Hai bé trai ở Thanh Hóa mắc bệnh Whitmore đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong đó một em sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng.
Một bé 15 tuổi ở thị xã Nghi Sơn, chuyển đến viện Nhi Trung ương vào ngày thứ 12 của bệnh. Trước đó bé đã điều trị tại hai bệnh viện địa phương. Hai ngày trước khi khởi phát, bé đi học về và bị dầm nước mưa, sau đó sốt cao liên tục 4 ngày, ho, nổi sẩn ban, đau tức ngực phải, đau bụng... vào viện cấp cứu.
Bé chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng rất nặng, phổi tổn thương, suy hô hấp, ban sẩn xuất huyết ở hai bàn tay, thở máy, duy trì vận mạch. Bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, Whitmore.
Trường hợp còn lại là em bé 10 tuổi ở huyện Nông Cống, diễn biến bệnh suốt ba tháng, khởi đầu với biểu hiện sốt, sưng đỏ vùng mang tai 5 ngày. Bệnh viện địa phương chẩn đoán bé viêm tuyến nước bọt mang tai phải, điều trị 20 ngày không bớt. Bé được chuyển đến bệnh viện tỉnh điều trị thêm gần 30 ngày nữa, vùng má phải bị tổn thương, viêm và rỉ dịch mủ, xuất hiện thêm cục to đau ở sau tai. Đầu tháng 11, bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương, bác sĩ chích rạch khối áp xe, kết quả cấy dịch mủ phát hiện bé nhiễm vi khuẩn Whitmore.
Hôm 9/11, một người phụ nữ ở Đăk Lăk cũng được xác địnhmắc bệnhWhitmore.
Ngày 10/11, Bộ Y tế ghi nhận 3 trường hợp Whitmore này, đồng thời cảnh báo: "Whitmore không thường gặp, không gây thành dịch, nhưng bệnh cảnh thường tiến triển nặng, tỷ lệ tử vong cao". Bộ dự báo điều kiện vệ sinh môi trường bị ô nhiễm tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, phát triển, nên có thể ghi nhận thêm nhiều trường hợp mắc bệnh Whitmore.
Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện từ tháng 9 đến tháng 11. Bộ Y tế ghi nhận ca Whitmore tăng đột biến trong thời gian này tương đổng với những kết quả nghiên cứu ở các vùng dịch bệnh khác trên thế giới. Số bệnh nhân thường liên quan và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ hàng năm.
Để phòng bệnh, chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh. Nếu có vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn, nên làm sạch hoàn toàn.
Whitmore (còn gọi bệnh Melioidosis) là bệnh nhiễm trùng ở người và động vật do vi khuẩn Burkholderia Pseudomalle gây ra. Vi khuẩn B. pseudomallei sống trong đất, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước nhiễm khuẩn. Hiện chưa có bằng chứng về việc lây truyền vi khuẩn từ người sang người hoặc từ động vật sang người.
Năm 1925, ca Whitmore đầu tiên được ghi nhận tại TP HCM, sau đó xuất hiện rải rác ở một số địa phương. Bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, khó chẩn đoán và có thể tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, đặc biệt ở những người có bệnh nền như tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch...
Ý kiến ()