Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 06:25 (GMT +7)
Hàng hoá Tết phong phú, giá cả ổn định
Thứ 7, 22/01/2022 | 10:02:59 [GMT +7] A A
Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Để bảo đảm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, các chợ, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh không chỉ chuẩn bị nguồn hàng hóa phong phú, với số lượng tăng gấp 2-3 lần so với các tháng bình thường, mà còn áp dụng các chính sách giảm giá hỗ trợ người tiêu dùng, bảo đảm mặt bằng giá cả ổn định.
Ghi nhận tại các siêu thị lớn trên địa bàn như: GO! Hạ Long, MM Mega Market Hạ Long, WinMart... cho thấy, lượng hàng hóa Tết hiện rất dồi dào, phong phú, giúp khách hàng dễ dàng có những lựa chọn phù hợp. Các mặt hàng phục vụ Tết chủ yếu là thực phẩm tươi sống, rau củ, trái cây, bánh mứt kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
Bên cạnh đó, các siêu thị còn đồng loạt triển khai nhiều chương trình bình ổn giá, khuyến mại, giảm giá sâu đối với các mặt hàng thiết yếu. Trong khi đó, tại các chợ dân sinh, hàng Tết cũng được bày bán khá nhiều, sức mua, giá cả ổn định. Cụ thể, giá thịt lợn dao động trong khoảng 150.000 đồng/kg; các loại giò, chả, xúc xích có giá 130.000 - 190.000 đồng/kg. Các sản phẩm gạo tám thơm, gạo lứt, gạo nếp có giá dao động 100.000 - 250.000 đồng/túi 5kg; cam Canh có giá khoảng 50.000 đồng/kg; bưởi Diễn giá 30.000 đồng/quả; các giỏ quà Tết có mức giá từ 300.000 đồng đến vài triệu đồng tùy loại…
Theo thống kê từ Sở Công Thương, trên địa bàn tỉnh đang có 12 đơn vị phân phối lớn và 15.253 cơ sở, điểm bán hàng thiết yếu. Tới nay, các đơn vị đã chủ động nguồn tiền dự trữ thiết yếu lên đến trên 2.000 tỷ đồng để sẵn sàng cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trước mọi diễn biến của dịch bệnh. Trong đó, các điểm kinh doanh thực phẩm thiết yếu dự trữ trên 1.400 tỷ đồng và các đơn vị phân phối dự trữ 626 tỷ đồng. Một số đơn vị phân phối chủ động nguồn dự trữ lớn như: Vinmart + dự trữ 241 tỷ đồng; GO! Hạ Long dự trữ 120 tỷ đồng; MM Mega Market dự trữ 100 tỷ đồng; chuỗi ALOHA Maill Đông Triều, Đầm Hà dự trữ 50 tỷ đồng; siêu thị Lan Chi Đông Triều, Quảng Yên dự trữ 30 tỷ đồng.
Đại diện chuỗi siêu thị Vinmart Hạ Long - Cẩm Phả, cho biết: Hàng hoá phục vụ Tết năm nay tại Vinmart được xây dựng trên 3 tiêu chí cho người tiêu dùng là: “Đầy đủ - tươi ngon - tiết kiệm”. Năm nay, đơn vị tập trung vào nhóm hàng hóa đồ ăn nhanh, tốt cho sức khỏe, có nguồn gốc tự nhiên. Bên cạnh đó, những mặt hàng đồ khô phục vụ Tết cũng được lựa chọn kỹ với màu sắc tươi đẹp và bắt mắt. Vinmart cũng ưu tiên bày bán các sản phẩm chất lượng cao của các doanh nghiệp Việt Nam và chủ động nhập khẩu một số loại hàng hóa cao cấp phù hợp với nhu cầu của người dân trong dịp Tết. Hiện tại, đối với mặt hàng Tết, Vinmart cũng đang áp dụng khuyến mại từ 10-30% tùy thuộc vào từng mặt hàng như: Bánh kẹo, mứt, dầu ăn, mì tôm, nước giải khát…
Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, thời gian qua, các cơ sở kinh doanh đã chủ động điều chỉnh lượng hàng dự trữ, tìm kiếm nhiều đối tác cung ứng, nhằm đa dạng hóa các mặt hàng. Việc lưu thông hàng hóa thiết yếu cũng được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi. Hiện nguồn cung và giá bán hàng hoá tại Quảng Ninh ổn định, phong phú, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Các kênh phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh, nhất là hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, luôn chủ động nguồn hàng sẵn có cho người dân, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoá.
Đặc biệt, với vai trò nòng cốt, Sở Công Thương đã phối hợp với Sở NN&PTNT, UBND các địa phương, làm việc trực tiếp với các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh để rà soát, đánh giá khả năng sản xuất, năng lực cung ứng và lượng thừa, thiếu các mặt hàng thiết yếu của các địa phương, từ đó đề xuất, đưa ra những phương án, giải pháp nhằm đảm bảo nguồn hàng hoá thiết yếu phục vụ nhân dân. Sở cũng đã thành lập các tổ điều phối hàng hoá tại các địa phương, thường xuyên cập nhật, nắm bắt thông tin về diễn biến cung, cầu thị trường, giá cả, nguồn hàng cung ứng, lưu thông hàng hóa; khả năng cung ứng hàng hoá thiết yếu của từng đơn vị, địa phương. Từ đó có giải pháp kịp thời điều tiết hàng hóa thiết yếu, không để xảy ra hiện tượng thiếu hàng, đầu cơ, găm hàng và các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại. Song song với đó, tăng cường hướng dẫn các đơn vị phân phối trên địa bàn tỉnh lập, điều chỉnh bổ sung danh sách các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu của các đơn vị đối tác ngoài tỉnh.
Việc quản lý, giữ ổn định thị trường dịp Tết Nguyên đán là một nhiệm vụ hết sức quan trọng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ và trách nhiệm cao của các sở, ban, ngành, địa phương và doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân mua sắm trong dịp Tết. Do đó, các đơn vị cần tiếp tục thực hiện các biện pháp linh hoạt, chủ động, bám sát diễn biến thị trường; thường xuyên đánh giá, dự báo cụ thể để điều chỉnh phù hợp nhu cầu mua sắm thực tế của người dân nhằm vừa giữ bình ổn mặt bằng giá vừa tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, lưu thông. Sự chủ động của các doanh nghiệp và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành chức năng mới có thể góp phần giúp thị trường dịp Tết lành mạnh hơn, hạn chế buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, giúp người dân yên tâm đón Tết Nguyên đán an toàn, tiết kiệm, vui tươi.
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()