Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 11:10 (GMT +7)
Hạ Long - Thành phố lễ hội
Thứ 4, 03/07/2024 | 08:26:54 [GMT +7] A A
Vừa qua, TP Hạ Long đã phê duyệt Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội”. Theo đó, Đề án sẽ được thực hiện từ năm 2025 với mục tiêu bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, các di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn qua việc tổ chức các lễ hội, sự kiện, gắn với mục tiêu xây dựng Hạ Long là Thành phố lễ hội, trung tâm du lịch quốc gia, mang tầm quốc tế.
Để thực hiện Đề án, thành phố sẽ bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống mang bản sắc văn hóa tiêu biểu, đặc trưng riêng của TP Hạ Long. Đồng thời, nâng cấp một số lễ hội có giá trị, sự kiện tiêu biểu để tổ chức thường niên ở quy mô cấp thành phố. Thành phố cũng sẽ lựa chọn phục dựng lại một số lễ hội truyền thống có giá trị tiêu biểu; huy động có hiệu quả các nguồn lực (tài trợ, xã hội hoá...) để tổ chức lễ hội, sự kiện. Thành phố cũng xác định người dân, cộng đồng là chủ thể trong hoạt động của lễ hội, sự kiện; các lễ hội, sự kiện là nguồn lực, động lực quan trọng để phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội. Quảng bá sâu rộng các lễ hội, sự kiện để giới thiệu văn hoá, mảnh đất, con người Hạ Long, bảo tồn các giá trị truyền thống, góp phần kích cầu du lịch, thu hút du khách đến thành phố trong dịp diễn ra các hoạt động.
Thành phố sẽ duy trì tổ chức các lễ hội, sự kiện đang có; điều chỉnh lại thời gian tổ chức một số lễ hội, sự kiện để các tháng, các mùa trong năm đều có lễ hội, sự kiện, đặc biệt là các mùa thấp điểm của du lịch Hạ Long. Đồng thời, lựa chọn, tổ chức các lễ hội, sự kiện tiêu biểu, phù hợp với nhu cầu của người dân và nguồn lực của thành phố, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân. Đưa hoạt động lễ hội, sự kiện trở thành hoạt động văn hóa, du lịch thường niên, quảng bá hình ảnh đất nước, mảnh đất, con người, văn hóa Hạ Long - Quảng Ninh.
Năm 2025, TP Hạ Long sẽ phục dựng và tổ chức lại một số lễ hội truyền thống: Lễ mừng cơm mới của người Tày xã Dân Chủ; Lễ Đại Phan của dân tộc Sán Dìu TP Hạ Long; Lễ hội chùa Lôi Âm; Lễ hội đền Cái Lân; Lễ hội chùa Long Tiên. Cùng với đó, nâng cấp quy mô một số lễ hội truyền thống: Hội làng Bằng Cả, Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ. Cùng với đó, xây dựng hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia đối với Lễ hội đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn (năm 2025), Lễ hội đền vua Lê Thái Tổ (năm 2027). Ngoài ra, thành phố cũng tổ chức một số lễ hội, sự kiện văn hóa du lịch mới: Lễ hội đua thuyền buồm thể thao và thuyền rồng truyền thống TP Hạ Long; Lễ hội hoa anh đào và tuần văn hóa Nhật Bản tại Hạ Long; Lễ hội dù bay có động cơ và dù lượn; Lễ hội trăng rằm và trình diễn ánh sáng nghệ thuật bên vịnh Di sản; Ngày di sản vịnh Hạ Long; Lễ hội hoa Xuân Hạ Long; Lễ hội hoa - Thiên đường hoa Quảng La; Lễ hội mùa ổi chín...
Đặc biệt, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố lễ hội”, địa phương sẽ tạo điều kiện, thu hút các nhà đầu tư dàn dựng, tổ chức các chương trình sản xuất phim điện ảnh, âm nhạc, giải trí, biểu diễn thực cảnh gắn với văn hóa biển, đảo, văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.
Hiện nay, du lịch qua các lễ hội, sự kiện đang là xu thế, là tiền đề để phát triển mạnh các ngành công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí; các loại hình này, TP Hạ Long đang có lợi thế, ưu thế rất lớn, vượt trội so với nhiều địa phương khác trong tỉnh và cả nước. Du lịch qua các lễ hội, sự kiện không chỉ đóng góp cho doanh thu lớn cho ngành kinh tế, mà còn có khả năng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hoá khác cùng phát triển. Việc tổ chức các lễ hội, sự kiện là xu thế tất yếu của một thành phố du lịch, thành phố của Di sản và là phương tiện hữu hiệu để quảng bá, giới thiệu các nét văn hoá truyền thống, tài nguyên thiên nhiên, qua đó bảo tồn, phát huy các di sản văn hoá, giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Thời gian qua, thành phố đã tổ chức thành công nhiều lễ hội, sự kiện quy mô lớn, trong đó có những sự kiện mang lại dấu ấn, hình ảnh điểm nhấn của Hạ Long và đang dần trở thành các sản phẩm thu hút khách du lịch qua mỗi lần tổ chức. Tuy nhiên tài nguyên văn hoá, tiềm năng, lợi thế của thành phố vẫn còn rất lớn, công tác tổ chức lễ hội, sự kiện của thành phố còn nhiều vấn đề đặt ra cần giải pháp để thực hiện, phát huy trong thời gian tới.
Việc thực hiện Đề án “Hạ Long - Thành phố Lễ hội” sẽ đưa ra tầm nhìn chiến lược, đưa ra lộ trình, nguồn lực để tổ chức lễ hội, sự kiện; từng bước xây dựng các thương hiệu riêng có cho từng lễ hội, sự kiện, gắn với định hướng phát triển kinh tế - xã hội, qua đó bảo tồn, tôn vinh các lễ hội truyền thống; hình thành thương hiệu cho các lễ hội văn hoá, du lịch riêng có của người dân Hạ Long.
Bảo Bình
Liên kết website
Ý kiến ()