Tất cả chuyên mục

Ngay từ những ngày đầu Mỹ leo thang chiến tranh phá hoại miền Bắc, Quảng Ninh - vùng đất đầu sóng ngọn gió của Tổ quốc - đã trở thành mặt trận khốc liệt, nơi quân và dân ta kiên cường đứng vững trước những đòn tấn công ác liệt từ không quân và hải quân Mỹ. Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, nhân dân Quảng Ninh đã góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của miền Bắc, làm nên một bản hùng ca trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Ngày 5/8/1964 đánh dấu lần đầu tiên không quân của đế quốc Mỹ mở cuộc tập kích vào miền Bắc. Trận “thử lửa” này đã biến thị xã Hòn Gai (nay là TP Hạ Long) thành chiến trường ác liệt. Nhưng chính tại đây, quân và dân Quảng Ninh đã lập nên kỳ tích: bắn rơi 3 máy bay Mỹ, bắt sống tên giặc lái đầu tiên trên miền Bắc. Chiến thắng mở màn ấy không chỉ khơi dậy tinh thần yêu nước, mà còn chứng minh khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang địa phương, đặt nền móng cho thế trận phòng không nhân dân vững chắc.
Ngay sau đó, ngày 7/8/1964, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị toàn quốc về công tác phòng không. Tỉnh ủy Quảng Ninh lập tức ra Nghị quyết (15/8/1964), chỉ đạo triển khai các biện pháp cấp bách, xây dựng thế trận phòng không nhân dân toàn diện, huy động toàn dân vào cuộc.
Đầu năm 1965, đế quốc Mỹ tiếp tục sử dụng không quân và hải quân bắn phá miền Bắc với quy mô ngày càng rộng lớn và ác liệt, nhằm ngăn chặn sự chi viện của nhân dân miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, đồng thời khủng bố tinh thần, làm giảm ý chí kháng chiến của nhân dân miền Bắc, hòng buộc hai miền Nam – Bắc phải chấp nhận kết thúc chiến tranh theo điều kiện có lợi cho chúng.
Trước tình hình đó, ngày 2/9/1965, Tỉnh ủy Quảng Ninh tiếp tục ra Chỉ thị về công tác phòng không, sẵn sàng chiến đấu, nêu rõ: các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo công tác quân sự, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan quân sự địa phương thực hiện nghiêm Nghị quyết quân sự của Tỉnh ủy. Đồng thời chỉ đạo các ngành tích cực phối hợp, hỗ trợ cơ quan quân sự trong việc xây dựng lực lượng dân quân, tự vệ, xây dựng phương án tác chiến và hợp đồng chiến đấu chặt chẽ, kiên quyết đánh bại âm mưu, hành động tấn công bằng đường không, đường biển và âm mưu tung gián điệp, biệt kích xuống địa bàn tỉnh.
Thực hiện Chỉ thị của Tỉnh ủy, các cấp ủy địa phương, các đơn vị sản xuất, cơ quan đóng trên địa bàn tỉnh đã nhanh chóng triển khai xây dựng và củng cố lực lượng dân quân, tự vệ. Đến năm 1968, lực lượng dân quân, tự vệ toàn tỉnh đã lên tới 10.447 người, được trang bị 200 khẩu pháo 12,7mm và nhiều loại súng bộ binh khác. Một số địa phương còn xây dựng tiểu đội dân quân phụ lão (gọi là “Bạch đầu quân”) như xã Ngọc Vừng, huyện Cẩm Phả, thị xã Uông Bí...
Được sự giúp đỡ của cơ quan quân sự, lực lượng dân quân, tự vệ đã xây dựng được 3 đại đội pháo cao xạ 37mm. Cùng với đó, bộ đội phòng không tại địa phương cũng được khẩn trương củng cố. Tiểu đoàn pháo cao xạ 217 phát triển thành trung đoàn bảo vệ Hòn Gai; Trung đoàn pháo cao xạ 243 chốt giữ khu vực Uông Bí; Tiểu đoàn 237 bảo vệ khu vực Cửa Ông. Quân chủng Phòng không – Không quân cũng điều động 2 trung đoàn tên lửa và 2 trung đoàn pháo cao xạ về hỗ trợ Quảng Ninh.
Trên tuyến đảo, Quân khu Đông Bắc chia thành 5 đơn vị phòng thủ với 6 đại đội pháo cao xạ sẵn sàng phối hợp cùng lực lượng vũ trang tỉnh. Tháng 7/1965, Bộ Tư lệnh Hải quân triển khai đội hình chiến đấu trên biển. Các tàu thuyền thuộc căn cứ Bãi Cháy được phân tán ra các đảo trên vịnh Hạ Long và Bái Tử Long, sẵn sàng tác chiến. Dọc bờ biển từ Hòn Gai đến Cẩm Phả, 20 tàu chiến thuộc các phân đội 2, 3, 6, 7, 100 neo đậu cách bờ 2.000–3.000m để đánh địch. Nhiều biên đội còn bố trí đánh chặn tại các luồng lạch. Các hợp tác xã đánh cá được trang bị vũ khí, tổ chức thành các hải đội vừa đánh bắt, vừa phối hợp đánh địch khi chúng xâm phạm vùng biển nước ta, đồng thời săn lùng biệt kích khi địch đột nhập vào đất liền.
Lực lượng vũ trang ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, tự vệ đã được củng cố vững chắc, thường xuyên phối hợp huấn luyện, diễn tập tác chiến, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động liều lĩnh của đế quốc Mỹ xâm phạm vùng trời, vùng biển tỉnh nhà.
Hệ thống trận địa pháo phòng không và tên lửa được khẩn trương xây dựng. Nhân dân các địa phương như Hòn Gai, Cẩm Phả, Uông Bí đã đóng góp hàng nghìn ngày công đào hào, xây trận địa, phục vụ chiến đấu. Đồng bào các dân tộc huyện Ba Chẽ có sáng kiến dùng trâu kéo pháo lên đồi cao cho bộ đội. Các đài quan sát máy bay, thủy lôi được bố trí trên dãy núi ven vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Hệ thống báo động, vọng gác phòng không được thiết lập. Một số xí nghiệp ngành than còn sáng tạo dùng còi ô tô và bình ắc quy để làm còi báo động.
Từ ngày 5/8/1964 đến hết năm 1965, quân và dân Quảng Ninh đã bắn rơi 45 máy bay Mỹ. Cuối năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân dân Đông Bắc cờ thưởng luân lưu với dòng chữ: “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.
Tháng 8/1966, Quảng Ninh bị đánh phá ác liệt nhất trong năm. Các địa điểm bị đánh nhiều nhất gồm thị trấn Hà Tu, Bãi Cháy, Nhà Sàng, cầu 20 ở Cửa Ông, mỏ Cọc 6. Hưởng ứng lời kêu gọi của Bác Hồ với khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quân và dân Quảng Ninh chiến đấu gan dạ, dũng cảm, bắn rơi 28 máy bay Mỹ. Trong tháng 8/1966, Quảng Ninh là địa phương bắn rơi nhiều máy bay nhất miền Bắc. Dân quân xã Xuân Sơn (huyện Đông Triều) lập công bắn rơi chiếc máy bay thứ 100. Ngày 19/8/1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư khen, viết: “Bác rất hoan nghênh và thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ khen ngợi đồng bào, bộ đội và cán bộ tỉnh ta. Quân và dân Quảng Ninh hãy phát huy truyền thống anh hùng của đất Mỏ, luôn đoàn kết chặt chẽ, nâng cao cảnh giác, đánh tan mọi âm mưu, tội ác của giặc Mỹ, lập nhiều thành tích chiến đấu và sản xuất to lớn hơn nữa”.
Trong 4 năm chiến tranh phá hoại lần thứ nhất, quân dân Quảng Ninh đã bắn rơi 170 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái, bắn bị thương nhiều chiếc khác. Năm 1967, Đảng bộ và nhân dân tỉnh được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đại đội tự vệ Nhà sàng Cửa Ông và anh hùng tiễu phỉ Lý A Coỏng (huyện Đầm Hà) được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những năm tháng hào hùng ấy vẫn in đậm trong ký ức người dân Quảng Ninh. Đó là bản lĩnh, là khí phách, là tình yêu nước sắt son của vùng đất Mỏ kiên cường. Hào khí ấy sẽ mãi là di sản tinh thần quý báu, tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ hôm nay và mai sau gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Ý kiến (0)