Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 11:07 (GMT +7)
Hai phi hành gia 9X Trung Quốc lần đầu bay vào vũ trụ
Thứ 4, 30/10/2024 | 23:25:17 [GMT +7] A A
Trung Quốc dự kiến đưa nhóm phi hành gia trẻ nhất thực hiện sứ mệnh Thần Châu-19, trong đó có hai người sinh vào thập niên 1990.
Trung Quốc dự kiến phóng tàu vũ trụ có người lái Thần Châu-19 vào sáng sớm 30/10, đưa ba phi hành gia - trong đó có hai người sinh vào thập niên 1990 - lên trạm vũ trụ của nước này.
Theo Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), chỉ huy phi hành đoàn là ông Thái Húc Triết, người tham gia sứ mệnh Thần Châu-14 vào năm 2022, đồng hành cùng ông là hai thành viên lần đầu bay Vương Hạo Trạch và Tống Lệnh Đông.
Vương Hạo Trạch, 34 tuổi, nữ kỹ sư cao cấp của Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), sẽ trở thành người phụ nữ Trung Quốc thứ ba tham gia vào một sứ mệnh du hành vũ trụ có người lái, sau Lưu Dương thuộc phi hành đoàn Thần Châu-9 và 14, Vương Á Bình của Thần Châu-10 và 13.
Cô Vương là nữ kỹ sư cao cấp Học viện Công nghệ Động cơ Hàng không Vũ trụ thuộc Tập đoàn Khoa học Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC), tham gia thiết kế động cơ tên lửa chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Tống Lệnh Đông, cũng 34 tuổi, từng là phi công không quân trước khi trở thành phi hành gia. Anh cùng Vương Hạo Trạch sẽ là những phi hành gia trẻ nhất Trung Quốc bay vào vũ trụ.
Người phát ngôn Cơ quan Vũ trụ có người lái Trung Quốc Lâm Tây Cường cho biết, tàu vũ trụ Thần Châu-19 được đặt trên tên lửa vận chuyển Trường Chinh-2F, dự kiến phóng từ Trung tâm Phóng vệ tinh Tửu Tuyền ở tây bắc Trung Quốc vào lúc 4h27 ngày 30/10 (giờ Bắc Kinh). Tàu dự kiến sẽ trở về vào cuối tháng 4 hoặc đầu tháng 5.
Theo bộ phận khí tượng của trung tâm phóng, khung thời gian phóng được quyết định dựa trên dự báo thời tiết khu vực phóng và các khu vực lân cận, phân tích dữ liệu thời tiết theo thời gian thực cũng như tận dụng nhiệt độ thấp vào sáng sớm tại khu vực phóng.
Ông Lâm cho biết phi hành đoàn Thần Châu-19 sẽ tiếp nhận quyền chỉ huy trạm vũ trụ Thiên Cung từ đội Thần Châu-18, hiện đang ở quỹ đạo và dự kiến trở về Trái đất ngày 4/11.
“Trong thời gian ở lại kéo dài sáu tháng, đội ngũ sẽ tiến hành các thí nghiệm khoa học và ứng dụng vũ trụ, thực hiện các hoạt động ngoài tàu và quản lý các hoạt động vận chuyển hàng hóa”, Ông Lâm nói. "Họ sẽ tiến hành các thí nghiệm để nâng cao hiệu quả hoạt động của trạm vũ trụ, đồng thời lắp đặt những thiết bị bảo vệ chống rác vũ trụ rồi thiết lập, thu hồi tải trọng và một số thiết bị bên ngoài".
Người phát ngôn CMSA cho biết thêm: "Đội ngũ có kế hoạch nghiên cứu phân tích cấu trúc của các tinh thể protein được nuôi cấy trong điều kiện vi trọng lực, điều tra động lực học không cân bằng của vật chất mềm và thực hiện các thí nghiệm lĩnh vực khoa học sự sống vũ trụ, vật lý vi trọng lực, khoa học vật liệu vũ trụ, y học hàng không và các công nghệ hàng không mới nổi".
Các kết quả được kỳ vọng đóng góp vào các lĩnh vực khoa học như lĩnh vực khoa học như nghiên cứu tiên phong về các lý thuyết cơ bản, vật liệu mới, tác động của bức xạ không gian và tình trạng không trọng lực lên cơ thể, các hiệu ứng sinh học dưới từ trường và cơ chế phân tử.
Theo VTCNews
Liên kết website
Ý kiến ()