Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 19:04 (GMT +7)
"Lan tỏa những giá trị của nghệ thuật dân tộc đến du khách..."
Chủ nhật, 03/03/2024 | 09:33:00 [GMT +7] A A
Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh là một nghệ sĩ nổi tiếng, chuyên biểu diễn nhạc cụ dân tộc Việt Nam. Anh từng được mời tham gia dàn dựng, chỉ huy nhiều show diễn dàn nhạc giao hưởng tại Trung Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á. Nhạc trưởng Đồng Quang Vinh hiện đang là Giám đốc nghệ thuật của Dàn nhạc tre nứa Sức sống mới do chính anh thành lập từ năm 2013.
Vào những ngày cuối cùng của năm 2023 vừa qua, nhạc trưởng Đồng Quang Vinh và Dàn nhạc tre nứa Sức sống mới đã có một show diễn đặc biệt trên du thuyền tại Vịnh Hạ Long. Nhân dịp này, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh đã có cuộc trò chuyện với anh.
- Đến giờ, nhìn lại đêm nhạc trên Vịnh Hạ Long, theo anh điều thành công nhất đã gặt hái được là gì?
+ Theo tôi được biết thì trước đó chưa có một show diễn dàn nhạc giao hưởng nào tổ chức trên không gian mặt nước Vịnh Hạ Long. Bản thân tôi hiểu, du thuyền là một không gian rất tuyệt vời để có thể tổng hoà với nhạc giao hưởng. Đến với du thuyền, anh chị em nghệ sĩ được sống với thiên nhiên, được phục vụ chu đáo, được thưởng thức những gì trọn vẹn. Vẻ đẹp thiên nhiên khi kết hợp được với âm nhạc sẽ càng thi vị hơn. Hãy tưởng tượng, khi chúng ta xem một bộ phim Hollywood, phim bom tấn và bỏ phần âm nhạc đi, những bộ phim đó liệu có thực sự trọn vẹn?
Là một người làm nhạc, luôn tìm kiếm những không gian mới phù hợp với những gì mình đang làm, chúng tôi cảm thấy du thuyền là không gian đặc biệt để chơi nhạc. Và nó cũng là trải nghiệm đầu tiên với rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi nghe nhạc giao hưởng trên Vịnh. Vì thế, điều làm cho mình cảm nhận được sự thành công là bất chấp trời lạnh nhưng khán giả, nhất là khán giả quốc tế vẫn ngồi đến phút cuối để nghe và dành cho các nghệ sĩ những tràng pháo tay ủng hộ. Đó là niềm hạnh phúc, là sự cổ vũ, động viên mình.
- Bất chấp trời lạnh mà ngồi nghe nhạc giao hưởng thì quả là càng hiếm đúng không anh?
+ Thực ra thì mọi người vẫn nghĩ đây là thể loại âm nhạc của khán phòng và phải mặc comple, đeo ca vát vào khán phòng để nghe. Đó vốn được hiểu là thứ âm nhạc sang trọng. Tuy nhiên, tôi nghĩ đấy mới chỉ là một mặt thôi, dù gì đi nữa thì mọi loại hình nghệ thuật, trong đó có âm nhạc đều xuất phát từ cuộc sống và cuối cùng vẫn phải quay lại phục vụ cuộc sống. Mà cuộc sống thì vô cùng, nhiều lớp người, nhiều giới và nhiều sở thích, nhiều cách nghe khác nhau. Nghe nhạc giao hưởng ở ngoài trời cũng là một cách.
- Thưởng thức âm nhạc trên du thuyền giữa không gian mở của Hạ Long cũng là một cách nghe mới. Khán giả có cách nghe mới thì đương nhiên nghệ sĩ cũng phải có cách thể hiện mới?
+ Đúng thế. Nghệ sĩ chúng tôi luôn phải tìm ra cách để vượt qua chính mình của ngày hôm qua để đi tìm cái mới, cái sáng tạo. Nhiều lĩnh vực đều vậy, nhiều loại hình nghệ thuật đều vậy chứ không riêng gì âm nhạc. Nhưng đối với âm nhạc, với người nghệ sĩ thì khát vọng đổi mới luôn thường trực. Chúng tôi đổi mới cách chơi nhạc ở không gian Hạ Long là bởi vì Hạ Long mang vẻ đẹp văn hoá, lịch sử. Khi mà vẻ đẹp đó được kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, sự hoà phối của những nghệ sĩ chơi nhạc cụ dân tộc với nhạc cụ phương Tây thì chắc chắn sẽ đem đến cho khán giả cảm xúc đặc biệt trong một không gian rất đặc biệt của Vịnh Hạ Long.
Ngoài ra, tôi cũng mong muốn du khách Việt cũng như du khách nước ngoài sẽ nhớ về Hạ Long, nhớ về Việt Nam nhiều hơn nữa thông qua những cách khác nhau, trong đó âm nhạc cũng là một cách. Trong bối cảnh hiện đại hóa, xu hướng du lịch và nhu cầu đổi mới nghệ thuật thì sự kết hợp của dàn nhạc giao hưởng trên sân khấu nổi với các nhạc cụ tre nứa là một thể nghiệm mới. Chúng tôi muốn lan tỏa nghệ thuật âm nhạc đến với du khách, nhất là khách nước ngoài.
- Phải chăng đó cũng là một kênh rất tuyệt vời để mỗi nghệ sĩ quảng bá không gian di sản?
+ Thực tế thì mọi người xem phim điện ảnh về Hạ Long có thể cắt ra những lát cắt để mà tưởng tượng cảnh đẹp nên thơ của Vịnh Hạ Long. Và dàn nhạc giao hưởng cũng vậy, nó là sự kết hợp của nhiều nhạc cụ, nhiều phong cách, nhiều nghệ sĩ. Từng tham gia nhiều show diễn, nhất là các show diễn ở nước ngoài, tôi quan sát thấy rằng, mỗi lần xem chúng tôi diễn xong, không ít khán giả tò mò đến gần tìm hiểu xem loại nhạc cụ này tên gọi là gì, sao mà nó tạo ra được thứ âm thanh đó... Và rồi sẽ còn tuyệt vời hơn nếu khán giả hiếu kỳ tìm hiểu xem bối cảnh ra đời thứ nhạc cụ đó thế nào, nó được biểu diễn ở đâu rồi tất tần tật những gì liên quan đến nó. Khi họ giới thiệu đến bạn bè và người thân của họ thì những người tìm hiểu về bối cảnh chơi nhạc sẽ tăng theo cấp số nhân. Tôi nghĩ, đó cũng là cách quảng bá giá trị di sản.
- Từ chương trình vừa qua, anh và các nghệ sĩ có mong muốn gì từ khán giả và các nhà tổ chức sự kiện?
+ Chúng tôi mong muốn thị trường công nghiệp âm nhạc, công nghiệp giải trí ngày càng phát triển, mở rộng. Khi mà thị trường được mở rộng thì sẽ ngày càng có thêm cơ hội tốt cho nhiều nghệ sĩ, nhiều đồng nghiệp của chúng tôi. Đồng thời cũng có thêm cơ hội lựa chọn sản phẩm văn hoá cho công chúng, khán giả mà tôi cứ tạm gọi là khách hàng. Hai điều đó tương tác qua lại lẫn nhau. Khi có thêm cơ hội thể hiện trước công chúng thì nghệ sĩ chúng tôi có thêm thu nhập kinh tế, điều thứ hai không kém quan trọng là có thêm cảm hứng sáng tạo. Đương nhiên là khán giả có cơ hội tiếp cận sản phẩm văn hoá một cách đa dạng hơn, cập nhật với những trào lưu, xu hướng của cuộc sống đương đại hơn. Thêm nữa, càng nhiều buổi biểu diễn lớn hơn thì chúng tôi càng có thêm những ý tưởng mới hấp dẫn hơn. Đó là điều mà mỗi nghệ sĩ chúng tôi đều mong muốn.
- Anh hy vọng điều gì từ chính những đồng nghiệp trẻ của mình, nhất là những nghệ sĩ theo đuổi dòng nhạc dân tộc, thưa nhạc trưởng?
+ Chúng ta vẫn hiểu rằng, khi mọi thứ có biên giới thì việc để hiểu hết về nhau là điều rất khó khăn. Giống như việc khi tôi không biết ngôn ngữ của bạn, sự cản trở đó rất khó để chúng ta giao tiếp. Nhưng đối với một bản nhạc hay, đôi khi chúng ta sẽ bỏ qua việc bản nhạc xuất phát từ đâu, chỉ việc tận hưởng nó mà thôi. Và ít nhất âm nhạc đã làm được cái gì đó để kết nối mọi người lại gần nhau hơn.
Như anh đã biết, âm nhạc là ngôn ngữ không có biên giới. Vậy nên có thể đối tượng này chưa thích dòng nhạc này nhưng nhiều đối tượng khác lại rất thích. Tôi mong các bạn trẻ yêu âm nhạc hoặc có thể đang theo nghề âm nhạc dân tộc hãy kiên trì tập luyện, có ý tưởng mới mẻ và đi theo nó đến cùng sự đam mê thì chắc chắn sẽ thành công. Chắc chắn khán thính giả trong nước và cả ngoài nước nữa sẽ ủng hộ các bạn và tìm đến với các bạn, nghĩa là sẽ ủng hộ Việt Nam, ủng hộ văn hoá Việt và nhạc dân tộc Việt. Chính vì thế, tôi nghĩ âm nhạc dân tộc sẽ rất có triển vọng phát triển. Tôi mong rằng có nhiều hơn nữa các bạn trẻ học âm nhạc Việt Nam. Các bạn sẽ là những đại sứ truyền bá văn hoá Việt Nam và vẻ đẹp thiên nhiên, con người Việt Nam ra thế giới.
- Cám ơn nhạc trưởng về cuộc trò chuyện này!
Phạm Học (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()