Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:33 (GMT +7)
Hải quan Quảng Ninh: Đổi mới công tác “hậu kiểm”
Thứ 2, 27/06/2022 | 13:50:04 [GMT +7] A A
Trong 6 tháng đầu năm, Chi cục Kiểm tra sau thông quan (Cục Hải quan tỉnh) đã thực hiện 20 cuộc kiểm tra sau thông quan, phát hiện nhiều hành vi vi phạm của doanh nghiệp để kịp thời truy thu cho ngân sách nhà nước và nâng cao tính tự nguyện tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng.
Kiểm tra sau thông quan (KTSTQ) là hoạt động kiểm tra của cơ quan hải quan đối với hồ sơ hải quan, sổ kế toán, chứng từ kế toán và các chứng từ khác, kiểm tra hàng hóa trong trường hợp cần thiết và còn điều kiện sau khi hàng hóa đã được thông quan. Trong những năm qua, với định hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để tạo thuận lợi về thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, Cục Hải quan tỉnh đã đẩy mạnh chỉ đạo, triển khai công tác KTSTQ trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro với nhiều sự đổi mới trong cách thức thực hiện.
Thực tế cho thấy, tại Cục Hải quan tỉnh, hàng năm, các đơn vị trong toàn Cục tiếp nhận, đăng ký và làm thủ tục cho trên 90.000 tờ khai. Trong đó, có trên 50% tờ khai chưa được kiểm tra hồ sơ, gần 50% tờ khai cơ quan hải quan mới chỉ kiểm tra được các hồ sơ mà doanh nghiệp xuất trình cho cơ quan hải quan, chưa kiểm tra được tính đồng bộ, chính xác trong hồ sơ, chứng từ. Để hỗ trợ cho khâu thông quan, đảm bảo thu đúng, thu đủ tiền thuế, ngay từ đầu năm, Chi cục KTSTQ đã đẩy mạnh thực hiện KTSTQ với 19 cuộc tại trụ sở doanh nghiệp và 1 cuộc thanh tra chuyên ngành đột xuất. Qua đó, đã tăng thu NSNN gần 6 tỷ đồng (bằng 65% chỉ tiêu được giao).
Điều đáng nói là qua công tác kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp có 17/19 doanh nghiệp đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đưa tỷ lệ phát hiện vi phạm đạt 90% (vượt so với chỉ tiêu được Tổng Cục Hải quan giao là 60%).
Có được kết quả tích cực trên, Chi cục KTSTQ đã tập trung thực hiện thu thập thông tin, phân tích rủi ro, kiểm tra đánh giá đối với những doanh nghiệp trọng điểm, như: Doanh nghiệp lớn; doanh nghiệp có mức độ tuân thủ pháp luật thấp; các lĩnh vực mặt hàng, nhóm hàng có rủi ro cao; doanh nghiệp trên 3 năm chưa thực hiện KTSTQ. Đồng thời, Chi cục cũng tăng cường công tác phối hợp, trao đổi thông tin 2 chiều với các đơn vị khác trong toàn Cục.
Một giải pháp nổi bật khác là Chi cục xây dựng kế hoạch KTSTQ theo chuyên đề, tập trung vào những nội dung trọng tâm, trọng điểm của ngành và kiểm soát những đối tượng có mức độ rủi ro cao, vi phạm pháp luật trong từng thời kỳ sẽ được kiểm tra trước. Nổi bật như: Kiểm tra mã số đối với các mặt hàng rủi ro cao; kiểm tra về trị giá đối với các mặt hàng có giá trị lớn (khoáng sản, hàng tiêu dùng); kiểm tra về chính sách thương mại (hàng miễn thuế và hàng hóa hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt theo các hiệp định thương mại tự do); các mặt hàng nhập khẩu có 2 mức thuế suất; các mặt hàng máy móc thiết bị qua sử dụng nhập khẩu; hàng xuất khẩu đi Mỹ và xuất khẩu đi Ấn Độ… Việc không kiểm tra theo tình trạng “dàn hàng ngang” đã ngày càng đảm bảo hiệu quả và nâng cao chất lượng của công tác KTSTQ.
Ông Vũ Quý Hưng, Chi cục trưởng Chi cục KTSTQ cho biết: Trong gần 6 tỷ đồng tiền thuế nộp NSNN 6 tháng đầu năm có kết quả truy thu hơn 3 tỷ đồng của một doanh nghiệp gia công sản xuất xuất khẩu vì đã khai sai mã hàng chế xuất, không khai nguyên liệu trong nước cấu thành sản phẩm gia công xuất khẩu. Do đó, trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh tham mưu, đề xuất đối với Cục Hải quan tỉnh trong KTSTQ đối với các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu, chế xuất.
Theo đánh giá của Chi cục, mặc dù hiện trong toàn tỉnh mới có trên 50 doanh nghiệp hoạt động theo các loại hình nêu trên nhưng với sự quan tâm của tỉnh về đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế tạo, trong thời gian tới, chắc chắn lĩnh vực này sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Kéo theo sự tăng trưởng này, về góc độ quản lý cơ quan hải quan thì cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bởi cả nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra của các doanh nghiệp này đều thuộc đối tượng miễn thuế, không chịu thuế. Tuy nhiên thực tế trong ngành Hải quan, có nhiều doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi để gian lận, trốn thuế. Nhưng cũng có nhiều doanh nghiệp do không hiểu biết, không đáp ứng được các điều kiện miễn thuế nên qua KTSTQ đã bị xử lý, truy thu, xử phạt với số tiền rất lớn, lên đến nhiều tỷ đồng.
Việc chủ động rà soát thông tin, KTSTQ đối với loại hình này vừa để đảm bảo kịp thời phát hiện sai sót, hướng dẫn doanh nghiệp nắm bắt, tránh để cộng dồn sai sót dẫn đến số tiền truy thu, xử phạt lớn. Do vậy, KTSTQ cũng chính là góp phần tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi.
Trong 6 tháng cuối năm, để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu, ngoài việc cải cách, đổi mới công tác “hậu kiểm”, Chi cục KTSTQ sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực kiểm tra các doanh nghiệp, mặt hàng có rủi ro cao. Đặc biệt, Chi cục cũng xác định phải chú trọng vào xây dựng các chuyên đề trọng điểm để kiểm tra; nâng cao hiệu quả công tác thu thập thông tin; đổi mới phương pháp đào tạo và kiện toàn nguồn nhân lực; vận động doanh nghiệp tham gia chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật…
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()