Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:51 (GMT +7)
Thành phố của những miền di sản
Thứ 7, 10/02/2024 | 13:59:33 [GMT +7] A A
Được ví như thành phố di sản, bởi Hạ Long không chỉ có Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, mà còn vì sự phong phú, đa dạng cả về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Những lợi thế này đã giúp Hạ Long trở nên quyến rũ hơn, cũng là nguồn lực quan trọng để khai thác và phát triển các sản phẩm văn hoá, du lịch trong thời kỳ hội nhập quốc tế.
Những lợi thế khác biệt
Theo Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, nói đến TP Hạ Long là phải nói đến đặc trưng “cộng sinh” từ rất xa xưa và lâu dài, đó là “miền biển” và nay là “thành phố biển”. Mà điểm nhấn trong đó là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long đã 3 lần được UNESCO vinh danh. Với hệ thống đảo nổi cùng những sự kiện, câu chuyện, truyền thuyết, giai thoại, đặc biệt là vẻ đẹp bất tận của trời biển đã trở thành sức hút lớn đối với các du khách.
Nhờ sở hữu những giá trị nổi bật toàn cầu cùng nhiều danh hiệu trong nước và quốc tế, những năm gần đây Vịnh Hạ Long luôn được chọn là đểm đến hàng đầu Việt Nam, một trong 10 di sản UNESCO ấn tượng nhất châu Á, một trong 24 điểm du lịch đáng đến trong năm 2024. Vịnh Hạ Long đã khẳng định là vị trí trung tâm, giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững của TP Hạ Long.
PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, khẳng định: Không chỉ được biết đến bởi Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long, TP Hạ Long còn được biết đến là một trong những cái nôi văn hóa của người Việt cổ với 3 nền văn hóa nổi tiếng nối tiếp nhau từ thời tiền - sơ sử, gồm: Văn hóa Soi Nhụ, Văn hóa Cái Bèo và Văn hóa Hạ Long. Đặc biệt, văn hóa Hạ Long là một trong 4 nền văn hóa biển có vị trí rất quan trọng trong nền cảnh văn hóa tiền sử Việt Nam. Theo đó, các trầm tích văn hóa được bồi tụ và thấm sâu vào đời sống qua hàng nghìn năm lịch sử, tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, phong phú về loại hình, giàu có về giá trị, đặc sắc về nội dung, hiện hữu sinh động qua những huyền tích, đền miếu, văn bia, nghi lễ, lễ hội, phong tục, tập quán của cộng đồng cư dân Hạ Long.
Là mảnh đất có bề dày lịch sử truyền thống, Hạ Long có tài nguyên di sản quý báu với hệ thống danh lam, thắng cảnh, lễ hội truyền thống độc đáo, đa sắc màu. Đặc biệt là sau sáp nhập địa giới hành chính, TP Hạ Long không chỉ có “biển bạc” mà còn có thêm “rừng vàng” của Khu Bảo tồn thiên nhiên quốc gia Đồng Sơn - Kỳ Thượng, có sự đa dạng của các dân tộc, đưa thành phố hội tụ đầy đủ hơn các loại hình văn hóa, như: Văn hóa biển, văn hóa công nhân mỏ, văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số. Những điều này đã tạo nên sự giao thoa và kết tinh nền văn hóa đa sắc, thống nhất trong đa dạng; hình thành nên một hệ thống giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, giàu bản sắc và nhân văn.
Nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến TP Hạ Long đã phải thốt lên rằng: Đây quả thực là thành phố của những di sản, vùng đất gây thương nhớ và chắc chắn là nơi phải đặt chân đến một lần trong đời.
Phát huy giá trị di sản văn hóa
TP Hạ Long hiện có 96/638 di tích lịch sử - văn hóa toàn tỉnh. Trong đó có 1 di tích cấp quốc gia đặc biệt là Danh thắng Vịnh Hạ Long; 6 di tích cấp quốc gia; 16 di tích lịch sử cấp tỉnh; 73 di tích nằm trong danh mục được kiểm kê, phân loại, cùng nhiều di tích khảo cổ thời sơ sử và tiền sử, phản ánh sự kế tiếp lịch sử từ khi con người xuất hiện ở vùng đất này cách đây hàng nghìn năm, được phân bố rộng trên địa bàn với những giá trị, bản sắc khác nhau, chứa đựng nhiều dấu ấn của nền văn minh Việt cổ, tích hợp tầng sâu của văn hóa Việt Nam.
Đồng thời còn có 11 lễ hội văn hóa truyền thống có nguồn gốc lịch sử từ xa xưa, xuất phát từ nhu cầu tín ngưỡng của cộng đồng, phản ánh đặc điểm sinh hoạt của cư dân nông nghiệp, như thờ cúng tổ tiên, thờ Mẫu, tín ngưỡng phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh... Cùng với đó là hệ thống lễ hội được bảo tồn, lưu giữ cả phần lễ - hội - trò diễn tại các địa phương, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, nổi bật là Lễ hội Đền Đức ông Trần Quốc Nghiễn, Lễ hội Đền thờ vua Lê Thái Tổ, Lễ hội Cấp sắc của dân tộc Dao, Hội làng Dao Thanh Y xã Bằng Cả, Lễ hội Đình Giang Võng, hát giao duyên trên thuyền, tục hát “đúm” trên Vịnh Hạ Long và đặc biệt Lễ hội Carnaval Hạ Long hằng năm đã trở thành thương hiệu sản phẩm văn hóa đặc trưng riêng có của thành phố.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trần Chiến Thắng khẳng định trong một cuộc họp về xúc tiến du lịch tổ chức năm 2009 tại Hà Nội: Từ Lễ hội Carnaval Hạ Long cho thấy Quảng Ninh là địa phương đi đầu về thực hiện xã hội hóa việc tổ chức lễ hội, thu hút nguồn lực ngày càng lớn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế, xã hội cho tổ chức quảng bá xúc tiến du lịch. Quan trọng hơn, Lễ hội Carnaval Hạ Long đã tạo cho Quảng Ninh xây dựng được thương hiệu mới, sản phẩm mới về du lịch, để hằng năm cứ đến dịp 30/4 và 1/5 du khách trong nước và quốc tế lại được tham gia một Carnaval Hạ Long hấp dẫn và đặc sắc.
Cùng với hệ thống di sản văn hóa, TP Hạ Long có nhiều cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh độc đáo, ẩm thực đặc sắc, các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư đồng bộ hiện đại, góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và cũng định vị thêm cho Hạ Long nguồn tài nguyên giàu giá trị, là lợi thế để phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch lễ hội, du lịch ẩm thực, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trải nghiệm...
Trên cơ sở xác định rõ lợi thế, những năm qua TP Hạ Long đã có nhiều nỗ lực để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển kinh tế, du lịch, bảo đảm hài hòa, hợp lý giữa bảo tồn di tích lịch sử văn hóa với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Năm 2023 thành phố đón gần 9 triệu lượt khách, trong đó có gần 1,5 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 19.500 tỷ đồng (tăng 35% so với năm 2022). Nguồn thu từ ngành du lịch và dịch vụ thương mại nói chung, từ Vịnh Hạ Long nói riêng, đã đóng góp đáng kể vào tổng GDP của thành phố và của tỉnh.
Ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, khẳng định: Nghị quyết số 17-KH/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "Về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Quảng Ninh trở thành nguồn lực nội sinh, động lực cho phát triển nhanh, bền vững" đã xác định mục tiêu xây dựng hệ giá trị con người Quảng Ninh với 8 đặc trưng: “Bản lĩnh, Tự cường, Kỷ cương, Đoàn kết, Nghĩa tình, Hào sảng, Sáng tạo, Văn minh” và xây dựng hệ giá trị địa phương với “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”. Để chuyển hóa hiệu quả các hệ giá trị này trở thành nguồn sức mạnh nội sinh, nguồn lực cho sự phát triển bền vững, thành phố sẽ đưa ra các giải pháp mang tính toàn diện liên quan đến bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn. Thành phố cũng sẽ thiết kế, tạo thêm những sản phẩm du lịch mới, vừa bảo tồn phát huy giá trị, vừa phát triển kinh tế. Trước mắt, thành phố thực hiện quy hoạch Dự án cải tạo, mở rộng Đền thờ vua Lê (xã Lê Lợi); triển khai Dự án tôn tạo, mở rộng Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia Đền thờ Đức ông Trần Quốc Nghiễn và quảng trường, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật kết nối Khu văn hóa núi Bài Thơ; tổ chức các lễ hội quy mô lớn; hoàn thiện quy hoạch các điểm du lịch di sản, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng, du lịch ẩm thực... Từ đó hướng tới việc xây dựng Hạ Long là thành phố của Di sản, Kỳ quan và văn hóa ẩm thực, nghệ thuật truyền thống, là điểm đến của các sự kiện quốc gia và quốc tế.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()