Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 18/11/2024 20:17 (GMT +7)
Hành trình lan tỏa của tín dụng chính sách
Thứ 2, 19/09/2022 | 10:39:00 [GMT +7] A A
Những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Ninh hiện có sự thay đổi kỳ diệu. Những mảnh ruộng hoang hóa trước kia, nay được khoác lên màu vàng của vườn cây trĩu quả. Những đồi núi trọc nay được phủ màu xanh của cánh rừng trù phú... Đó là thành quả của chặng đường 20 năm nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội thông qua triển khai Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ "Về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác" trên địa bàn tỉnh.
Những minh chứng sống động
Chúng tôi đến thăm vườn ươm cây giống của hộ anh Triệu Quay Phúc (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ). Dọc con đường quanh co từ trung tâm huyện Ba Chẽ tới nhà anh, ánh nắng vàng nhảy nhót trên những cánh rừng, cơn gió nhẹ thoảng đưa mùi thơm của hoa giổi, hoa quế… Chúng tôi gặp anh khi anh đang tất bật xuất bán cây giống cho thương lái.
Nhìn cơ ngơi của anh Phúc hôm nay, ít ai nghĩ được rằng anh từng là hộ nghèo nhất của xã. Ngày ấy, anh chẳng dám mơ đến cánh rừng trù phú, nhà cao cửa rộng, cuộc sống đủ đầy. Anh chỉ mong trời đừng làm mưa to, gió lớn để gia đình anh có thể yên ổn trồng củ khoai, cây lúa, kiếm cái ăn, cái mặc qua ngày. Thế rồi, nguồn vốn tín dụng chính sách cho vay hộ nghèo đã mang tới cho gia đình anh cơ hội đổi đời. Bao vốn liếng được vay từ các chương trình tín dụng chính sách trong hơn 15 năm qua được anh đầu tư nuôi bò, trồng rừng, làm vườn ươm cây giống. Giờ đây, gia đình anh không chỉ thoát nghèo, mà còn có của ăn của để, ổn định cuộc sống, từng bước làm giàu.
Anh Phúc kể: Thông qua Hội Nông dân xã, năm 2005 anh mạnh dạn vay 10 triệu đồng từ chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo, đầu tư mua 5 con bò sinh sản để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ chăm chỉ, chịu khó, đàn bò phát triển tốt, mang lại thu nhập ổn định, anh trả được hết nợ vốn vay. Nhận thấy hiệu quả của vốn tín dụng chính sách, anh tiếp tục vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay sản xuất, kinh doanh vùng khó để trồng 30ha rừng. Rừng trồng đến kỳ khai thác, anh xây được ngôi nhà khang trang, trả nợ cho ngân hàng. Hiện anh vay thêm 150 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH để trồng rừng gỗ lớn từ cây bản địa, làm vườn ươm. Qua đó, không chỉ tạo thu nhập cho gia đình, mà còn giải quyết việc làm cho 5-10 lao động ở địa phương. Năm 2021, gia đình anh còn mua được ô tô tải để phục vụ sản xuất.
Câu chuyện của anh Phúc chỉ là một trong số hàng nghìn hộ dân đã và đang dần đổi đời từ nguồn vốn tín dụng chính sách. Thông qua nguồn vốn này, người dân đã từng bước thay đổi tư duy về sản xuất, cách thức làm ăn, phát triển kinh tế. Những khoản vay ưu đãi không chỉ đồng hành cùng người dân trong hành trình thoát nghèo, nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng, mà còn viết tiếp ước mơ tới trường, trau dồi kiến thức, có thêm cơ hội việc làm cho nhiều học sinh, sinh viên.
Trải qua một tuổi thơ cơ cực, anh Bùi Đức Tiến (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) luôn có niềm mơ ước cháy bỏng được trở thành giáo viên. Anh đã không ngừng nỗ lực và thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Gánh nặng về chi phí học tập đã từng khiến cho cánh cửa giảng đường đại học của anh tưởng chừng phải khép lại. May mắn, anh được tiếp cận nguồn vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, đã giúp anh hoàn thành ước mơ của mình. Tốt nghiệp đại học, anh tình nguyện về dạy học ở quê hương, công tác tại Trường THCS Đồng Tiến. Thầy giáo trẻ Bùi Đức Tiến đang từng ngày truyền dạy tri thức cho học trò huyện đảo, góp phần mang lại nhiều thành tích giáo dục đáng tự hào cho nhà trường, ngành Giáo dục huyện Cô Tô.
Thầy giáo Bùi Đức Tiến cho biết: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo của xã. Năm 2006, khi nhận được giấy báo trúng tuyển Đại học Sư phạm Hà Nội, tôi vừa mừng, vừa lo. Mừng bởi ước mơ trở thành giáo viên đã sắp thành hiện thực, lo bởi không biết lấy tiền đâu trang trải chi phí học tập, sinh hoạt, đi lại ở thành phố. Trong lúc khó khăn đó, nguồn vốn tín dụng chính sách với thời gian cho vay dài, lãi suất thấp thực sự là cứu cánh cho tôi. Nguồn vốn đã giúp cho những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn như tôi hoàn thành ước mơ tới trường, đến giảng đường đại học, tiếp tục nâng cao trình độ, có được việc làm ổn định...".
Bức tranh tín dụng chính sách của Quảng Ninh đã góp phần làm đẹp thêm một chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách.
Vì mục tiêu giảm nghèo bền vững
Trong quá trình phát triển, vấn đề giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân luôn được tỉnh Quảng Ninh xác định là một nhiệm vụ quan trọng. Song không cho không, không làm thay, không làm hộ, ngân sách sẽ chỉ cho vay để “tạo đà” thúc đẩy sản xuất. Đó chính là phương châm của Quảng Ninh nhằm thổi bùng khát vọng làm giàu của người dân. Để thực hiện phương châm này, nguồn vốn tín dụng chính sách đóng vai trò quan trọng.
Với nền móng đầu tiên là 2 chương trình tín dụng cho vay hộ nghèo và cho vay giải quyết việc làm từ năm 2002, đến nay, tỉnh đang triển khai 20 chương trình tín dụng với tổng dư nợ đạt trên 3.745 tỷ đồng, gấp 21,1 lần so với năm 2002. Nguồn vốn tín dụng đã giúp cho 73.774 hộ thoát nghèo, tạo việc làm cho 195.800 lao động; 27.603 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; đầu tư 431.821 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn; xây 6.769 căn nhà cho các hộ nghèo và hộ chính sách... Giai đoạn 2001-2005 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 10,22%, đến nay chỉ còn 0,14%.
Những kết quả có được là từ sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh hoạt động tín dụng chính sách xã hội, trong đó có vai trò quan trọng của ban đại diện hội đồng quản trị (HĐQT) ngân hàng CSXH các cấp. Từ năm 2015, ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH cấp huyện đã bổ sung chủ tịch UBND cấp xã làm thành viên. Sự tham gia của chủ tịch UBND cấp xã đã góp phần nâng cao vai trò quản lý của nhà nước, khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu, giúp việc triển khai tín dụng chính sách đạt hiệu quả. Mô hình ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH các cấp đã thực sự phát huy được sức mạnh, hiệu quả, ý nghĩa.
Ông Nguyễn Văn Hoài, Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Yên, cho biết: Thời gian qua, ban đại diện HĐQT ngân hàng CSXH các cấp trên địa bàn huyện đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương cùng cấp giải quyết các khó khăn, vướng mắc cũng như tạo điều kiện cho ngân hàng trong triển khai tín dụng chính sách về cơ sở, trụ sở làm việc, địa điểm, thời gian, an ninh. Đồng thời, bố trí nguồn vốn từ ngân sách huyện ủy thác cho ngân hàng CSXH; chỉ đạo các tổ chức chính trị - xã hội và chính quyền địa phương tích cực phối hợp triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng; tích cực gắn kết giữa thực hiện các chỉ tiêu của chương trình mục tiêu quốc gia với hoạt động tín dụng chính sách.
Đặc biệt, từ năm 2014 đến nay, Quảng Ninh triển khai hiệu quả Chỉ thị số 40-CT/TW (ngày 22/11/2014) của Ban Bí thư Trung ương Đảng "Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác tín dụng chính sách xã hội". Qua đó tiếp tục tạo chuyển biến căn bản từ nhận thức đến hành động của cấp ủy, chính quyền trong việc phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của tín dụng chính sách xã hội. Cùng với nguồn vốn của trung ương, tỉnh và các địa phương đã bố trí 651,2 tỷ đồng nguồn vốn ngân sách ủy thác qua ngân hàng CSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, tăng 18,8 lần so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, bình quân mỗi năm bổ sung 81,1 tỷ đồng.
Nhìn lại chặng đường 20 năm thực hiện Nghị định số 78/2022/NĐ-CP, Quảng Ninh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, nhanh chóng đưa tín dụng chính sách xã hội đi vào cuộc sống, trở thành một nguồn lực to lớn góp phần hiện thực hóa mục tiêu "Không để ai bị bỏ lại phía sau".
Cao Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()