4
18
/
1101101
Hạnh phúc nơi tôi sống…
longform
Hạnh phúc nơi tôi sống…

Cover

Quảng Ninh trong suốt hành trình phát triển luôn nỗ lực hiện thực hóa ở từng bước đi, từng quyết sách, hành động nhằm hướng đến những tiêu chí cơ bản là người dân được sống ổn định, an toàn, ấm no, tự do, hạnh phúc trong một môi trường xã hội văn minh, lành mạnh, có trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn hóa phát triển.

Cover

Xã vùng cao Đại Dực (huyện Tiên Yên) có 5 dân tộc anh em cùng chung sống là Sán Chỉ, Dao, Kinh, Tày, Thái; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 99,8% dân số. Nhiều năm trước là địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, nhưng đến nay đời sống của nhân dân xã được nâng lên về mọi mặt; nhất là từ khi thực hiện chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính xã Đại Thành vào xã Đại Dực, tạo không gian phát triển rộng lớn hơn, khai thác, đánh thức các tiềm năng mới, động lực mới của vùng đất này cho phát triển.

Ảnh với chú thích
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao quà Tết cho đồng bào các xã biên giới huyện Bình Liêu, ngày 20/1.

Năm 2021 Đại Dực đạt chuẩn NTM, đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 64 triệu đồng (năm 2022 là 54,5 triệu đồng). Xã không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia. Tình hình ANTT ổn định, khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được củng cố và giữ vững. Đặc biệt là với sự quan tâm rất lớn của tỉnh, tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ dài 7,08km được hoàn thành, thay thế con đường trước kia dài hơn 17km, nhiều dốc cao, gập ghềnh. Tuyến đường mới không chỉ làm giảm khoảng cách, giảm thời gian đi lại, mà còn thu hẹp khoảng cách phát triển của Đại Dực với vùng thấp.

Ảnh với chú thích
Nhân dân xã Đại Dực tổ chức sinh hoạt cộng đồng tại Nhà văn hóa dân tộc Sán Chỉ của xã.

Bà Lỷ Móc Pháp (thôn Khe Lục, xã Đại Dực) phấn khởi nói: Trước kia người dân trong thôn, trong xã khó khăn lắm, hầu hết là hộ nghèo; đường giao thông vào thôn đi lại khó khăn; nhà ở chủ yếu là tranh tre, tạm bợ... Từ chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững, thôn đã có đường bê tông, nhà ở xây kiên cố, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ. Đặc biệt người dân được tiếp cận với nhiều nguồn vay vốn ưu đãi, được hướng dẫn áp dụng KHKT vào trồng trọt, chăn nuôi. Người dân đã mạnh dạn đầu tư trồng rừng, xây dựng mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại, gia trại. Đến nay Đại Dực đã ngày càng có nhiều hơn những căn nhà kiên cố, hiện đại; hệ thống hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư bài bản, giúp bà con yên tâm tập trung phát triển kinh tế. Đời sống được nâng lên, người dân xã quan tâm chăm sóc sức khỏe, đầu tư cho con em học hành đầy đủ, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.

Nhìn vào những bước chuyển của một địa bàn từng khó khăn nhất tỉnh nay vươn mình thành nơi đáng sống, càng khẳng định được tầm nhìn, tư duy đột phá cũng như chủ trương đúng đắn của tỉnh trong phát triển kinh tế - xã hội; chăm lo về mọi mặt đời sống cho người dân. Đến nay Quảng Ninh từ một tỉnh miền núi ven biển nhiều khó khăn đã trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế toàn diện của khu vực phía Bắc với 9 năm liên tiếp tăng trưởng 2 con số (2015-2023); quy mô nền kinh tế năm 2023 đạt trên 310.000 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2020. Đặc biệt từ một tỉnh khó khăn về nhiều mặt, nay tỉnh trở thành một trong những địa phương có chỉ số hạ tầng tốt nhất Việt Nam.

Ảnh với chú thích
Người dân đồng diễn Yoga tại Quảng trường 30/10 (TP Hạ Long).

Quảng Ninh cũng tạo bước chuyển lớn trong phát triển văn hoá - xã hội, con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, thu hẹp chênh lệch vùng miền, hoàn thành trước nhiều mục tiêu của cả giai đoạn 2020-2025, như hoàn thành trước 3 năm Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình MTQG về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Diện mạo, cảnh quan ở các địa phương thay đổi từng ngày. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng các cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao, đảm bảo chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. GRDP bình quân đầu người của tỉnh đến nay đạt trên 9.400 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020.

Ảnh căn phải

“Nếu phải lựa chọn lại nơi sinh sống và gắn bó, tôi vẫn lựa chọn Quảng Ninh. Bởi ít có địa phương nào có cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại như Quảng Ninh. Đường sá rộng rãi, thoáng đãng, đi lại nhanh chóng thuận lợi. Sân bay, bến cảng đầy đủ cả. Các bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, khu vui chơi, giải trí, thể thao “phủ” khắp tỉnh không thua kém những thành phố trung tâm như Hà Nội, Sài Gòn. Tỉnh đi lên thì nhân dân hạnh phúc. Giờ ở tuổi hưu trí, điều tôi thích nhất là cùng với các bạn già đi bách bộ trên đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, tập thể dục, hít thở không khí trong lành của gió biển. Tôi thấy mình khỏe hẳn ra” - Ông Nguyễn Đình Liệu (khu 9, phường Hồng Hà, TP Hạ Long) bày tỏ sự hài lòng và hạnh phúc khi sống ở Quảng Ninh.

Một mùa xuân mới lại đến mang theo bao niềm tin, hy vọng. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh tiếp tục bước vào mùa xuân cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn thử thách, hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ đặt ra trong năm mới, để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; nhân dân ngày càng có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Cover

Ảnh căn trái

Những lời thơ giản dị của tác giả Nguyễn Bùi Vợi đến giờ vẫn còn in đậm trong tâm trí của nhiều thế hệ học trò. Nhiều năm trôi qua, lời thơ ấy vẫn luôn hiện hữu trong đời sống. Những ngôi trường mái ngói đỏ tươi trong tỉnh ngày càng nhiều, khang trang, rộng rãi để học sinh "Mỗi ngày đến trường là một ngày vui".

Ảnh với chú thích
Trường THCS&THPT Quảng La (TP Hạ Long) - công trình chào mừng kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh.
 
HẠNH PHÚC KHI ĐƯỢC ĐẾN TRƯỜNG

Đến xã Quảng La (TP Hạ Long) hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay diệu kỳ của vùng đất với nhiều công trình mới được xây dựng. Giữa khung cảnh núi rừng xanh mướt, hùng vĩ hiện lên một ngôi trường to bề thế, sơn vàng óng, mái ngói đỏ tươi, vô cùng khang trang, hiện đại.

Đưa chúng tôi đi thăm ngôi trường mới được khánh thành dịp 60 năm thành lập tỉnh, thầy giáo Nguyễn Hải Long, Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Quảng La, nói: Từ khi về trường mới, thầy và trò đều rất phấn khởi, hân hoan. Lớp học rộng rãi hơn, điều kiện dạy học được nâng lên rất nhiều so với trước.

Trường mới có tổng mức đầu tư trên 197 tỷ đồng với diện tích quy hoạch khoảng 4,17ha, trong đó đất xây dựng trường gần 2,8ha; quy mô 2 khối nhà học (27 phòng), 1 khối nhà hiệu bộ cao 4 tầng, 2 nhà để xe 1 tầng và các hạng mục phụ trợ. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập cho giáo viên và học sinh các xã Quảng La, Dân Chủ, Tân Dân, Bằng Cả, Sơn Dương.

Ảnh với chú thích
Một tiết thí nghiệm của học sinh Trường THCS&THPT Quảng La.

Trong những phòng học còn thơm mùi sơn mới, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ của các em học sinh. Chu Hương Cầm (học sinh Lớp 10A1) mừng rỡ nói: "Bây giờ em thích đến trường lắm. Từ phòng học đến nhà vệ sinh đều rộng rãi, sạch đẹp. Ngôi trường như ngôi nhà thứ 2 của em vậy".

Trường THCS&THPT Quảng La mới không chỉ đảm bảo các tiêu chí trường đạt chuẩn mức độ 2, đáp ứng nhu cầu và nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập cho giáo viên, học sinh, mà còn đáp ứng kỳ vọng của nhân dân về sự đổi thay của vùng đất sau sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long.

 
MÙA XUÂN MỚI MANG NHIỀU ƯỚC VỌNG

Toàn tỉnh hiện có 638 trường mầm non, phổ thông, trung tâm GDNN-GDTX; tỷ lệ trường chuẩn quốc gia đạt gần 90%. Con số này là một minh chứng cho thấy sự quan tâm đặc biệt của tỉnh tới giáo dục. Cơ sở vật chất trường học đảm bảo đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, giúp học sinh được thụ hưởng môi trường giáo dục tốt nhất, cả ở địa bàn trung tâm cũng như vùng khó khăn.

Năm 2023 trên địa bàn tỉnh có nhiều trường học được xây mới, đưa vào sử dụng, trở thành điểm nhấn về diện mạo tại các địa phương, như: Trường THPT Cẩm Phả, vốn đầu tư trên 288 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 1,5ha, quy mô 36 phòng học, nhà hiệu bộ, phòng chức năng, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 1.500 học sinh; Trường THPT Bình Liêu, vốn đầu tư 95 tỷ đồng, xây dựng trên diện tích 2,69ha, quy mô khu nhà học chính 18 lớp học, khu nhà học bộ môn 12 phòng học, khu nhà hiệu bộ, nhà công vụ là phòng nghỉ cho giáo viên và học sinh, nhà đa năng, sân bóng đá.

Các ngôi trường: THPT Trần Phú (TP Móng Cái); THPT Quảng Hà, THCS Hải Hà (huyện Hải Hà); THPT Hoàng Quốc Việt (TX Đông Triều); THPT Bạch Đằng (TX Quảng Yên); THPT Cô Tô (huyện Cô Tô); Tiểu học Đông Ngũ 1 (huyện Tiên Yên)… đang được đẩy nhanh thi công, để phấn đấu đến năm 2025 mỗi cấp học giáo dục phổ thông ở mỗi huyện có ít nhất một trường công lập, mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao.

Ảnh với chú thích
Lễ cắt băng khánh thành Trường THPT Bình Liêu. Ảnh: Đỗ Phương

Nguyễn Tiến Luân (học sinh Lớp 12A1, Trường THPT Bình Liêu) vui mừng nói: "Em rất vui khi trường của mình được xây mới khang trang, đẹp y như những ngôi trường ở thành phố vậy. Chắc chắn chúng em sẽ cố gắng học tập, rèn luyện hơn nữa để xứng đáng với sự kỳ vọng của các bác lãnh đạo tỉnh, huyện, của các thầy cô giáo đã gửi gắm, yêu thương, tạo điều kiện để chúng em được học tập tốt nhất".

Một mùa xuân mới về mang theo thật nhiều ước vọng. Với những thầy, trò trong những ngôi trường mới, mùa xuân này có thêm niềm tin tương lai tươi sáng về sự nghiệp trồng người. Công cuộc đổi mới giáo dục phía trước vẫn còn nhiều gian nan, song những mái trường hạnh phúc này đã cho các thầy, trò thêm động lực để tiếp tục phấn đấu, đổi mới, sáng tạo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đạt mục tiêu phấn đấu chậm nhất đến năm 2030 Quảng Ninh nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về chất lượng phát triển giáo dục...

Cover

Tết Giáp Thìn 2024 có lẽ là cái Tết đầm ấm nhất đối với 441 hộ nghèo, hộ cận nghèo trong tỉnh khi được an cư trong những ngôi nhà mới khang trang, vững chãi từ chủ trương xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát theo Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Tỉnh ủy.

Ảnh với chú thích
Gia đình bà Chíu Nhì Múi (thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) vui mừng trong ngôi nhà mới. 

Một ngày tháng 12/2023, trong cái lạnh se sắt, chúng tôi men theo con đường bê tông chỉ vừa đủ một chiếc xe máy để đến nhà bà Chíu Nhì Múi (thôn Sông Moóc, xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu). Ngôi nhà mới rộng chừng 70m2 nằm dưới những tán rừng hồi, xen lẫn những nụ đào phớt hồng, những đóa hoa mận trắng e ấp chờ bung nở đón xuân, khiến cho khung cảnh miền biên cương càng trở nên tươi sắc.

Những ngày này gia đình bà Múi tràn ngập niềm vui trong ngôi nhà mới. Hơn nửa cuộc đời, ước mơ về một ngôi nhà vững chãi đã trở thành hiện thực với gia đình bà. Bà Múi phấn khởi: "Trước kia cả gia đình tôi 7 người ở trong ngôi nhà chỉ khoảng 40m2, xuống cấp, mỗi lần mưa bão là nơm nớp lo bay mái nhà. Là hộ nghèo bao năm nay, nên nhà mới với chúng tôi là ước mơ quá xa vời. Thế nhưng được sự quan tâm của chính quyền, sự ủng hộ của bà con, gia đình tôi đã quyết tâm xây căn nhà mới vững chắc, rộng rãi hơn. Đón Tết 2024 trong ngôi nhà mới đối với gia đình tôi chẳng còn gì hạnh phúc hơn, sẽ là một cái Tết đầm ấm. Có nhà mới, chúng tôi sẽ nỗ lực, chăm chỉ làm việc hơn, phấn đấu sang năm thoát nghèo".

Ảnh với chú thích
Cán bộ thôn Sông Moóc (xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu) đến thăm, chúc Tết gia đình bà Chíu Nhì Múi. 

Hộ ông Phạm Hữu Sóng (thôn 9, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) cũng về "nhà 12” hơn 2 tháng nay. Mọi người trong gia đình đang tất bật dọn dẹp nhà cửa, gói bánh chưng, làm cơm tất niên. Cái Tết đầu tiên trong ngôi nhà mới chưa quá đầy đủ về vật chất, nhưng giàu tinh thần. Khi nhận được thông tin gia đình nằm trong chương trình hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà ở dột nát của tỉnh, địa phương, ông Sóng rất vui và phấn khởi.

Ông Sóng tâm sự: “Làng quê tôi đang thay đổi từng ngày nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp. Đường sá được bê tông hóa, bà con phấn khởi làm ăn, xây nhà ở mới. Nghị quyết số 12 của tỉnh thực sự là chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân. Được hỗ trợ 80 triệu đồng và sự giúp đỡ của anh em, bà con làng xóm, gia đình tôi đã xây được ngôi nhà mới khang trang. Tết này nhìn con cháu quây quần bên mâm cơm tất niên trong ngôi nhà mới, tôi thực sự thấy xúc động. Cảm ơn sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền địa phương".  

Ảnh với chú thích
Gia đình ông Phạm Hữu Sóng (thôn 9, xã Quảng Minh, huyện Hải Hà) sum vầy bên mâm cơm vào nhà mới. 

Niềm vui nhà mới đến với hơn 400 hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở, hoàn thành kịp đón Tết Giáp Thìn. Với phương châm mọi người dân Quảng Ninh đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm qua, nhất là từ năm 2020 tới nay, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách riêng có về an sinh, phúc lợi xã hội. Chương trình xóa nhà ở tạm, nhà ở dột nát năm 2023 của tỉnh tiếp tục là một trong những chủ trương có ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 12 của Tỉnh ủy và chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về nội dung “nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”, góp phần hoàn thiện tiêu chí nhà ở dân cư trong xây dựng NTM. Toàn tỉnh đã huy động được gần 33 tỷ đồng, gần 9.000 ngày công, cùng nguyên vật liệu, hiện vật, quy ra tiền là hơn 4,5 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu xây mới, sửa chữa nhà ở cho 441 hộ theo kế hoạch đặt ra.

Mỗi năm qua đi, người dân trong tỉnh lại đón một cái Tết thêm đầm ấm, đủ đầy hơn. Người dân kỳ vọng, gửi gắm ước vọng đầu xuân về cuộc sống thêm no ấm, hạnh phúc. Niềm vui từ mỗi mái nhà góp phần nhân lên những đổi thay, phát triển trên mảnh đất Quảng Ninh thân yêu.

Cover

Được mùa, được giá, hạ tầng nông thôn khang trang, hiện đại, cảnh quan môi trường sạch đẹp, sáng, xanh, đời sống tinh thần cũng theo đó được nâng lên. Đó chính là cuộc sống mà mỗi người dân nông thôn Quảng Ninh đang thụ hưởng. Chuyện cơm ăn, áo mặc hằng ngày đã không còn là trăn trở, thay vào đó là làm sao cho cuộc sống ngày càng chất lượng hơn.  

Ảnh với chú thích
Cán bộ, người dân TP Hạ Long trồng cây, chung tay xây dựng nông thôn mới tại xã Kỳ Thượng. Ảnh: Hoàng Quỳnh.

Với lợi nhuận trên 3 tỷ đồng mỗi năm từ sản xuất, kinh doanh rượu mơ Yên Tử, ông Vũ Anh Tuấn (xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí) không giấu nổi niềm hạnh phúc khi trở thành một trong 100 nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2023 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh.

Từ một cơ sở nhỏ lẻ để sinh nhai ban đầu, nhờ bàn tay khối óc và tư duy đổi mới, áp dụng công nghệ vào chế biến, đến nay quy mô sản xuất rượu mơ Yên Tử của gia đình ông Tuấn ngày càng mở rộng. Cơ sở của ông hiện tạo việc làm cho 10 lao động thường xuyên và 30 lao động thời vụ, thu nhập từ 5-7 triệu đồng/người/tháng. Rượu mơ Yên Tử đã được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao của tỉnh. Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, gia đình ông Tuấn đã vận động nông dân địa bàn trồng mơ trên đất hoang hóa, đến nay đã phát triển được gần 7ha vùng nguyên liệu. Cơ sở của gia đình ông hiện bao tiêu quả mơ cho các vùng trồng ở Uông Bí, Đông Triều, Hạ Long.

Ảnh với chú thích
Ông Vũ Anh Tuấn (bên trái) là "Nông dân Việt Nam xuất sắc" năm 2023.

“Hạnh phúc với tôi không chỉ là danh hiệu nông dân Việt Nam xuất sắc, cũng không đơn thuần là lợi nhuận mang về mỗi năm, mà đó còn là việc nông sản quê hương ngày càng được vươn xa, nông dân thôn mình, xã mình ngày càng giàu có, ấm no hơn” - Ông Tuấn chia sẻ.

Còn đối với nông dân Lê Sĩ (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long), hạnh phúc chính là được gắn bó với nghề nông, được làm đẹp cho mọi nhà bằng những bông hoa do tay mình vun xới, chăm trồng. Anh Sĩ chia sẻ: "Vui nhất là dịp Tết, nhìn những chậu hoa rực nở, được mọi người đến đón đi, người làm nông như tôi phấn khởi lắm. Thấy giá trị mình mang lại chính là làm đẹp cho mọi nhà khi Tết đến, Xuân về. Năm nay thời tiết thuận lợi, hơn 2.000 chậu hoa hồng của tôi sẽ nở đúng dịp Tết Nguyên đán. Những ngày này tôi đang tích cực chăm sóc cho vườn hoa của mình thêm tươi, thêm đẹp để chờ đón khách hàng"

Ảnh với chú thích
Anh Lê Sĩ (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) chăm chút cho các chậu hoa bán Tết.

Với gia đình bà Đặng Thị Bình và gần 900 hộ dân thôn Hợp Thành (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên), hạnh phúc là nước sạch đã về đến tận sân nhà. Năm nay công trình Đập nước Khe San và hệ thống đường ống, bể chứa, bể lọc cấp nước sinh hoạt xã Phong Dụ được khánh thành, đi vào hoạt động, mang lại niềm hân hoan, phấn khởi cho người dân xã vùng cao. “Trước đây người dân chúng tôi dùng nước khe, suối để sinh hoạt. Mùa mưa thì đủ dùng, nhưng mùa khô thì hầu như nhà nào cũng thiếu nước. Năm nay xã, huyện đầu tư xây trạm nước, lại cho cả đường ống chảy đến tận nhà, ai ai cũng vui mừng. Hạnh phúc là đây chứ đâu xa, khi những nhu cầu thiết yếu của người dân được chính quyền quan tâm kịp thời” - Bà Bình chia sẻ. 

Ảnh với chú thích
Bà Đặng Thị Bình (xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên) phấn khởi khi được sử dụng nước sinh hoạt đến tận nhà.

Khi sinh nhai và những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống đã được đảm bảo, những nông dân thôn quê dành nhiều thời gian hơn để thụ hưởng cuộc sống. Khép lại một ngày cùng công việc đồng áng, bà Triệu Kim Thành cùng các chị em CLB dân vũ thôn Nà Bắp (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) lại gặp gỡ nhau bên tiếng nhạc rộn rã. Bà Thành cho biết: "Chúng tôi cùng nhau khiêu vũ, tập luyện. Ai nấy đều rất vui, không chỉ rèn luyện sức khỏe, mà còn là dịp để chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện với nhau sau một ngày lao động vất vả".

Ảnh với chú thích
Người dân xã Hải Đông (TP Móng Cái) giao lưu bóng chuyền hơi.

Chị Đỗ Thị Gấm (xã Hải Đông, TP Móng Cái), Chủ nhiệm CLB bóng chuyền hơi, chia sẻ: "Nông dân chúng tôi giờ đã khác xưa nhiều, không còn cảnh một nắng hai sương lo bữa cơm, tấm áo nữa. Nông dân thời đại mới, ngoài chuyện trồng cây lúa, cây khoai, nuôi con tôm, con lợn..., còn học hỏi, tiếp thu công nghệ, giao lưu văn hóa thể thao. Đó chính là cuộc sống của một nông dân hạnh phúc".

Niềm hạnh phúc có được sau mỗi điệu nhảy, mỗi trận cầu thêm gắn kết những người nông dân lại với nhau để cùng xây dựng một cộng đồng hạnh phúc. Ở những miền quê đáng sống đó, mỗi người nông dân từng ngày tiếp tục vun đắp, dựng xây bản, làng, thôn, xã ngày càng giàu có, phồn vinh hơn.

 

Ngày xuất bản: 9/2/2024
Thực hiện: Thu Chung - Lan Anh - Trúc Linh - Nguyên Ngọc
Trình bày: Mạnh Hà

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu