Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:26 (GMT +7)
Hạ Long "cán đích" tiêu chí khó trong xây dựng nông thôn mới
Thứ 4, 17/08/2022 | 15:57:45 [GMT +7] A A
Trước năm 2020, TP Hạ Long là địa phương duy nhất của tỉnh không triển khai chương trình nông thôn mới (NTM) do không có xã. Sau khi sáp nhập huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM giữa rất nhiều bộn bề khó khăn khi còn nhiều tiêu chí, chỉ tiêu chưa hoàn thiện. Thế nhưng, sau gần 3 năm sáp nhập, Hạ Long đã đảm bảo đủ các điều kiện để được công nhận là địa phương đạt chuẩn NTM.
12 xã của huyện Hoành Bồ trước đây có diện tích tự nhiên rộng, nhưng chủ yếu là rừng, núi; địa hình bị chia cắt. Gần 40%/tổng số dân là đồng bào dân tộc thiểu số; có 3 xã vẫn nằm trong diện ĐBKK (Đồng Sơn, Đồng Lâm, Kỳ Thượng). Xuất phát điểm của cả 12 xã khi thực hiện chương trình NTM vào năm 2010 rất thấp. Thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt trên 11 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo lên tới 11,5%. Nếu xét theo các tiêu chí, chỉ tiêu của chương trình thì các xã chỉ đạt trung bình 4,08/19 tiêu chí và 12,5/39 chỉ tiêu. Đáng nói là có những tiêu chí cứng mà cả 12 xã đều chưa đạt, như: Quy hoạch, giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, thu nhập, môi trường. Đến hết năm 2020, thành phố được công nhận 18/72 thôn đạt chuẩn thôn NTM.
TP Hạ Long đã thành lập Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng NTM, kiện toàn Văn phòng NTM, tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách chương trình; chủ động nguồn lực trên 4.000 tỷ đồng đầu tư cho các xã vùng cao trong giai đoạn 2021-2025 theo hướng rõ mục tiêu, nội dung cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn; tiếp tục chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn, nhất là tiêu chí về hình thức sản xuất, thu nhập, hộ nghèo, môi trường... theo tiêu chí vùng đồng bằng Sông Hồng giai đoạn 2021-2025.
Với cách làm mới này, 3 năm trở lại đây, từ nguồn vốn ngân sách của thành phố các nguồn vốn lồng ghép, khu vực nông thôn của thành phố đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 16 công trình nước sinh hoạt tập trung; nâng cấp sửa chữa 4 hồ chứa nước; kiên cố hóa gần 90km kênh mương, nâng tỷ lệ kênh mương được kiên cố hóa từ 31,8% (năm 2011) lên 90,5% (năm 2021), góp phần đưa diện tích đất nông nghiệp được tưới tiêu chủ động tại các xã lên 95%.
Thành phố cũng nâng cấp, làm mới 63km đường trục xã, trên 313km đường thôn, xóm, đường nội đồng, góp phần nâng tỷ lệ đường nhựa hóa, bê tông hóa từ 13% (năm 2011) lên 100% (năm 2021); nâng cấp, xây dựng mới thêm 25 trường học đạt chuẩn, nâng số trường học đạt chuẩn từ 3 trường (năm 2011) lên 28/28 trường (năm 2021); nâng cấp, xây dựng mới 7 nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn; nâng cấp, xây mới 54 nhà văn hóa thôn, nâng số nhà văn hóa thôn đạt chuẩn; nâng cấp 2 chợ xã đạt chuẩn.
Đến hết năm 2021, 12/12 xã trên địa bàn thành phố đã đạt chuẩn NTM; thu nhập đầu người khu vực nông thôn đạt 61,6 triệu đồng/người/năm; không có hộ nghèo khu vực nông thôn.
Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên; hạ tầng KT-XH được quan tâm đầu tư đồng bộ theo quy hoạch, có sự phân công, phân cấp quản lý, đầu tư cụ thể với phương châm “nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ”. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn các xã phát triển ổn định, bền vững. Cùng với đó, văn hóa, xã hội phát triển, môi trường được nâng cao, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường và giữ vững.
Năm 2022, Hạ Long được xác định là một trong 4 địa phương của tỉnh về đích huyện NTM, góp phần cùng cả tỉnh hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong cả nước.
Theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025, điều kiện để TP Hạ Long hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là 100% số xã đạt chuẩn NTM; có ít nhất 1 xã đạt NTM nâng cao; 100% số phường đạt đô thị văn minh; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với kết quả xây dựng NTM của thành phố đạt từ 90% trở lên; đất cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị trên địa bàn tối thiểu đạt 5m2/người.
Sau khi rà soát, đối chiếu những tiêu chí, chỉ tiêu các xã còn thiếu, TP Hạ Long đã tập trung quy hoạch vùng sản xuất, hướng người dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi và phát triển các sản phẩm thành sản phẩm hàng hóa làm khâu đột phát trong phát triển sản xuất. Đồng thời, bố trí gần 100 tỷ đồng để thực hiện đầu tư các dự án, công trình. Trong đó, 32,5 tỷ đồng để hoàn thiện tiêu chí NTM tại 2 xã Thống Nhất và Vũ Oai; bố trí 35 tỷ đồng cấp bổ sung các mục tiêu cho UBND 12 xã đầu tư xây dựng 66 công trình hạ tầng; bố trí 402 triệu đồng để thực hiện 3 dự án trọng điểm lồng ghép đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng, KT-XH khu vực nông thôn.
Đến nay, nhiều tuyến đường, công trình cầu, cống, đập tràn đã được hình thành, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại, giao thông, giao thương kết nối, mở ra những vùng sản xuất lớn cho năng suất cao.
Theo đánh giá của Văn phòng điều phối NTM tỉnh, tính đến hết tháng 7, lộ trình về đích NTM của TP Hạ Long đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hiện TP Hạ Long đã hoàn thiện các tiêu chí, chỉ tiêu đề ra và đã làm hồ sơ đề nghị công nhận đạt chuẩn NTM. Hiện nay, hồ sơ NTM của thành phố đang được tỉnh thẩm định, sau đó trình trung ương xem xét công nhận.
Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, TP Hạ Long tiếp tục nâng chất các tiêu chí NTM theo Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM nâng cao, giai đoạn 2021-2025. Theo đó, thành phố triển khai thực hiện các nhóm giải pháp cốt lõi: Xây dựng, thực hiện tốt công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi; triển khai có hiệu quả Đề án cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với đô thị hóa và phát triển công nghiệp - dịch vụ; sắp xếp trường, lớp theo tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa; đẩy mạnh xã hội hóa gắn với tăng cường, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể, phi vật thể...
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()