theo hướng đơn giản, sử dụng tối đa thông tin sẵn có để xác định giá trị; quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Ông Tống Viết Hùng, Phó Giám đốc Công ty CP Xây dựng công trình 507, cho biết: Công trình điện là loại tài sản đặc thù, chỉ có ngành Điện mới đủ chuyên ngành vận hành. Do đó, chúng tôi rất mong địa phương và Công ty Điện lực Quảng Ninh sẽ hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp để đảm bảo hiểu đúng, thống nhất, hạn chế tối đa những khó khăn vướng mắc trong thực tiễn triển khai theo Nghị định mới, sớm bàn giao tài sản cho ngành Điện.
Để Nghị định số 02/2024/NĐ-CP có hiệu quả, đầu tháng 10/2024, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 231/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chuyển giao công trình điện có cấp điện áp đến 110kV là tài sản công trên địa bàn tỉnh sang EVN. Theo Kế hoạch, lộ trình giải quyết hồ sơ chuyển giao công trình điện khoảng 40-45 hồ sơ/tháng (dự kiến năm 2024 là 120 hồ sơ, số còn lại theo danh mục kèm theo và số hồ sơ phát sinh được chuyển sang năm 2025 và những năm tiếp theo). Đồng thời quy định cụ thể trách nhiệm của các đơn vị liên quan.
Ông Đào Duy Linh, Trưởng phòng Quản lý năng lượng (Sở Công Thương) cho biết: Qua nắm bắt tình hình thực tế, công tác chuyển giao tài sản công sang Tập đoàn Điện lực Việt Nam được nhận định sẽ có nhiều khó khăn vướng mắc, nhất là việc thiếu hoặc thất lạc hồ sơ dự án, công trình. Quá trình giải quyết chuyển giao liên quan đến nhiều chuyên môn, nghiệp vụ như xác định giá trị tài sản, thủ tục về đất đai… cần sự hỗ trợ, hướng dẫn của các sở, ngành, địa phương. Đặc biệt, địa phương cần tạo điều kiện và phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư hoặc đơn vị đang được giao quản lý, sử dụng công trình điện trong lập hồ sơ, các thủ tục đất đai theo đúng quy định.
Hoàng Nga
- Luật Điện lực (sửa đổi) thống nhất, đồng bộ với các luật liên quan
- Quy định trách nhiệm của các đơn vị cung cấp đảm bảo điện an toàn, liên tục
- ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho ý kiến vào dự án Luật Điện lực (sửa đổi)
- Điện mặt trời mái nhà dư thừa được bán tối đa 20% công suất
- Sửa Luật Điện lực hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0
Liên kết website
Ý kiến ()