Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 14:14 (GMT +7)
Hà Cối có nghĩa là gì?
Thứ 2, 22/07/2024 | 16:48:09 [GMT +7] A A
Hà Cối - tên cũ của huyện Hải Hà - là một cái tên rất đỗi thân thuộc đối với người miền đông và cũng rất ấn tượng đối với những người yêu lịch sử, văn hóa Đông Bắc! Tuy vậy, càng về sau này, càng nhiều người không hiểu tên Hà Cối có nghĩa là gì hoặc là hiểu rất thiên kiến, sai lệch so với ý nghĩa thực ban đầu. Các vùng văn minh lớn luôn gắn liền với các con sông, theo đó những tên cổ gắn với chữ Hà đều là những địa danh rất đặc biệt đáng để chúng ta tìm hiểu, giải mã và cảm nhận.
Trong sử cổ, tên Hà Cối được viết bằng chữ Hán là 河檜 . Hà (河)có nghĩa là sông nước, Cối (檜) có nghĩa là loài cây rừng xanh tốt quanh năm. Cối không chỉ có nghĩa là cây cối nói chung như nghĩa danh từ chung chúng ta đang hiểu, cũng không có nghĩa là “cỏ cây rậm rạp” như nhiều trang sử địa phương đã biên soạn gần đây. Khi xưa các cụ dùng chữ Thảo (草) chỉ các loài cây thân cỏ, dùng chữ Thái (菜) chỉ các loài rau ăn, dùng chữ Mộc (木) chỉ các loài cây thân gỗ nói chung… và dùng chữ Cối (檜) để chỉ riêng các loài cây rừng già xanh tốt quanh năm, không rụng lá theo mùa, mỗi lá trên cây có thể tồn tại 3 năm đến 40 năm mới rụng, thuật ngữ khoa học giờ chúng ta gọi là “cây thường xanh”. Đặc trưng của Cối là vẻ đẹp tươi xanh, sức sống mãnh liệt, khí chất kiên cường, chống chọi tốt với sự khó khăn, khắc nghiệt của địa hình và thời tiết, tiêu biểu như các loài cây thông, tùng, bách… Như vậy, Hà Cối có thể hiểu chung chung là "rừng già bên sông", theo nghĩa hẹp là "rừng thông bên sông", theo nghĩa văn chương là "vùng đất trù phú, xanh tốt, thâm sâu, lâu bền, kiên cường"… Nếu biết rằng tên cổ hơn nữa của vùng đất này là Hà Môn thì ta sẽ thấy được ý nghĩa lớn lao của tên Hà Cối khi người xưa muốn nhấn mạnh đây không chỉ còn là một cái tên chung chung cho vị trí cửa sông, cửa biển trên họa đồ mà còn là cả một vùng lãnh thổ rừng già bên sông bên biển.
Hà Cối – một cái tên rất mộc mạc, thân thương và đầy ý nghĩa thâm sâu như vậy nhưng cũng rất trắc trở khi hết lớp người này tới lớp người khác hiểu sai ngữ nghĩa từng con chữ, thậm chí tất cả các huyện miền đông đều giữ được tên cũ, duy chỉ có Hà Cối là đổi tên tới mấy lần liền. Chữ Hà thì đơn giản, dễ hiểu rồi nhưng chữ Cối rất hay bị hiểu sai. Đã có nhiều cách giải nghĩa tên Hà Cối khác nhau, khéo mà thành giai thoại mất. Thực ra cũng không nên nói găng lên về chuyện giải nghĩa đúng hay sai, bởi vì với mỗi hoàn cảnh lịch sử thì một lớp người mới lại nghĩ về cái tên theo hiểu biết và dụng ý của chính họ. Cái đó thuộc về tri thức và tình cảm, nhiều khi cứ nên để tự nhiên thôi, ngôn ngữ cũng là một sinh ngữ, cần có đời sống ngữ nghĩa theo lịch sử. Nhưng phải thừa nhận là đa phần mọi người đã hiểu không trúng nghĩa gốc ban đầu. Một số kiến giải khá hài hước và thiên kiến mà ta hay gặp như sau:
Hà Cối từng bị hiểu nhầm là tên khác của Hạ Cư, tức là ở hạ lưu con sông hoặc phía dưới chân đồi núi. Đây là cách lý giải của người biết chút phương ngữ tiếng Hoa. Khi xưa Hà Cối có rất nhiều người Hoa Nam di cư đường rừng núi sang sinh sống (chủ yếu người Hakka - Ngái), họ dùng nhiều phương ngữ khác nhau và thường gọi chệch Hà Cối thành Hà Cái, Hà Cư... hiểu theo nghĩa vùng chợ bên sông hay vùng cư trú bên sông. Bởi vì, họ sống trên vùng cao nên mới dễ có cách hiểu về Hà Cối ở vùng thấp như vậy.
Hà Cối từng bị lý giải rất đơn giản là nơi có rất nhiều cối đá bên sông. Đây hẳn là góc nhìn của những người đến Hà Cối sau năm 1979 (cách nói dân dã là “dân Kinh tế mới”). Họ quá ấn tượng với cảnh bên sông Hà Cối có rất nhiều ngư dân giã vỏ hà (đã nung nóng thành như đá vôi đã nung) trong những cối đá lâu đời để làm vôi sảm thuyền. Ngoài ra, thi thoảng dọc bên sông còn sót lại những cối đá khổng lồ của người Hoa để lại – tiếng Hoa gọi là “mảy ngán”- dùng để xay xát gạo bằng sức nước, hẳn là những chiếc cối đặc biệt này (vùng đồng bằng không hề có) đã hằn vào các cảm nhận của lớp người mới trong khi họ lý giải tên Hà Cối.
Hà Cối cũng từng được giải thích có vẻ khá khoa học rằng con sông lớn ở đây có thác Hà và thác Cối. Thực tế thì đúng là gần ngã ba sông Hà Cối có thác Hà và thác Cối thật, nhưng chữ Hà (蚵) trong tên thác Hà có bộ Trùng để chỉ thác đó có nhiều con hà bám vào cồn đá, và chữ Cối ( 𥖩 ) trong tên Thác Cối có bộ Thạch để chỉ cái xoáy nước to lõm giữa sông vây quanh toàn là đá cuội trông như một cối đá tự nhiên. Trong khi đó tên Hà Cối lại có chữ Hà (河) dùng bộ Thủy và chỉ sông nước và chữ Cối (檜) dùng bộ Mộc chỉ loài cây. Đây chỉ là đồng âm thôi chữ chữ Hán viết khác nhau, ngữ nghĩa cũng khác nhau.
Tuy mỗi nghĩa bị hiểu sai này cũng nói ra được chút đặc điểm khác biệt của Hà Cối so với nơi khác nhưng chưa nói lên được đặc trưng bao quát nhất về địa hình, sinh thái của Hà Cối là rừng già bên sông như nghĩa gốc ban đầu, cũng không mang được hàm ý thâm sâu của ý nghĩa văn chương mà tên cổ Hà Cối gợi ra, thậm chí càng không có liên quan gì đến nghĩa chữ Nôm mà các cụ thầy đồ xưa dạy học trò Hà Cối đã luôn nhấn mạnh ngữ nghĩa của tên cổ vùng đất này.
Chị Nguyễn Bích Trâm, nguyên là Phó hiệu trưởng Trường Trung học Phố thông Quảng Hà kể về ấn tượng tên Hà Cối mà bố chị - cụ Nguyễn Thế Kỷ đã gieo vào tâm trí các con từ nhỏ: “Cha tôi thuộc lớp trí thức trưởng thành từ nền giáo dục Tây học thời Pháp thuộc, ông rất giỏi tiếng Pháp, mang tư tưởng hiện đại cấp tiến nhưng cũng đặc biệt yêu những nét đẹp văn hóa truyên thống. Ông uyên thâm Nho học do ngày nhỏ được thầy đồ dạy cả chữ Hán và chữ Nôm ở đình làng My Sơn. Sợ chúng tôi không nhớ được ngữ nghĩa chữ Nôm của tên Hà Cối nên ông viết riêng hai chữ My – Cối trong tên My Sơn – Hà Cối thật lớn treo lên để chỉ dạy thường xuyên. Sau này, khi chúng tôi trưởng thành, cùng nhau xây nhà mới cho cha thì ông cũng đắp nổi hai chữ đó lên bức tường lớn đầu hồi nhà ngay chính diện cổng đi vào nhìn thấy ngay. My Sơn là tên làng, Hà Cối là tên quê hương. Chữ Sơn và chữ Hà viết bằng chữ Nôm cũng giống như viết chữ Hán và khá dễ nhớ nghĩa, đó chính là núi và sông. Nhưng chữ My và chữ Cối thì hàm nghĩa thâm sâu quá, chúng tôi còn nhỏ nên hay hiểu lẫn chữ tượng hình nhiều nét vẽ đó. Cha tôi nhấn mạnh nhiều lần rằng khi viết bằng chữ Hán thì Cối có bộ Viết và My có bộ Mục nhưng khi viết bằng chữ Nôm thì Cối có bộ Nhật và My có bộ Nguyệt. Các bộ này có nét viết khá giống nhau nhưng khi viết bằng chữ Nôm thì các cụ đồ Nho muốn chơi chữ và gửi gắm tâm nguyện tên Hà Cối – My Sơn mãi trường tồn như nhật - nguyệt. Đối với đất vùng biên từng có nhiều biến động lịch sử như Hà Cối thì lời nhắn nhủ này có ý nghĩa rất lớn lao”.
Hiện tại, trên các văn bản quốc tế, nếu dùng tiếng Trung thì tên Hà Cối thường viết bằng chữ Hán giản thể 河桧 chứ không dùng chữ Hán phồn thể 河檜 như xưa, vì thế lớp trẻ học tiếng Trung hiện đại rất dễ hiểu sai nghĩa chữ Cối sang chữ Hội do đồng âm khi phát âm tiếng Trung, từ đó luận nghĩa tên Hà Cối bị chệch đi. Một số di tích lịch sử hay sách cúng có ghi tên Hà Cối bằng chữ Hán nhưng là di tích trùng tu và sách chép lại bằng chữ Hán hiện đại nên lớp người sau không hiểu rõ thâm ý của lớp người trước, vì thế cũng dẫn đến hiểu sai tên Hà Cối. Lần lại trong sử cổ thấy tên xã Hà Cối thuộc tổng Hà Môn đã xuất hiện từ thời Gia Long (khoảng những năm 1810 đến 1819) trong sách “Các trấn tổng xã danh bị lãm – Tên làng xã Việt Nam đầu thế kỷ XIX” và cũng viết bằng chữ Hán là 河檜 chứ không phải tới năm 1888 mới có tên Hà Cối như nhiều tài liệu địa phương đang tuyên truyền. Theo lịch sử phát triển, tên Hà Cối từ tên sông, tên làng mà thành tên tổng, tên châu, tên huyện. Sau hơn 150 năm tồn tại tên Hà Cối, ngày 4/6/1969, huyện Hà Cối sáp nhập với huyện Đầm Hà thành huyện Quảng Hà. Ngày 16/01/1979, thị trấn Hà Cối đổi tên thành thị trấn Quảng Hà. Việc đổi tên này có thể là do nhiệm vụ lịch sử của tùy từng giai đoạn nhưng nếu nói từ góc độ tình cảm của người dân Hà Cối thì đầy nuối tiếc. Nay chỉ còn duy nhất con sông Hà Cối là giữ nguyên tên xưa. Sau này có thêm tên cầu Hà Cối, gần đây thêm tên cầu Hà Cối 1 và cầu Hà Cối 2.
Suốt 5 năm gần đây, một nhóm mạng xã hội mang tên "Hà Cối nét xưa" trong khi nhắc nhớ ý nghĩa tên cổ của quê hương thì đồng thời tổ chức hoạt động cộng đồng trồng hàng thông mã vỹ trong khuôn viên công cộng hay bên lề đường các thôn, bản Nông thôn mới, trồng cả vạt đồi thông Đồn Cao bên bờ sông Hà Cối. Anh Bùi Bằng Dũng, một trong 3 quản trị viên của nhóm "Hà Cối nét xưa" chia sẻ: “Hà Cối không chỉ là một tên địa danh cổ mà còn là một cái tên gắn với nhiều biến động lịch sử, nhiều thuật ngữ khoa học địa chất, nhiều câu chuyện văn hóa bản sắc và nhiều giống loài sinh thái bản địa. Bởi vậy, đội ngũ admin của nhóm chúng tôi rất muốn lan tỏa ý nghĩa của tên Hà Cối để mọi người thêm hiểu, thêm yêu quê hương. Chúng tôi gắng tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như trồng lại thật nhiều cây thông bên bờ sông Hà Cối, trồng cả vạt thông lớn trên quả đồi lịch sử Đồn Cao, qua đó nhắc nhớ Hà Cối là rừng thông bên sông, là sinh thái xanh tươi và khí chất kiên cường”.
Thiết nghĩ, nếu có một ngày nào đó thành phố Móng Cái mở rộng sang cả huyện lân cận thì Hà Cối có thể được đặt lại tên cho một quần thể lớn của thành phố hay cho tên một trục đường chính, hoặc tên một công trình văn hóa ý nghĩa nào đó! Địa danh không chỉ là tên gọi của một vùng đất mà còn là rất nhiều cảm xúc cộng đồng hướng về truyền thống, bản sắc của quê hương.
Bùi Thị Mai Anh
Liên kết website
Ý kiến ()