Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:05 (GMT +7)
Hải Hà: Phát triển các mô hình kinh tế mới
Thứ 2, 19/07/2021 | 08:03:38 [GMT +7] A A
Thời gian qua, huyện Hải Hà đã tập trung tuyên truyền, định hướng cho người dân phát triển những mô hình kinh tế mới, gắn với việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Cách làm này giúp người dân có hướng phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững hơn, nâng cao thu nhập.
Mô hình trồng dưa lê Bạch Ngọc trong nhà màng của gia đình anh Hà Cẩm Thành, thôn 1, xã Quảng Chính, Hải Hà, là một trong những mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp mới cho thu nhập cao và ổn định. Được biết, anh Thành đã thực hiện mô hình này từ tháng 3/2020, diện tích khoảng 1.000m2, được đầu tư đồng bộ từ khu nhà màng tới hệ thống tưới nước nhỏ giọt. Anh Thành chia sẻ: Qua tìm hiểu tôi thấy mô hình trồng dưa lê Bạch Ngọc trong nhà màng cho hiệu quả kinh tế cao, tạo ra sản phẩm sạch. Tuy nhiên, thời điểm mới bắt đầu trồng, chưa có kinh nghiệm, nên ngoài việc tự mày mò học hỏi, tôi đã nhận được sự tạo điều kiện, giúp đỡ rất lớn của địa phương về chọn cây giống, kỹ thuật chăm sóc, vay vốn để thực hiện mô hình. Nhờ đó, mô hình của gia đình đã phát triển rất tốt. Tới nay, gia đình tôi đã thu hoạch được 2 vụ dưa, mỗi vụ cũng cho thu nhập từ 70-80 triệu đồng. Theo ước tính, mỗi năm gia đình tôi có thể trồng được 3 vụ dưa, mỗi vụ thu từ 3-4 tấn, trừ chi phí, cũng sẽ thu về khoảng 250 triệu đồng.
Các mô hình sản xuất nông nghiệp mới cũng đang được huyện Hải Hà đưa vào nghiên cứu, thử nghiệm. Trong tháng 6/2021, Phòng NN&PTNT huyện phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh thả 80 vạn con giống sò huyết (Anadara granosa) trên diện tích 1ha, tại đầm nuôi của gia đình anh Nguyễn Thành Chung, thôn 7, xã Quảng Phong. Cơ quan chuyên môn đã hướng dẫn anh Chung cách ươm giống, chăm nuôi sò huyết. Theo kế hoạch, mô hình được triển khai trong 10 tháng, khi sò đạt kích cỡ từ 10-15g/con sẽ thu hoạch, năng suất dự kiến 5-8 tấn/ha. Trong suốt thời gian nuôi, Trung tâm Khuyến nông Quảng Ninh sẽ hỗ trợ cán bộ tập huấn kỹ thuật và 50% chi phí mua con giống, vật tư, thiết bị.
Trên cơ sở thành công của mô hình, Hải Hà sẽ phát triển và nhân rộng, góp phần chuyển đổi diện tích ao, đầm nuôi tôm kém hiệu quả sang giống nuôi mới phù hợp, đáp ứng nhu cầu của thị trường và đem lại nguồn thu nhập cao cho người dân.
Tính riêng từ đầu năm đến nay, Hải Hà đã đưa thêm nhiều mô hình sản xuất mới vào ứng dụng phát triển, hướng dẫn người dân như: Phát triển các giống lúa mới RVT, Đài thơm 8, VNR20, VRN 95; phát triển các loại rau; cây chè; nuôi cá chép giòn trong ao; xây dựng và triển khai mô hình cải tạo vườn tạp bằng việc trồng ghép giống na mới (na Đài Loan) vào trồng tại địa phương... Ước tính kinh phí thực hiện trên 700 triệu đồng, từ nguồn vốn xây dựng NTM và nguồn vốn của địa phương. Qua các mô hình đã giúp cho người dân có thêm nhiều kiến thức, hiểu biết, áp dụng vào sản xuất, canh tác, từ đó cho hiệu quả cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao mức sống cho người dân.
Ông Bùi Văn Nam, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hải Hà, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh việc tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại. Trong đó sẽ ưu tiên áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất, quản lý chất lượng, bảo quản nhằm tăng sức cạnh tranh, nâng cao được giá trị. Đồng thời, sẽ đẩy mạnh việc xây dựng liên kết sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị từ cung ứng giống, vật tư đầu vào, kỹ thuật đến tiêu thụ. Tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ lực, phát triển mô hình kinh tế và các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hoá chuyên canh gắn với chế biến, tiêu thụ. Cùng với đó, sẽ tập trung mở các lớp tập huấn kỹ thuật nông nghiệp cho người dân và đổi mới hoạt động khuyến nông theo hướng khuyến khích, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm tạo ra được những hướng phát triển kinh tế mới.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()