Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 10:23 (GMT +7)
Hà Nội, TP HCM đã có ca COVID-19 nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5: Các chuyên gia khuyến cáo gì?
Thứ 4, 06/07/2022 | 10:21:39 [GMT +7] A A
Khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. Đây là một trong những biện pháp tốt nhất để phòng các biến thể mới xâm nhập như BA.4, BA.5...
Các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta
Chiều 5/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM thông tin về 3 trường hợp mắc COVID-19 nhiễm biến thể mới Omicron BA.4 và BA.5 ghi nhận trên địa bàn.
Theo báo cáo ghi nhận 2 bệnh nhân (BN) nhiễm biến thể mới Omicron BA.4 là 2 chị em, 23 tuổi, sống cùng nhà tại phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức. Được biết, BN có triệu chứng sốt, đau đầu, nhức mỏi và có tiếp xúc với mẹ đã mắc COVID-19 trước đó nên tự test nhanh và dương tính với kháng nguyên SARS-CoV-2.
Sau đó, 2 BN đều đã khai báo trên hệ thống khai báo F0 của Thành phố và tự cách ly theo quy định. Ngay khi nhận được thông tin ca bệnh trên hệ thống, Trạm Y tế Phường Thạnh Mỹ Lợi đã tiến hành lấy mẫu cho 2 BN và gửi mẫu sang Viện Pasteur để giải trình tự gen, xác định 2 BN nhiễm biến thể mới Omicron BA.4.
Theo đó, tất cả trường hợp tiếp xúc gần với 2 BN đã được thông báo tự theo dõi sức khỏe và thực hiện test nhanh đều cho kết quả âm tính. Hiện tại 2 BN đã khỏi bệnh và đã trở lại làm việc bình thường.
BN thứ 3 là BN nữ, 11 tuổi, ngụ tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, ngày 20/6 BN có triệu chứng sốt khoảng 38,5 độ C, có ho ít, sống cùng với mẹ đã mắc COVID-19 trước đó nên tự test nhanh và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Ngay sau đó, BN được lấy mẫu giám sát biến thể mới theo kế hoạch giám sát của Thành phố và có kết quả xác định nhiễm biến thể mới Omicron BA.5. Theo điều tra dịch tễ, từ ngày 17/6 đến nay, BN chỉ ở tại nhà và không tiếp xúc người lạ. Sau khi có kết quả dương tính, BN đã được cách ly tại nhà và khử khuẩn nơi ở theo đúng quy định.
Trước đó, thông tin tại phiên họp báo do UBND TP Hà Nội tổ chức chiều 1/7, ông Vũ Cao Cương, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện Bạch Mai có 3 người tại Hà Nội nhiễm biến chủng BA.5.
Liên quan đến thông tin về tình hình dịch bệnh, tại phiên họp lần thứ 15 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch diễn ra sáng 5/7, Thứ trưởng phụ trách, điều hành Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trên thế giới, biến thể phụ BA.5 của Omicron đã ghi nhận tại nhiều quốc gia và đã xuất hiện tại Việt Nam. Biến thể phụ này có khả năng lây lan nhanh hơn 12% so với biến thể phụ BA.2 (biến thể phụ phổ biến tại Việt Nam hiện nay).
Do đó, trong thời gian tới các ca nhiễm biến thể phụ BA.5 có thể ghi nhận nhiều hơn trong cộng đồng ở nước ta. Như vậy, số ca mắc có thể gia tăng trong thời gian tới do sự xuất hiện của biến thể phụ BA.5.
Tiêm vaccine COVID-19 để củng cố miễn dịch, bảo vệ bản thân trước biến thể mới
Theo TS. Socorro Escalante, Quyền Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, Việt Nam có một hệ thống giám sát bệnh cực kỳ tốt, điều này có thể giúp Chính phủ Việt Nam phát hiện sớm các nhóm gene hoặc các biến chủng mới. Các biện pháp đang triển khai thực hiện là cần thiết để phát hiện và khẳng định các ca bệnh mới. Thêm vào đó là vaccine.
"Những gì chúng ta biết đến thời điểm hiện tại là các biến chủng, các nhánh BA.4 và BA.5 có khả năng lây lan nhanh hơn. Chúng ta chưa biết chính xác liệu độc lực của nó có cao hơn không, nhưng vaccine hiện tại chúng ta đang sử dụng có hiệu quả chống lại các biến chủng BA.4 và BA.5"- TS. Socorro Escalante nhấn mạnh.
Để phòng bệnh, GS.TS Phan Trọng Lân - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, bằng các biện pháp ngăn chặn cơ học hay biện pháp hành chính xã hội sẽ không tạo sự đồng thuận hoặc sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế xã hội.
"Vì vậy, vaccine tiếp tục là một yếu tố rất quan trọng. Khi tiêm mũi 3, mũi 4, vaccine COVID-19 chúng ta sẽ củng cố thêm miễn dịch và đặc biệt sẽ phòng được biến thể phụ BA.5. Nếu nhiễm bệnh thì bệnh cũng sẽ nhẹ hơn sau khi tiêm các mũi nhắc lại"- GS.TS Phan Trọng Lân nói.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng thông tin, theo nghiên cứu, khả năng miễn dịch của vaccine hay sau khi đã mắc COVID-19 sẽ giảm dần theo thời gian, cụ thể sau 4 - 6 tháng. Do đó, nếu chúng ta tiêm nhắc lại định kỳ sẽ duy trì được miễn dịch. c và kể cả những biến thể khác.
Minh chứng rõ ràng nhất là sự thay đổi từ chủng gốc cho đến chủng Anpha, Beta, Delta và Omicron thì đến nay vaccine vẫn rất hiệu quả.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP HCM cũng tương tự các biến thể phụ Omicron trước, BA.5 có khả năng né tránh vaccine một phần. Tuy nhiên, vaccine vẫn giữ được hiệu quả giảm diễn biến nặng và tử vong đối với người nhiễm BA.5.
Vì vậy, ông khuyến cáo người dân cần đi tiêm chủng vaccine khi có chỉ định. Người cao tuổi hoặc người có bệnh nền cần tiêm mũi 4 (mũi nhắc lại thứ 2) khi đã qua 4 tháng kể từ ngày tiêm mũi 3.
Theo Sức khỏe và Đời sống
- Ngày 5/7: Ca COVID-19 tăng vọt lên gần 1.000; Quảng Ninh có 1 F0 tử vong
- Sáng 5/7: Biến thể phụ BA.5 có thể tiếp tục xâm nhập; Phát động chiến dịch tiêm vaccine COVID-19 mũi 3 và 4
- Sáng 1/7: Bộ Y tế nêu tên các tỉnh thành tiêm vaccine COVID-19 thấp; Ca nhiễm biến thể BA.5 có thể gia tăng
- Sáng 28/6: Biến thể phụ BA.5 lây lan nhanh thế nào? Hiệu quả bảo vệ sau tiêm vaccine COVID-19 mũi 4 ở cả 5 cấp độ
Liên kết website
Ý kiến ()