Tất cả chuyên mục

Trong và sau cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có rất nhiều chuyện kỳ lạ xảy ra chưa giải thích được. Ví như cho tới nay, người ta vẫn không thể cắt nghĩa được vì sao liệt sĩ Lê Văn Huỳnh, quê ở xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương (Thái Bình) lại dự cảm được chính xác ngày và hoàn cảnh anh hy sinh, nơi chôn cất… trong lá thư anh viết về cho gia đình trước đó 3 tháng (hiện trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Và, chuyện “trở về” của liệt sĩ Phạm Bá Cá cũng nằm trong vô số câu chuyện kỳ lạ như thế.
Từ cuộc gặp tình cờ với cựu chiến binh Thành cổ
Một ngày cuối tháng 7/2018, nhân chuyến công tác miền Trung, chúng tôi có dịp trở lại viếng thăm Thành cổ Quảng Trị. Bên quán cà phê “cóc” gần cổng thành, trong lúc tôi - tác giả bài viết cùng nhà báo Minh Trụ (Chi hội Nhà báo cao tuổi tỉnh) đang trao đổi về bức ảnh nổi tiếng “Nụ cười Thành cổ” của Đoàn Công Tính trưng bày trong Bảo tàng Thành cổ thì có 1 người đàn ông chạc hơn 60 tuổi từ bàn bên kéo ghế đến góp chuyện. Ông cho biết, mình chính là người đã đưa tác giả Đoàn Công Tính vào Thành cổ để chụp bức ảnh đó trong những ngày mùa hè đỏ lửa ở Quảng Trị năm 1972.
![]() |
CCB Nguyễn Thanh Bình - người đã giúp chị Huyền rất nhiều trên hành trình tìm mộ bố. |
Người đàn ông đó chính là ông Nguyễn Thanh Bình - người cựu chiến binh đã tham gia chiến dịch 81 ngày đêm ác liệt ở Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Gần 40 năm qua, ông Bình đã bỏ bao công sức, vật chất cho việc tìm hài cốt đồng đội. Đến nay, ông Bình đã tìm kiếm được hơn 100 hài cốt liệt sĩ, trong đó phần nhiều là có tên, địa chỉ được gia đình đưa về quê nhà an táng. Căn nhà riêng ở số 23, đường Ngô Thì Nhậm, TX Quảng Trị của ông Bình từ lâu đã là địa chỉ quen thuộc cho những gia đình đi tìm mộ liệt sĩ đến chia sẻ, tìm kiếm thông tin.
Biết chúng tôi ở Quảng Ninh, ông Bình cho biết ông cũng đã tham gia giúp 1 cô gái ở Quảng Ninh tìm được bố mình. Người liệt sĩ ấy được tìm thấy một phần bởi tình cảm thiêng liêng, quyết tâm cháy bỏng tìm hài cốt cha hy sinh của cô gái, một phần bởi ý muốn “trở về” của liệt sĩ khi ông tự báo mộng, chỉ đường cho người nhà và đồng đội vào tận nơi mình hy sinh. Ông Bình bảo, chuyện ấy lạ mà không hiếm, gần đây ông cũng đã chứng kiến 1 thanh niên ở Tuyên Quang cũng được bác mình báo mộng dẫn lối để vào Quảng Trị đưa hài cốt về.
Tấm lòng hiếu thảo của con gái liệt sĩ
Trở về từ chuyến công tác, tôi đã gọi điện liên hệ và tìm đến gia đình chị Phạm Thị Huyền - người con gái đã tìm được hài cốt cha mình như lời ông Bình kể.
Tiếp tôi tại nhà riêng ở tổ 3, khu Trung Sơn, phường Cẩm Sơn (Cẩm Phả), chị Huyền kể, quê chị ở xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Tháng 11/1971, bố chị - ông Phạm Bá Cá khi ấy 24 tuổi, dù nhà thuộc diện chính sách nhưng ông vẫn xung phong lên đường đi bộ đội, biên chế thuộc Sư đoàn 304. Chưa đầy 1 năm sau ngày nhập ngũ, giấy báo tử gửi về gia đình báo ngày ông hy sinh là 22/6/1972 tại chiến trường Quảng Trị. Khi ấy, cô con gái duy nhất của ông là chị Huyền bấy giờ mới 11 tháng tuổi.
![]() |
Chị Phạm Thị Huyền và anh Nguyễn Văn Mí - tài xế, người đã chứng kiến từ đầu đến cuối câu chuyện tìm bố cảm động của chị Huyền. |
Mặc dù mẹ không đi bước nữa, ở vậy thờ chồng nhưng tuổi thơ của chị Huyền cũng trải qua nhiều vất vả, lúc ở với ông bà, lúc ở với chú. Những năm 20 tuổi, Huyền đã phải ra Quảng Ninh gánh than kiếm sống, rồi chị quyết tâm đi học đại học, xin vào làm tại các đơn vị ngành Than, hiện giờ là kế toán Công trường khai thác I, Công ty CP Than Mông Dương.
Ngay từ lúc lớn lên, dù chưa được nhìn thấy bố nhưng ngay cả lúc khó khăn nhất, chị Huyền cũng tâm niệm phải tìm bằng được hài cốt của bố đưa về quê hương.
Chị Huyền kể, chị đã nhiều lần một mình lặn lội đi vào các nghĩa trang ở Quảng Trị để tìm bố nhưng không thấy. Cho đến một lần, chị cùng với người thân đến nhà một cô đồng H. ở Cầu Nguyệt, Kiến An (Hải Phòng) gọi “rí” bố thì liệt sĩ Cá đã nhập hồn vào chị họ đi cùng báo cần vào Quảng Trị đưa bố về.
Theo lời chỉ dặn của liệt sĩ Cá, gia đình chị Huyền làm lễ nhà thờ (gia đình chị Huyền theo đạo Công giáo - TG) và bàn chuyện vào Quảng Trị.
Hành trình liệt sĩ “trở về”
Để tôi rõ hơn hành trình tìm bố, chị Huyền mời anh Nguyễn Văn Mí, 46 tuổi, nhà ở tổ 5, phường Cẩm Thịnh (Cẩm Phả) là người gia đình đã thuê xe vào Quảng Trị tìm bố đến cùng nói chuyện.
Vậy là, một ngày cuối tháng 10 âm lịch năm 2011, chị Huyền cùng gia đình lên đường vào Quảng Trị. Thành phần đoàn đi gồm 6 người đều do liệt sĩ Cá báo mộng chọn, trong đó đáng chú ý có ông Khiệu, cựu chiến binh cùng quê Tiên Lãng và là người chứng kiến liệt sĩ Phạm Bá Cá và đồng đội hy sinh (sau chuyến đi này, ông Khiệu đã quay lại tìm được 2 hài cốt đồng đội cùng đơn vị đưa về quê, đáng tiếc, do bệnh hiểm nghèo, ông Khiệu vừa mới mất đúng ngày 27/7/2018).
Đến Đông Hà, cảnh vật thay đổi, ông Khiệu chỉ nhớ mang máng căn hầm nơi liệt sĩ Cá hy sinh là gần sông Mỹ Chánh, có cây cầu sắt… Khi cả đoàn tìm mãi chưa ra thì liệt sĩ Cá lại thông qua 1 thành viên trong đoàn kéo tay chị Huyền và cả đoàn lên xe đi thêm 1km nữa, rẽ vào thôn Như Sơn, xã Hải Sơn, huyện Hải Lăng (Quảng Trị), tới đúng cổng nhà ông Nguyễn Bồng thì dừng lại, chỉ vào ven tường rào nói đây là nơi các liệt sĩ đã hy sinh.
Tìm được chỗ rồi, theo “chỉ đạo” của liệt sĩ Cá, cả đoàn quay về thị xã nghỉ ngơi. Sáng hôm sau, nhận được báo cáo của gia đình, lãnh đạo xã Hải Sơn đã cử người, đoàn thanh niên xuống khai quật, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Biết tin, ông Bình cũng từ thị xã xuống từ sáng sớm hỗ trợ.
![]() |
Di ảnh liệt sĩ Phạm Bá Cá. |
Ông Bình thắp hương khấn. Liệt sĩ Cá tiếp tục thông qua chị gái của Huyền chỉ rõ mộ nơi nào là đầu, nơi nào chân và cho biết trong vườn nhà ông Bồng còn có 6 liệt sĩ nữa, trong đó có 1 người tên Hiệu, quê ở xã Quang Phục, cùng huyện Tiên Lãng. Tất cả đã trúng bom Mỹ, ông Cá và 5 người hy sinh ngày 22/6/1972, riêng ông Hiệu trúng thương ở đùi đến hôm sau mới hy sinh. 5 người còn lại đều là chiến sĩ mới về đơn vị, chưa kịp biết tên nhau thì đã hy sinh. Liệt sĩ Cá cũng “chỉ” tận nơi vị trí mộ liệt sĩ Hiệu nằm cạnh cái giếng cũ trong vườn nhà ông Bồng.
Ông Khiệu kể, trong trận bom ấy, ông bị thương vào chân, bò lên khỏi hầm và ngất đi, sau đó được đưa về tuyến sau cứu sống. Chiến trận ác liệt, bom đạn cày xới vùi lấp nên đồng đội không phát hiện các liệt sĩ hy sinh để đưa tử thi về tuyến sau.
Đào xuống một lát, liệt sĩ Cá lại nhập qua chị họ của chị Huyền nắm lấy tay ông Bồng cho biết, mấy chục năm qua, các liệt sĩ luôn phù hộ gia đình, duy có xin lỗi vì đã làm chết 1 cây dừa do gia đình trồng lên đúng đầu ông. Ông Bồng xác nhận và mọi người giật mình vì đào xuống 0,6m thì quả đúng có 1 gốc dừa. Tiếp đó, tìm thấy 1 bát ăn cơm, quai dép cao su, đoạn xương vai, 1 mảnh bom… Liệt sĩ Cá cho biết, đó là mảnh bom đã trúng vào má ông.
![]() |
Ngày ngày, có rất nhiều người viếng thăm Thành cổ Quảng Trị, tưởng nhớ công ơn các anh hùng, liệt sĩ. |
Anh Mí kể, trên đường trở về, buổi tối đến Sầm Sơn (Thanh Hoá), qua ánh đèn pha, anh cùng mọi người nhìn rõ cột cây số ghi lối rẽ quốc lộ 10 còn bao xa, cung đường này anh thuộc nằm lòng, ấy vậy nhưng không hiểu sao chạy một lúc lại thẳng xuống Sầm Sơn. Loanh quanh một hồi lâu mới tìm được đúng đường. Bấy giờ, chị họ của chị Huyền ngồi trên xe mới thủng thẳng: Đi chơi một tý đã sao. Mọi người chợt hiểu…
Sau lễ truy điệu trang trọng của chính quyền và người dân quê hương, hài cốt liệt sĩ Phạm Bá Cá đã được an táng trang trọng tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng (Hải Phòng). Huyền rớm nước mắt cho biết, chị vẫn day dứt vì còn đó những hài cốt các đồng đội của bố còn nằm lại vườn nhà ông Bồng mà chưa được trở về quê hương. Đặc biệt là trường hợp của liệt sĩ Hiệu. Ông hy sinh khi chưa có vợ con. Ông Cá nhiều lần báo mộng cho chị Huyền biết liệt sĩ Hiệu tha thiết muốn về quê.
Tôi liên lạc với ông Nguyễn Bồng (số điện thoại 01699131631), từ đầu dây bên kia, ông Bồng xác nhận câu chuyện tìm mộ liệt sĩ Cá. Ông Bồng cho biết vào ngày rằm, đầu tháng, gia đình vẫn nhang khói các liệt sĩ hy sinh còn nằm lại trong vườn nhà. Giống như chị Huyền, ông Bồng mong hài cốt các liệt sĩ sẽ sớm được quy tập, trở về quê hương.
Trần Minh
Ý kiến (0)