Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 23:56 (GMT +7)
Hệ lụy từ dịch bệnh
Thứ 6, 22/06/2012 | 06:53:19 [GMT +7] A A
[audio(1721)]
Mặc dù dịch bệnh tai xanh ở lợn khởi phát cách nay đã hơn một tháng, nhưng tính đến thời điểm này nó vẫn diễn biến phức tạp trên địa bàn toàn huyện Đông Triều. Nguyên nhân dẫn đến bùng phát dịch cũng đã được các cơ quan chuyên môn đánh giá, kết luận. Nhờ có sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả của tỉnh và huyện trong việc bao vây, ngăn chặn, phòng chống nên rất mừng là dịch đã không lây lan rộng ra các địa phương khác, kể cả các huyện, thị, thành phố tiếp giáp với Đông Triều.
Tuy nhiên, hậu quả và hệ lụy do dịch bệnh gây ra thì đã thấy quá rõ ràng. Ngoài việc tốn sức, tốn của trong việc bao vây dập dịch, chi phí cho việc tiêu hủy lợn dịch thì còn biết bao công việc phải chỉ đạo, triển khai, họp bàn để phòng, chống dịch. Nhưng có lẽ “thấm đòn” nhất phải kể đến người chăn nuôi và cán bộ chuyên môn ở các xã, thôn xóm có dịch. Người chăn nuôi tuy có được hỗ trợ kinh phí cho việc tiêu hủy lợn bệnh, nhưng cũng không thể nào bù đắp nổi những chi phí, công sức mà mình đã bỏ ra để chăm chút cho đàn lợn từ khi chăn thả. Do bị phong tỏa vùng dịch nên số lợn dù chưa mắc bệnh và đến thời điểm xuất chuồng cũng không thể tiêu thụ được. Vậy là vừa lo lợn nhiễm bệnh, vừa phải tốn thêm chi phí cho việc kéo dài thời gian nuôi. Còn với các cán bộ chuyên môn của huyện, xã, thị trấn, thôn xóm, nhất là lực lượng cán bộ thú y thì bỗng nhiên trở thành những “cảnh sát” bất đắc dĩ để canh gác, giám sát, thống kê số lợn ốm, lợn chết của các hộ chăn nuôi, hướng dẫn cách chữa trị và tổ chức tiêu hủy theo đúng quy định. Và có lẽ vất vả nhất là việc canh gác không để những kẻ hám lời, coi thường bệnh tật, chờ lúc vắng người đào trộm lợn đã chôn lấp xẻ thịt mang đi bán.
Không chỉ có những người, những hộ chăn nuôi trong vùng dịch bị điêu đứng, ảnh hưởng vì lợn tai xanh, mà cả các hộ kinh doanh thực phẩm ở nơi khác cũng bị “vạ lây”. Chả là khi dịch bùng phát, lan rộng người tiêu dùng cảnh giác dè dặt khi mua, thậm chí nhiều người còn quay lưng lại với thịt lợn. Thế là sản lượng tiêu thụ lợn thịt trên thị trường sụt giảm, các tiểu thương bán thịt lợn ở chợ ngồi ngáp dài. Quả là thiệt hại đủ bề!
Biết vậy, nhưng ý thức phòng chống dịch bệnh trong số đông người chăn nuôi, tiêu dùng và thậm chí cả cán bộ chuyên môn ở đại phương cũng còn nhiều hạn chế. Tư tưởng chủ quan, lơ là trong phòng dịch còn phổ biến ở nhiều nơi. Bài học trong công tác phòng, chống dịch lợn tai xanh ở Đông Triều đã được đúc kết. Những hậu quả, hệ lụy do dịch bệnh gây ra cũng đã “thấm”. Hy vọng, từ thực tế đau xót này, các cấp, các ngành chức năng và địa phương cần làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm để không còn phải vất vả, điêu đứng vì nó...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()