Tất cả chuyên mục

Những năm gần đây, TP Hạ Long không chỉ được biết đến là thủ phủ, đô thị phát triển năng động của Quảng Ninh mà còn trở thành tâm điểm du lịch nghỉ dưỡng có sức hấp dẫn hàng đầu trong nước và quốc tế. Để tiếp tục những định hướng phát triển trong giai đoạn mới, nâng cao vai trò, vị thế của thành phố, ngày 7/6/2019 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 702/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 2050.
(Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long, trả lời phỏng vấn PV Trung tâm Truyền thông tỉnh)
![]() |
Ông Phạm Hồng Hà, Chủ tịch UBND TP Hạ Long. |
- Quyết định điều chỉnh Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 2050 có những điểm nhấn gì, thưa ông?
+ Với định hướng phát triển TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long... vì thế tại Quyết định điều chỉnh Quy hoạch TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn 2050 đã bao quát toàn bộ các lĩnh vực, từ kinh tế - văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng đến không gian phát triển.
Trong đó, những điểm nhấn là: Ranh giới hành chính thành phố được mở rộng với tổng diện tích tự nhiên gần 28.000ha (gồm vị trí hiện có và mở rộng không gian các khu vực lân cận như huyện Hoành Bồ, TX Quảng Yên và TP Cẩm Phả). Về cấu trúc, thành phố sẽ phát triển theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long với các vùng phát triển bao gồm: Phía Bắc sẽ là vùng đô thị sinh thái, dịch vụ hỗ trợ; phía Đông với chức năng là trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa; phía Tây là đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng...
Về phát triển đô thị, TP Hạ Long được định hướng phát triển hạ tầng xanh, ứng dụng khoa học công nghệ, đô thị thông minh, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long, tạo nền tảng cho phát triển bền vững và xây dựng đô thị dịch vụ du lịch quốc tế. Theo đó, sẽ có các trung tâm điều hành tập trung để quản lý vận hành hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, giải pháp thiết kế hạ tầng sẽ phù hợp với đặc điểm, điều kiện tự nhiên của từng khu vực.
Đặc biệt, tại quyết định điều chỉnh quy hoạch mới này sẽ ưu tiên phát triển các không gian, công trình và dịch vụ phục vụ cộng đồng; hệ thống hạ tầng được thiết kế theo hướng phân tán, cân bằng cho từng khu vực; triển khai các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và kịch bản nước biển dâng...
- Vậy lộ trình thực hiện sẽ ra sao, thưa ông?
+ Tất nhiên sẽ bắt đầu dựa trên quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TP Hạ Long đã lập trước đó, gắn với quy hoạch của tỉnh, của vùng và cả nước để xây dựng lộ trình cho phù hợp điều kiện thực tiễn khách quan.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2020 từ cơ sở định hướng điều chỉnh quy hoạch, TP Hạ Long sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống công cụ quản lý quy hoạch, thu hút đầu tư bằng nhiều nguồn lực khác nhau để triển khai phát triển hạ tầng đô thị. Song song với đó, sẽ xây dựng đề án phát triển đô thị xanh gắn với mô hình đô thị thông minh. Giai đoạn trước mắt, sẽ dành ưu tiên để phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông. Trong đó về đối ngoại, đảm bảo tận dụng, kết nối tốt hạ tầng giao thông của tỉnh như các tuyến cao tốc, cảng tàu quốc tế và sân bay đang có. Giao thông đối nội, sẽ hoàn chỉnh các nút giao tạo kết nối thuận lợi vào các khu vực trung tâm, đầu tư xây mới các bến xe, bãi đỗ xe tại các đầu mối giao thông, các điểm du lịch lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị...
Giai đoạn đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển và nâng cao chất lượng không gian ven biển, ưu tiên xây dựng các tuyến đường ven biển, không gian công cộng và dịch vụ công cộng ven biển. Đến năm 2040 sẽ mở rộng kết nối ra các khu vực lân cận như Hoành Bồ, Quảng Yên, Cẩm Phả để tạo không gian phát triển hài hòa, dựa trên nguyên tắc bảo tồn và phát huy giá trị vịnh Hạ Long. Khai thác các khu vực chuyển đổi như khai trường khai thác than, cơ sở sản xuất để tạo các công trình dịch vụ đô thị, công viên đô thị và bổ sung không gian phát triển... đáp ứng tiêu chí đô thị loại I, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế.
![]() |
Một góc TP Hạ Long hôm nay. |
- Thưa ông, để chuẩn bị cho kế hoạch phát triển mới, hiện TP Hạ Long đã có những giải pháp gì?
+ Từ định hướng mang tính “xương sống”, thành phố huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, gắn với đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của cộng đồng về phát triển. Bên cạnh đó, khẩn trương lập, bổ sung quy hoạch, đẩy mạnh quản lý chặt chẽ các quy hoạch; tiếp tục ưu tiên hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng, tăng cường huy động, đa dạng hoá các hình thức đầu tư từ các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng thiết yếu, hạ tầng du lịch - dịch vụ quy mô lớn, ưu tiên phát triển hệ thống khu vui chơi, mua sắm, nhà hàng, bến du thuyền... Đẩy mạnh liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để phát huy hiệu quả các công trình kết nối như Sân bay Vân Đồn, các tuyến cao tốc, hệ thống cảng thủy nội địa và cảng biển.
Song song với đó, đẩy mạnh xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với bảo vệ môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước tại tất cả các lĩnh vực, quyết tâm xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành thành phố du lịch biển văn minh, thân thiện; là trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ, vùng duyên hải Bắc Bộ theo đúng định hướng của Chính phủ.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Đỗ Phương (Thực hiện)
Kỳ vọng về sự phát triển mới của Hạ Long Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Xây dựng: “Xây dựng các công trình cao tầng làm điểm nhấn và định hình không gian đô thị”
Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Hạ Long đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 góp phần nâng cao vai trò, vị thế của TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đồng thời góp phần xây dựng TP Hạ Long theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu trong tương lai. Để làm được việc này, TP Hạ Long cần kiểm soát chặt công trình xây dựng cao tầng để phù hợp với đặc điểm, hiện trạng từng khu vực, đáp ứng yêu cầu phát triển đồng thời bảo tồn, tôn tạo di sản Vịnh Hạ Long và khả năng đáp ứng hạ tầng kỹ thuật của từng khu vực. Hạn chế xây dựng công trình kiến trúc lớn, cao tầng trên các khu vực đồi núi, tại các khu vực đô thị cải tạo, hành lang ven biển, có mặt đứng gây che chắn tầm nhìn, hướng gió giữa khu vực đô thị và không gian biển. Tại các khu vực phát triển mới khuyến khích phát triển cao tầng trên cơ sở đảm bảo yêu cầu kiểm soát dân số, điều kiện hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với các quy chuẩn hiện hành. Tại các khu vực giao cắt giữa các trục đường chính đô thị, các tuyến trục chính đô thị hướng biển nên khuyến khích xây dựng các công trình cao tầng làm điểm nhấn và định hình không gian đô thị. Bà Lưu Thị Châu, Phó Chủ tịch UBND phường Hà Khánh: “Các công trình xây dựng mới phải đảm bảo hài hòa về không gian và kiến trúc với khu vực hiện trạng"
Để phù hợp với xu thế phát triển, TP Hạ Long cần tập trung cải tạo, chỉnh trang các khu dân cư hiện hữu trong đô thị theo hướng bổ sung, nâng cấp cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đáp ứng các tiêu chí đô thị loại I, nâng cao điều kiện sống của người dân và kết hợp phát triển dịch vụ, du lịch. Các công trình xây dựng mới phải đảm bảo hài hòa về không gian và kiến trúc với khu vực hiện trạng. Ưu tiên quy hoạch, chuyển đổi mục đích sử dụng đất của các nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ quan, trong nội thành thành phố sau khi di dời để bổ sung cơ sở hạ tầng xã hội, công viên, bãi đỗ xe cho các khu vực hiện trạng. Xây dựng mới các tổ hợp công trình chung cư kết hợp dịch vụ, thương mại cao tầng để thay thế khu chung cư cũ, khu dân cư đã xuống cấp để đảm bảo an toàn cho nhân dân và đảm bảo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị. Bảo vệ và phát huy sự đa dạng sinh thái, địa hình, cây xanh mặt nước trong đô thị để phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước đô thị; xây dựng hệ thống cây xanh trở thành hình ảnh đặc trưng cho đô thị Hạ Long. Ông Lê Quang Trung, khu 4, phường Hồng Gai : “Trong quá trình xây dựng và phát triển, TP Hạ Long tiếp tục lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối"
Những năm gần đây, TP Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung ngày càng phát triển toàn diện, bộ mặt đô thị có nhiều đột phá. Hy vọng rằng, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành Trung ương; sự vào cuộc tích cực của địa phương, cùng sự đồng thuận của người dân trên địa bàn, những năm tới TP Hạ Long tiếp tục được đầu tư mạnh mẽ hơn nữa. Tôi hy vọng trong quá trình xây dựng và phát triển, thành phố tiếp tục lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, hướng phát triển đô thị theo hành lang ven biển vịnh Hạ Long. Đồng thời tập trung vào phát triển theo 4 hướng trọng tâm. Đó là: Vùng phát triển đô thị về phía Bắc gắn với hệ sinh thái tự nhiên vịnh Cửa Lục; Vùng phát triển phía Đông gắn với phát triển trung tâm hành chính, thương mại, văn hóa của thành phố; Vùng phát triển phía Tây gắn với phát triển đô thị du lịch, dịch vụ, công nghiệp, cảng; Vùng phía Tây mở rộng gắn với phát triển đô thị sinh thái, biển đảo; các trung tâm du lịch - dịch vụ tầm cỡ quốc tế, trung tâm giáo dục, thể dục thể thao... Bà Vũ Thị Sơn, tổ 2, khu 3, phường Hồng Hải : “Quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhân dân"
Là người dân, trước sự phát triển, thay đổi của địa phương chúng tôi vô cùng phấn khởi. Đặc biệt, qua các phương tiện thông tin truyền thông, được biết TP Hạ Long được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 chúng tôi vô cùng tự hào. Để đáp ứng được yêu cầu phát triển, cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, rất mong thành phố tiếp tục quan tâm xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ, vui chơi, giải trí của nhân dân. Nhất là phát triển hệ thống dịch vụ y tế chất lượng cao... phục vụ người dân trên địa bàn tỉnh.
Tuấn Hương |
Ý kiến ()