Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 11:40 (GMT +7)
Hàn Quốc trục vớt thành công mảnh vỡ tên lửa của Triều Tiên
Thứ 6, 16/06/2023 | 15:15:03 [GMT +7] A A
Quân đội Hàn Quốc ngày 16/6 cho biết đã vớt thành công một phần tên lửa để phóng vệ tinh của Triều Tiên bị rơi xuống khu vực Hoàng Hai sau 15 ngày thực hiện các hoạt động trục vớt phức tạp.
Theo thông báo của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS), sau khi triển khai một hạm đội tàu cứu hộ hải quân và tàu quét mìn cùng với hàng chục thợ lặn, quân đội nước này đã đưa lên bờ được những mảnh vỡ được cho là phần thân chính của tên lửa.
"Các chuyên gia thuộc cơ quan phát triển quốc phòng quốc gia dự kiến sẽ tham gia phân tích chi tiết vật thể được trục ", thông báo nêu rõ.
Các mảnh vỡ đã được kéo từ đáy biển ở độ sâu khoảng 75 mét trong vùng biển cách đảo Eocheong khoảng 200 km về phía tây nam. Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc công bố cho thấy một cấu trúc kim loại dài và màu trắng có chữ "Chonma", được cho là một một dạng viết tắt của tên chính thức Chollima-1mà Bình Nhưỡng đặt cho tên lửa.
Vụ phóng vệ tinh trinh sát quân sự gày 31/5 của Triều Tiên đã bị Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản chỉ trích mạnh mẽ, cho rằng hành động này vi phạm các nghị quyết của Liên hợp quốc về việc cấm quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân này thực hiện bất kỳ vụ thử nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo.
Trong hai tuần qua, Seoul đã đã nỗ lực để thu hồi các mảnh vỡ của tên lửa với kỳ vọng những kết quả thu được sau quá trình điều tra sẽ giúp làm sáng tỏ hơn chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và giám sát vệ tinh của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên tuyên bố sau thất bại hôm 31/5 rằng họ sẽ tiếp tục theo đuổi và sẽ thành công trong chương trình phóng vệ tinh trinh sát quân sự. Bình Nhưỡng luôn khẳng định vệ tinh loại này là cần thiết để đối trọng với sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Mỹ trong khu vực.
Trong bối cảnh đó, hôm 12/6, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã ra thông báo về việc kéo dài vô thời hạn lệnh giám sát và phá hủy bất kỳ tên lửa, tên lửa đạn đạo hoặc mảnh vỡ nào có thể gây ra mối đe dọa cho lãnh thổ nước này sau khi Triều Tiên tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực tiến hành một vụ phóng vệ tinh quân sự mới.
Thông cáo của Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh: "Liên quan đến lệnh về việc áp dụng các biện pháp phá hủy tên lửa đạn đạo, được ban hành vào ngày 29/5/2023, chúng tôi sẽ tạm thời gia hạn thêm thời gian sau ngày 11/6/2023".
Tokyo đã ban hành lệnh bắn hạ tên lửa của Triều Tiên lần đầu vào cuối tháng 5 sau khi Bình Nhưỡng cảnh báo Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản về ý định phóng một vệ tinh quân sự lên quỹ đạo. Quân đội Nhật Bản tiếp tục triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot do Mỹ sản xuất đến các đảo phía tây nam, trong khi các tàu khu trục lớp Aegis của Nhật Bản có trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 cũng được gửi đến tuần tra ở vùng Biển Hoa Đông.
Mới đây nhất, ngày 15/6, Triều Tiên đã phóng 2 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía đông nước này. Tokyo cho biết hai quả tên lửa này đã rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc đã phát hiện các vụ phóng được thực hiện tại khu vực Sunan ở Bình Nhưỡng.
Vụ phóng mới nhất của Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Hàn Quốc vừa kết thúc cuộc tập trận bắn đạn thật quy mô lớn nhất, cũng là cuộc tập trận đầu tiên kiểu này trong 6 năm qua, tại thao trường Pocheon, chỉ cách biên giới liên Triều 25 km. Cuộc tập trận nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập liên minh giữa hai nước. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Quốc phòng Triều Tiên tuyên bố các lực lượng của Bình Nhưỡng sẽ đáp trả cứng rắn "bất kỳ hành động khiêu khích nào".
Theo Baotintuc.vn
- Hai tên lửa của Triều Tiên rơi vào Vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản
- Triều Tiên cam kết thúc đẩy hợp tác chiến lược với Nga
- Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ phóng vệ tinh bất kỳ lúc nào
- Triều Tiên nói phóng vệ tinh thất bại; Hàn Quốc, Nhật Bản báo động
- Quân đội Hàn Quốc: Triều Tiên đã phóng vệ tinh không gian
- Triều Tiên sắp phóng vệ tinh chuyên giám sát quân đội Mỹ
- Truyền thông Nhật Bản: Triều Tiên thông báo kế hoạch phóng vệ tinh
Liên kết website
Ý kiến ()