Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:14 (GMT +7)
Hàn Quốc: Các bệnh viện lớn thiệt hại nặng nề do khủng hoảng y tế
Thứ 4, 10/04/2024 | 15:35:49 [GMT +7] A A
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, các bệnh viện lớn ở Hàn Quốc đang phải vật lộn trước những thiệt hại to lớn do hàng nghìn bác sĩ thực tập sinh trên toàn quốc đình công nhằm phản đối chính sách tăng chỉ tiêu trường y của chính phủ. Cuộc đình công hiện đã bước sang tuần thứ 8.
Hơn 90% trong số 13.000 bác sĩ thực tập sinh của Hàn Quốc, bao gồm thực tập sinh và bác sĩ nội trú, đã đình công kể từ ngày 20/2, phản đối quyết định của Chính phủ Hàn Quốc bổ sung 2.000 suất mới vào chỉ tiêu tuyển sinh trường y hằng năm, bắt đầu từ năm 2025. Từ năm 2006 đến nay, chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm ngành y Hàn Quốc là 3.058 sinh viên.
Các bệnh viện lớn, vốn phụ thuộc nhiều vào các bác sĩ thực tập sinh, đã phải chịu mức thâm hụt hàng trăm triệu won mỗi ngày do số ca phẫu thuật và các phương pháp điều trị bệnh nhân khác giảm mạnh sau cuộc đình công.
Trung tâm Y tế Asan gần đây đã bắt đầu nhận đơn xin nghỉ hưu tự nguyện, trở thành bệnh viện đầu tiên thực hiện điều này trong số 5 bệnh viện đa khoa lớn nhất ở Seoul. Việc nghỉ hưu tự nguyện dành cho những nhân viên từ 50 tuổi trở lên và đã làm việc hơn 20 năm. Một quan chức bệnh viện cho biết: “Chúng tôi đang chấp nhận đơn đăng ký cho đến ngày 19/4 theo quyết định liên quan đến quản lý tình trạng khẩn cấp”. Các bệnh viện ở Hàn Quốc được đặt trong chế độ quản lý khẩn cấp kể từ ngày 15/3.
Hồi đầu tháng, ông Park Seung-il, người đứng đầu bệnh viện, cho biết bệnh viện lỗ ròng 51,1 tỷ won (38 triệu USD) từ ngày 20/2 đến ngày 30/3. Trong một thư điện tử gửi đến các giáo sư y khoa của bệnh viện, ông Park cho biết chính phủ chỉ hỗ trợ 1,7 tỷ won trong khoảng thời gian 40 ngày. Ông Park nói: “Nếu tình trạng bế tắc hiện tại tiếp tục hoặc trở nên tồi tệ hơn, khoản lỗ ròng vào cuối năm nay dự kiến sẽ vào khoảng 460 tỷ won”.
Các bệnh viện lớn khác ở thủ đô Seoul cũng đã triển khai quản lý tình trạng khẩn cấp và khuyến khích nhân viên của họ nghỉ phép không lương nhằm nỗ lực cắt giảm chi phí lao động. Một số thậm chí đã hoãn quá trình tuyển dụng y tá.
Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul (SNUH) đã tạm thời đóng cửa 10 trong số 60 khoa, bao gồm cả các khoa dành cho bệnh nhân cấp cứu và bệnh nhân ung thư. Một quan chức của SNUH cho biết quyết định này nhằm mục đích “vận hành nguồn nhân lực hiệu quả và linh hoạt hơn”.
Các bệnh viện nằm bên ngoài khu vực Seoul rộng lớn hơn, chẳng hạn như Bệnh viện Đại học Ulsan và Bệnh viện Đại học Quốc gia Pusan, đang phải đối mặt với tình huống tương tự, vì những bệnh viện này đã sáp nhập các bộ phận và khoa của mình và chấp nhận đơn xin nghỉ phép không lương của nhân viên.
Trong bối cảnh các bệnh viện phải đối mặt với những thiệt hại về nguồn thu ngày càng lớn, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc ngày 8/4 chủ trương sẽ cho phép các y tá, những người hiện đang nghỉ phép không lương, làm việc cho các cơ sở y tế đang gặp phải tình trạng thiếu nhân sự.
Chính phủ Hàn Quốc đang tìm cách tăng hạn ngạch tuyển sinh vào trường y nhằm cải thiện khả năng tiếp cận của công chúng với các dịch vụ y tế trong bối cảnh đất nước thiếu bác sĩ. Các bác sĩ phản đối điều này, cho rằng các trường học chưa sẵn sàng đào tạo số lượng lớn sinh viên mới nhập học và do đó chất lượng giáo dục y tế sẽ bị ảnh hưởng.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()