Tất cả chuyên mục

Chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm qua, hàng nghìn hài cốt liệt sĩ vẫn còn nằm đâu đó dưới lòng đất. Những người may mắn sống sót trở về vẫn luôn canh cánh nỗi lòng, nguyện ước quy tập đồng đội về nơi yên nghỉ. Tình đồng chí, đồng đội là động lực, là niềm tin và sức mạnh để họ nguyện vượt suối, băng rừng lên đường tìm kiếm, đưa các anh về với quê hương, gia đình, người thân…
17 năm đi tìm đồng đội
Ông Ngô Quang Chiều (SN 1952, xã Bình Khê, TX Đông Triều) đã 17 năm nay miệt mài đi tìm hài cốt đồng đội. |
Vào một buổi chiều tháng Tư lịch sử, chúng tôi đến thôn Đông Sơn, xã Bình Khê (TX Đông Triều) để gặp ông Ngô Quang Chiều (SN 1952), cựu binh đặc công hải quân Lữ đoàn 126. Trong ngôi nhà nhỏ, ấm cúng, người lính già, mái tóc đã bạc quá nửa đầu, đang tỉ mẩn ghi chép từng dòng chữ ra một cuốn sổ. Ông đang chuẩn bị mọi tư liệu, hành trang để tiếp tục hành trình tìm kiếm đồng đội vào ngày 25/4.
Ông Chiều sinh ra và lớn lên tại vùng đất Đệ tứ Chiến khu Đông Triều. Tháng 1/1970, ông nhập ngũ, được biên chế vào Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126, đến tháng 10/1970, được điều động vào đơn vị HB18 thuộc Mặt trận Quân khu 5 (Quảng Ngãi) để thực hiện nhiệm vụ đón đoàn tàu không số. Năm 1972, ông tiếp tục vào đơn vị C170 thuộc Mặt trận Quân khu 4 (Đà Nẵng) để làm nhiệm vụ đánh tàu, cầu cảng… Trực tiếp tham gia các trận chiến, ông Chiều là người thấm thía nỗi đau của chiến tranh, tận mắt chứng kiến đồng đội hy sinh, tận tay chôn cất và đặt bia tên cho 9 đồng đội của mình.
Ông Chiều tâm sự: “Trong suốt những năm tháng hòa bình, tôi luôn trăn trở, liệu những đồng đội hy sinh năm xưa đã được tìm thấy và đưa về quê hương? Do điều kiện còn khó khăn, đến năm 2000 nghỉ hưu, tôi mới có điều kiện trở lại chiến trường xưa ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Bình Định… để xác định các vị trí đồng đội hy sinh. Với trí nhớ của mình, tôi ghi chép chi tiết tên tuổi, quê quán của đồng đội tôi ở đơn vị HB18 và C170 đã hy sinh vào một cuốn sổ, thống kê người nào được hay chưa được đưa về quê nhà.
Với ông Chiều, mỗi con chữ trong cuốn sổ đã ngả vàng ấy như máu thịt, là tấm bản đồ quý giúp ông tìm kiếm đồng đội. 17 năm nay, ông băng rừng, vượt núi từ Bắc vào Trung, đưa hài cốt đồng đội trở về với quê hương. “Mình trở về sau chiến tranh là một may mắn, trong khi nhiều đồng đội phải nằm lại ở những vùng núi rừng xa xôi, nên phải cố gắng tìm kiếm đón đồng đội về...” - Ông Chiều bùi ngùi.
![]() |
Ngày 28/1/2019, tại Trung đoàn 42 (Đoàn KT-QP 327) Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh và BCĐ 515 tỉnh tổ chức Lễ truy điệu và an táng 23 hài cốt liệt sĩ hy sinh tại nhà tù Khe Tù (huyện Tiên Yên). Ảnh: Hoàng Giang |
Ðến nay, 9 hài cốt của đồng đội đã được ông đưa về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ của xã, huyện. Trong tất cả các cuộc tìm kiếm, khó khăn nhất là hành trình tìm đồng đội Ngô Văn Phiệt cùng quê Đông Triều. Liệt sĩ Phiệt hy sinh năm 1974 tại Bình Định, được chôn ngay trong vườn nhà dân. Năm 2000, ông Chiều vào tìm kiếm, khu vực này đã có nhiều thay đổi, vườn cũng đã bị san phẳng, nên khó xác định vị trí ngôi mộ. Ông Chiều kể: “Tôi cùng một đồng đội ở Đà Nẵng khoác balô, hành trang là mì tôm và nước suối để vào Bình Định tìm đồng đội. Chúng tôi tới vị trí đã xác định trước, mượn cuốc xẻng đào bới trong 1 tuần. Lúc đó, nhiều người không hiểu cho rằng chúng tôi đang đào trộm vàng, nên 2 anh em ban ngày mắc võng ở vườn ngủ, ban đêm mới hì hục cuốc đất tìm kiếm. Khi đào thấy một chiếc võng và con dao đặc công nước, chúng tôi reo lên như đứa trẻ: “A! Nó đây rồi!”. Và 2 anh em ngồi đó khóc. Lúc đó, hài cốt Phiệt mắc trong 1 túi nilon, sau gần 30 năm, thi thể vẫn chưa phân hủy hết, chúng tôi phải bóc tách để đưa đồng đội về quê…”.
Kể đến đây, những giọt nước mắt thương cảm đồng đội lại trào ra trên khóe mắt người lính già. Sau 17 năm, ông vẫn đang tiếp tục chuẩn bị cho những hành trình ngày đêm băng rừng, vượt suối để tìm đồng đội. Công việc âm thầm đó, với ông vừa là trách nhiệm, vừa là lời tri ân cho những hy sinh, mất mát của các đồng chí, đồng đội đã nằm lại nơi chiến trường để cho dân tộc có ngày hôm nay.
Hành trình dài tiếp tục…
![]() |
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh tìm hài cốt liệt sĩ tại Khe Tù (huyện Tiên Yên), tháng 1/2019. |
Không chỉ những đồng đội vào sinh ra tử cùng một chiến trường, mà những người lính thế hệ sau cũng luôn trăn trở, đau đáu, tìm kiếm phần mộ hài cốt của các liệt sĩ. Đầu năm 2019, sau gần 1 tháng tìm kiếm, Đội Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ (Bộ CHQS tỉnh) đã tìm thấy 23 hài cốt liệt sĩ tại Di tích nhà tù Khe Tù (huyện Tiên Yên). Đây là nhà tù do thực dân Pháp xây dựng, có 1 máy chém để hành hình các tù nhân cách mạng, tù chính trị; có hầm chứa xác. Tỉnh đã tổ chức Lễ truy điệu và an táng các hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tiên Yên.
CBCS Đội Tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ kể về cuộc tìm kiếm: Dựa vào nguồn thông tin người dân cung cấp, cùng với việc tra cứu dữ liệu, hồ sơ, bản đồ, khảo sát địa hình, Đội gồm 41 CBCS, bắt tay vào tìm kiếm. Ngay ngày đầu tiên, Đội đã phát hiện và tìm được một ngôi mộ tập thể có 10 hài cốt. Các CBCS không khỏi đau đớn khi tìm thấy những hố chôn tập thể, nhưng cũng vui mừng khôn xiết khi tìm được hài cốt đồng đội, với những mảnh xương vỡ, những chiếc cùm chân còn nguyên vẹn…
![]() |
Sau Lễ truy điệu, hài cốt của các liệt sĩ hy sinh tại Khe Tù được lãnh đạo tỉnh, đồng đội và nhân dân huyện Tiên Yên thành kính đưa về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Tiên Yên, tháng 1/2019. |
Trung tá Vũ Quang Trà, Trợ lý Tuyên huấn Ban CHQS huyện Tiên Yên, là người tận tay sắp xếp cẩn thận từng bộ hài cốt liệt sĩ, chia sẻ: Đến ngày thứ 2, hành trình tìm kiếm lại như “mò kim đáy bể”. Chúng tôi đành kết thúc công việc mà chưa có kết quả như mong đợi. Sang ngày thứ 3, chúng tôi di chuyển địa điểm tìm kiếm, chuyển lên gò đất cao hơn. Sau gần 2 giờ đồng hồ đào bới, cuối cùng đã phát hiện thêm một phần di cốt của liệt sĩ. Những mảnh xương vụn nằm xen kẽ giữa các lớp đất, xung quanh còn nhiều di vật đồ dùng cá nhân, thuốc chữa bệnh, tăng võng, dầu, giày bộ đội, cúc áo… Sau nửa tháng, 23 hài cốt lần lượt được tìm thấy. Các thành viên của Đội kính cẩn phủ lá cờ đỏ sao vàng, cẩn thận khâm liệm các hài cốt.
"Chiến tranh kết thúc, đến nay các dấu vết tại Khe Tù dường như bị xoá và công việc tìm kiếm không hề dễ dàng. Biết rằng sẽ khó khăn nhưng chúng tôi chưa một lần nhụt chí, mà luôn tâm niệm mình phải có trách nhiệm với thế hệ đi trước, với những đồng đội đã hy sinh xương máu cho nền độc lập của đất nước" - Đại tá Trần Khắc Xung, Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ CHQS tỉnh, xúc động nhớ lại.
Chiến tranh đã kết thúc, song đến nay vẫn còn nhiều hài cốt liệt sĩ nằm đâu đó trong lòng đất mẹ. Dù có phải vượt suối, băng rừng, hành trình đi tìm và đón các anh trở về vẫn đang tiếp tục, dù chỉ với một hy vọng mong manh. Bởi thêm một hài cốt được tìm thấy là thêm một niềm hy vọng đối với thân nhân các liệt sĩ.
Trúc Linh
Ý kiến ()