Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 13/11/2024 07:22 (GMT +7)
Hà Cối xưa và nay
Thứ 2, 02/09/2019 | 06:03:23 [GMT +7] A A
Hơn 20 năm rời quê về Hạ Long sinh sống, mỗi lần về Hà Cối (nay là thị trấn Quảng Hà, huyện Hải Hà), tôi vẫn cảm nhận rõ những tình cảm mộc mạc, chân thành của người dân nơi đây; truyền thống đoàn kết, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau từ thành thị đến khu vực nông thôn. Từ truyền thống đó, người dân Hà Cối đang nỗ lực hết mình cùng xây dựng quê hương phát triển.
Phố xá Hà Cối xưa
Trước năm 2001, Hà Cối là một trong 2 thị trấn (cùng thị trấn Đầm Hà) nằm trong huyện Quảng Hà (nay tách ra thành huyện Đầm Hà và huyện Hải Hà). Là trung tâm của huyện, phố thị Hà Cối sầm uất xưa mang một vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với những dãy nhà ngói âm dương... Ngôi nhà cũ nơi tôi ở cũng vậy, là ngôi nhà 2 tầng được xây bằng đá tổ ong vững chắc; cửa, sàn gác đều bằng gỗ, bóng lên theo thời gian. Giờ đây, nhà đã được xây lại, bê tông hoá, nhưng tôi vẫn nhớ, tiếc cảm giác mát lạnh của sàn gỗ nơi ngôi nhà cũ khi ngả lưng mỗi trưa hè...
Một góc thị trấn Hà Cối năm 1950 (ảnh của Nhóm Hà Cối nét xưa); năm 1979 (qua ký hoạ màu nước của họa sĩ Lê Bá Hanh), năm 2019 (ảnh của Thu Nguyệt) |
Phố xá ở Hà Cối xưa không dài, rộng lắm, chỉ đi bộ loanh quanh một hồi là hết. Tên phố cũng mộc mạc với phố 1, phố 2... cho đến phố 5. Người Hà Cối trước đây tận dụng khu bến sông, cửa biển hình thành nên chợ huyện sôi động. Thích nhất là chợ vào dịp tết, lúc này tràn ngập sắc áo của các dân tộc Dao Thanh Phán, Dao Thanh Y, Tày...
Hà Cối từ xa xưa đã có rạp chiếu phim chứ không phải xem phim ở sân khấu ngoài trời như nhiều nơi khác. Thời khi ti vi còn chưa có, rạp to với hơn 200 chỗ ngồi có thể coi là trung tâm văn hoá, tinh thần của người dân huyện. Mỗi khi có đoàn văn công hay những bộ phim hay, lũ trẻ chúng tôi lại bâu kín cửa rạp để nhờ các bác, các cô, chú có vé kèm mình vào.
Cái thời chăn nuôi còn khó khăn, dẫu ở thị trấn, nhà nào cũng nuôi lợn, nhưng do mỗi năm chỉ được hơn 1 lứa, nên hải sản vẫn là thức ăn chủ yếu cho bà con. Biển Hà Cối trước đây ngập các loại hải sản, nên việc khai thác, đánh bắt cũng thuận lợi. Tôi còn nhớ, những gánh ghẹ, tôm luộc sẵn được người bán gánh đi bán dọc các phố, thi thoảng mẹ tôi mua tôm về phơi khô. Khi nhỏ, chị em tôi có những lần bám theo các anh, chị hàng xóm đi biển, dù chỉ quanh quẩn chân đê, nhưng cũng móc được kha khá con vạng, ngán... Chính sự phong phú về nguồn lợi thuỷ sản, trước đây Hà Cối đã có nhà máy chế biến thuỷ sản, không chỉ bán trong nước, mà còn xuất khẩu ra một số nước trên thế giới.
Những ngôi nhà cổ còn lại ở thị trấn Quảng Hà nay. Ảnh: Bùi Thị Mai Anh - Thu Nguyệt |
Thời bấy giờ, để đến được các xã vùng sâu, vùng xa của Hà Cối quả là khó khăn, bởi chủ yếu đường đất. Quảng Đức, Quảng Sơn, Quảng Thịnh... là nơi quá xa xôi. Nhiều xã lúc bấy giờ cũng chưa có trường cấp 2 (THCS), muốn theo học phải về phố huyện. Bởi vậy mà khi bắt đầu học lớp 6, ngoài các bạn thị trấn, chúng tôi còn làm quen và giúp đỡ các bạn đến từ nhiều xã trên địa bàn hoà nhập với môi trường học mới.
Yêu nhất là người Hà Cối sống chan hoà, tình cảm, đoàn kết; có đồ ăn ngon, quả ngon đều mang chia hàng xóm; giúp nhau trông nhà, trông xe dựng ngoài sân. Đến nay, truyền thông này vẫn được người dân nơi đây gìn giữ. Không giống nhiều địa phương trong tỉnh, xưng hô nơi đây có những riêng biệt: Phụ nữ lớn tuổi hơn bố, mẹ được gọi là bá; xưng với đàn ông lớn tuổi hơn mình là giai...
Góc phố Chu Văn An (thị trấn Quảng Hà) vào buổi tối. |
Hà Cối nay khang trang, hiện đại
Trước kia, đường đi trong thị trấn Hà Cối là đường đất. Những năm 80 của thế kỷ trước, người dân thị trấn đã mở rộng phong trào cùng nhau làm đường. Bấy giờ, nhà nhà ra sông nhặt sỏi, góp xi măng, cùng nhau đổ đường bê tông phía trước nhà để thị trấn thêm khang trang, sạch đẹp... Phong trào ấy giờ vẫn được phát huy qua chương trình xây dựng nông thôn mới ở các xã, cũng như việc gìn giữ vệ sinh môi trường đường làng, ngõ phố...
Cụ Nguyễn Thị Hợi (86 tuổi ở phố Chu Văn An, thị trấn Quảng Hà) cho biết: Người dân Hà Cối đều cảm nhận rõ nét sự thay đổi của quê hương mình. Thị trấn mở rộng thênh thang với nhiều tuyến phố. Tên phố cũng đã thay đổi. Để đi hết thị trấn thì phải dùng phương tiện xe đạp, xe máy, nếu không đi bộ cũng mất cả ngày. Những ngôi nhà khang trang đã thay thế hầu hết những ngôi nhà ngói âm dương xưa. Không chỉ đến trung tâm các xã, mà đến tận các thôn, bản, đường đi đều được bê tông hay nhựa hoá. Trước kia chỉ thị trấn mới có điện máy nổ chạy 2 tiếng đồng hồ vào buổi tối, nay điện lưới đã đến từng hộ dân, kể cả ở các thôn, bản xa xôi, hẻo lánh. Hệ thống trường học từ thị trấn cho đến các xã đều khang trang, chuẩn hoá.
Thị trấn Hà Cối nay được mở rộng hơn với những tuyến phố hiện đại. |
Không chỉ làm nông nghiệp như trước, nhiều người Hà Cối nay đã đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh hàng hoá. Trước đây, nhiều thanh niên sau khi học xong không có việc làm, nay hầu hết đã làm việc tại Khu Công nghiệp Cảng biển Hải Hà. Hiện khu công nghiệp này có 6 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động sản xuất kinh doanh với hơn 9.200 lao động, trong đó gần 3.700 lao động là dân địa phương, còn lại thu hút từ các tỉnh, thành khác. Hiện còn 4 dự án đã đầu tư vào khu công nghiệp này và 2 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đã được cấp giấy chứng nhận để đầu tư vào khu công nghiệp. 6 tháng đầu năm 2019, giá trị sản xuất ngành công nghiệp của huyện đạt hơn 6.000 tỷ đồng.
Du lịch, thương mại ở huyện Hải Hà hiện phát triển khá sôi động, nhờ khai thác tốt các di tích lịch sử văn hóa, như đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà, đình Mi Sơn, đình Quang Lĩnh; các điểm du lịch mới như đồi chè Quảng Long, vườn mẫu Quảng Minh, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, phố đi bộ Quảng Hà; nhất là điểm nhấn du lịch đảo Cái Chiên. 6 tháng đầu năm 2019, Hải Hà đón 30.700 lượt du khách, tổng doanh thu từ du lịch đạt 30,7 tỷ đồng; kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Cửa khẩu Bắc Phong Sinh đạt khoảng 55 triệu USD...
Phố ven sông Hà Cối. |
Công nhân trong Khu công nghiệp, lượng khách du lịch không ngừng gia tăng khiến Hà Cối đông đúc, sầm uất hơn xưa. Theo đó, các quán xá, hàng hoá "mọc" lên nhiều hơn; nét phố cổ đang dần mất đi. Tuy nhiên, người Hà Cối vẫn giữ được tình làng, nghĩa xóm, đoàn kết, thương yêu nhau. Bởi vậy, dù xa quê hàng chục năm, nhưng chỉ cần gặp nhau, giới thiệu mình là con cái nhà ai, phố mấy, các bá, các cô đã đọc ngay gốc gác, họ hàng.
Dù ở đâu trên khắp mọi miền đất nước, hễ gặp nhau, chất giọng địa phương của người Hà Cối lại lập tức quay trở lại với những vần điệu cuối câu, nào là: Vậy như, vậy cơ va, như vầy về... Trong lòng mỗi người dân nơi đây, quê hương vẫn là nơi thương yêu, là nơi họ luôn mong muốn đóng góp sức mình để xây Hà Cối ngày càng giàu, đẹp.
Cầm Khuê
Liên kết website
Ý kiến ()