Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:38 (GMT +7)
Hạ tầng giao thông đồng bộ - Rút ngắn khoảng cách vùng miền
Thứ 4, 10/11/2021 | 11:02:01 [GMT +7] A A
Phát triển hạ tầng giao thông luôn được tỉnh quan tâm và coi đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu nhằm tạo sự đột phá cho phát triển KT-XH, nhất là đối với khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Qua đó, từng bước cải thiện điều kiện giao thương, đi lại, phát triển kinh tế, kéo gần khoảng cách giữa các vùng miền.
Năm 2013, Dự án nâng cấp, cải tạo tuyến đường 18C Tiên Yên – Hoành Mô có chiều dài gần 42km, tiêu chuẩn đường cấp III miền núi được đưa vào sử dụng. Sau hơn 8 năm đi vào khai thác, tuyến đường đã phát huy hiệu quả trong lưu thông vận tải hàng hóa và phát triển KT-XH khu vực các địa phương Tiên Yên và Bình Liêu. Dự án càng có ý nghĩa hơn khi kết nối kinh tế biên mậu với Trung Quốc, thúc đẩy giao thương hàng hóa qua khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô, từng bước nâng cao đời sống cho đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn của huyện Bình Liêu.
Ông Nình Ngọc Chắn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Lục Nà, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu, cho biết: Nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã rất quan tâm cho khu vực đồng bào DTTS, miền núi, biên giới với nhiều cơ chế, chính sách về phát triển KT-XH, an sinh xã hội, nhất là đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông. Từ ngày tuyến đường QL18C được nâng cấp, cải tạo rộng rãi, khang trang hơn, bà con đi lại thuận tiện, giao thương kinh tế cũng sôi động hơn, đời sống người dân Bình Liêu ngày càng khởi sắc.
Không riêng huyện Bình Liêu, những năm gần đây, các tuyến đường giao thông của huyện Ba Chẽ cũng từng bước được cải tạo, xây mới, giúp cho người dân đi lại thuận lợi, phát triển KT-XH và giảm nghèo bền vững. Tiêu biểu là việc cải tạo, nâng cấp tỉnh lộ 330, khắc phục các điểm ngập lụt trên tuyến đường này đã giúp người dân các xã: Minh Cầm, Lương Mông, Đạp Thanh, Thanh Sơn, Thanh Lâm của Ba Chẽ thoát khỏi cảnh chia cắt khi mùa lũ. Đầu năm nay, huyện Ba Chẽ cũng khởi công xây dựng tuyến đường Nà Làng - Khe Phương với tổng chiều dài gần 4km. Không chỉ rút ngắn thời gian di chuyển giữa Ba Chẽ đến Hạ Long và ngược lại, tuyến đường hoàn thành đã mở những hướng phát triển kinh tế và du lịch cho người dân ở hai khu vực này.
Theo lãnh đạo huyện Ba Chẽ, đến nay, hầu hết các đường huyết mạch, quan trọng của huyện được đầu tư cải tạo, nâng cấp làm mới, tạo điều kiện cho giao thông đi lại, mở ra cơ hội lớn để giao lưu kinh tế trong và ngoài huyện. Ba Chẽ cũng hoàn thiện hệ thống giao thông kết nối từ huyện đến các địa phương. Giao thông kết nối giữa huyện với các xã và thôn, bản được bê tông hóa 100%. Huyện cũng đã cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tránh lũ, khắc phục các điểm ngập lụt để đảm bảo giao thông thông suốt, phục vụ người dân.
Có thể thấy rõ, thời gian qua, Quảng Ninh đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn, miền núi với mục tiêu bê tông hóa, nhựa hóa, hoàn chỉnh hệ thống cầu, đường nối liền từ các huyện, thị xã, thành phố đến các xã, phường, thị trấn nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển. Đặc biệt, từ nguồn lực đầu tư của chương trình nông thôn mới, chương trình 135, đề án 196, hàng nghìn công trình hạ tầng giao thông khu vực nông thôn, miền núi đã được đầu tư, xây dựng, qua đó, giải quyết những nút thắt về hạ tầng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng, miền trong tỉnh. Đến nay, 100% thôn, xã khu vực biên giới đất liền của Quảng Ninh có đường bê tông, đã giúp đời sống của bà con các đồng bào dân tộc ngày càng có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Tỉnh Quảng Ninh cũng đang nghiên cứu, xây dựng Đề án phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân các địa phương: Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ. Đề án triển khai sẽ tiếp tục tạo sức bật mới cho khu vực nông thôn, miền núi, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()