Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:52 (GMT +7)
"Để du khách biết đến Bình Liêu là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc"
Chủ nhật, 15/08/2021 | 14:32:36 [GMT +7] A A
Bình Liêu có nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, những thửa ruộng bậc thang trải dài, những nếp nhà sàn nằm nép mình dưới chân đồi xanh mướt và nhất là đồng bào các dân tộc huyện Bình Liêu còn lưu giữ được nhiều giá trị văn hoá đặc trưng của mình. Những năm qua, huyện đã quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, đồng thời phát triển hạ tầng, gắn với phát triển du lịch bền vững.
Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh vừa có cuộc trò chuyện với ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu xung quanh chủ đề này.
- Bình Liêu là huyện có đông đồng bào dân tộc, còn giữ được những giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Theo ông, những đặc trưng ấy là gì và có tiềm năng như thế nào trong phát triển du lịch?
+ Bình Liêu có 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, là một trong những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cao nhất ở tỉnh Quảng Ninh và cả nước. Trong đó, dân tộc Tày chiếm đa số (51,27%), Dao (28,21%), Sán Chay (nhóm Sán Chỉ, 15,26%), Kinh (5,07%), Hoa (0,42%)...
Mỗi dân tộc đều có những yếu tố văn hóa riêng. Ví dụ về ẩm thực, mỗi dân tộc đều có những món ăn đặc trưng được chế biến cầu kỳ, làm từ những sản vật như xôi ngũ sắc, các loại bánh, khau nhục…
Về mặc thì hoa văn trên trang phục ở mỗi dân tộc lại có những điểm khác nhau: Người Dao thêu bằng chỉ thêu với các màu sắc sặc sỡ, người Tày và người Sán Chỉ lại nhuộm chàm, xanh dương.
Về ở, nhà ở của đồng bào các dân tộc trước đây cơ bản là nhà đất, kỹ thuật làm nhà là cột, kèo, xà gắn với nhau làm thành bộ khung chịu lực cho toàn bộ mái và các đồ dùng, lương thực để ở trên gác. Một ngôi nhà thông thường của đồng bào có ba gian hai mái. Mái nhà được lợp bằng ngói âm dương. Nhà có hai cửa ra vào, một cửa chính ở gian giữa, phía trước; một cửa phụ mở ở gian cạnh, phía sau nhà. Hướng nhà thường phụ thuộc vào thế đất nơi làm nhà. Trước nhà là nơi bằng phẳng, thoáng, có tầm nhìn xa, sau nhà là nơi có đất dốc, có cây cối, hoặc có nương… Ngày nay việc xây nhà của đồng bào đã cải tiến nhiều phù hợp với khoa học và xu thế phát triển của xã hội.
Ngoài ra, Bình Liêu cũng có những giá trị văn hóa phi vật thể riêng, nổi bật là các lễ hội như Lễ hội đình Lục Nà, Lễ hội Kiêng gió, Hội hát Tháng ba... Trong lễ hội có các trò diễn dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh quay và không thể thiếu các làn điệu then, soóng cọ, sán cố...
Được gìn giữ tương đối nguyên vẹn, những nét văn hóa của cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu có thể coi là một tài nguyên quý giá để phát triển du lịch trải nghiệm, khám phá. Tôi cho rằng, nếu khai thác đúng cách thì sẽ tạo thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, góp phần tạo nên thương hiệu du lịch “Bình Liêu - nơi khám phá những giá trị khác biệt”.
- Vậy, huyện đã có những cách làm như thế nào để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc đó?
+ Thời gian vừa qua, huyện Bình Liêu đã ban hành nhiều đề án, kế hoạch để bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc, cụ thể như thành lập các CLB văn nghệ tại 7 xã, thị trấn; chú trọng việc truyền dạy các làn điệu dân ca đặc trưng như hát then - đàn tính ở các xã tập trung người Tày (thị trấn Bình Liêu, xã Hoành Mô, xã Lục Hồn), hát soóng cọ (xã Húc Động), hát pả dung (xã Đồng Văn, Vô Ngại). Các CLB thu hút được người dân ở nhiều lứa tuổi tham gia, đa số là thanh thiếu niên. Hàng năm, huyện hỗ trợ cho mỗi CLB văn nghệ cấp xã 30 triệu đồng để tổ chức các hoạt động tập luyện, biểu diễn, giao lưu.
Các lễ hội ở địa phương tiếp tục được chú trọng tổ chức về quy mô và hình thức, vừa bảo tồn được giá trị gốc, vừa phát triển theo định hướng là sản phẩm du lịch. Các lễ hội truyền thống (hội đình Lục Nà, Hội hát Tháng ba, Hội Kiêng gió) và hội mới hình thành (Hội hoa sở, Hội mùa vàng) được tổ chức đúng quy định; các nghi thức trong lễ hội diễn ra trang trọng, tiết kiệm, phù hợp với thuần phong mỹ tục địa phương.
Phần hội diễn ra phong phú, hấp dẫn nhờ việc khai thác các trò chơi, dân nhạc, dân vũ đặc trưng của cộng đồng các dân tộc, đã tạo được sức lan toả, lôi cuốn, góp phần thu hút đông đảo nhân dân và du khách tham gia. Công tác quản lý và tổ chức lễ hội cũng có nhiều chuyển biến tích cực, đa số lễ hội được tổ chức an toàn, lành mạnh, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, vận động cộng đồng loại bỏ những tập tục lạc hậu, tổ chức lễ hội đảm bảo vệ sinh môi trường...
Các nghề truyền thống của đồng bào như làm miến dong, chế tác đàn tính, ép dầu sở, nuôi ong mật được quan tâm bảo tồn, phát huy… Ngoài việc cung cấp sản phẩm cho nhân dân địa phương, việc phát triển các nghề truyền thống đã tiến đến việc sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường ra các tỉnh khác. Đặc biệt, việc đăng ký thương hiệu sản phẩm OCOP đã giúp cho nhiều gia đình mở rộng quy mô sản xuất, tiêu thụ nguyên liệu cho cả vùng, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
- Vậy theo ông, những nét văn hóa đặc sắc của Bình Liêu cần được bảo tồn hay vấn đề quan trọng hơn lúc này là phát huy giá trị ?
+ Theo đà phát triển chung của xã hội, không thể tránh khỏi việc các giá trị văn hóa bị mai một. Đó là sự vận động theo quy luật. Có chăng các giá trị đó chỉ giữ nguyên được khi ta đóng hộp để trong bảo tàng. Tuy nhiên, tôi cho rằng chúng ta cần đặc biệt coi trọng công tác bảo tồn. Làm như vậy thì mới mong giữ lại được hồn cốt của văn hóa truyền thống. Quan trọng là cách bảo tồn làm sao để các giá trị truyền thống được "sống" trong bối cảnh của sự phát triển. Song song với đó là các giá trị văn hóa cần được phát huy để có cơ hội lan tỏa, tạo nên sức sống bền bỉ.
Văn hóa của cộng đồng các dân tộc Bình Liêu cũng cần được coi trọng về cách ứng xử trong bảo tồn và phát huy theo hướng như vậy. Tức là luôn phải coi trọng vấn đề bảo tồn đi đôi với việc phát huy giá trị để văn hóa góp phần quan trọng vào sự phát triển của địa phương bằng chính tinh hoa vốn có.
- Việc gắn bản sắc văn hóa dân tộc với du lịch là một cách làm khá phổ biến mà nhiều địa phương đang thực hiện, vậy ở Bình Liêu có cách làm nào khác trong việc liên kết hai nội dung này với nhau không?
+ Tôi cho rằng, Bình Liêu đang đi rất đúng hướng là coi trọng hai nhiệm vụ song song, vừa bảo tồn, vừa phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc trên địa bàn trên cơ sở xây dựng các sản phẩm du lịch dựa trên tài nguyên văn hóa.
Nói rõ hơn, chúng tôi xem các giá trị văn hóa là một dạng tài nguyên để khai thác tạo ra các sản phẩm du lịch. Các sản phẩm này có sự hấp dẫn, khác biệt với các vùng miền, các địa phương khác. Ngược lại, cách phát triển sản phẩm du lịch như vậy cũng có một vai trò quan trọng đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di sản văn hóa. Chúng tôi đã tái hiện những trích đoạn nghi lễ Lảu then của người Tày, lễ Cấp sắc của người Dao, lễ cưới của người Sán Chỉ trên cơ sở nguyên gốc để tạo ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm. Từ đó, các giá trị văn hóa có điều kiện sống lại, hiện hữu trong đời sống của người dân.
Chúng tôi đang đi theo cách làm thận trọng, tôn trọng những giá trị nguyên gốc của văn hóa, hạn chế thấp nhất việc can thiệp đến bản chất của các giá trị đó.
- Có ý kiến cho rằng, việc gìn giữ các giá trị văn hoá đặc trưng của đất và người Bình Liêu đã là một trong những cách tốt nhất để phát triển du lịch bền vững. Ông suy nghĩ như thế nào về nhận định này?
+ Khách du lịch biết đến Bình Liêu vì nơi đây sở hữu cảnh quan miền biên cương đặc sắc và là một địa phương được ken dày bằng những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Như đã nói ban đầu, khi văn hóa trở thành sản phẩm du lịch, du lịch sẽ có những tác động trở lại văn hóa. Không chỉ đẩy mạnh quá trình giao lưu, tiếp biến, hoạt động du lịch còn tác động trực tiếp đến hoạt động bảo tồn văn hóa, làm sống lại các lễ hội dân gian...
Hãy để cho du khách biết đến Bình Liêu là một vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc. Tôi nghĩ làm được như vậy là tạo được thương hiệu riêng cho du lịch Bình Liêu. Vì vậy, giữ gìn thật tốt và khai thác giá trị văn hóa trong phát triển du lịch ở Bình Liêu sẽ là việc vừa tạo ra thu nhập cho người dân, vừa tạo động cơ, nguồn lực để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
Mai Linh
Liên kết website
Ý kiến ()