Tất cả chuyên mục

Sau hơn chục năm bị đình, hoãn, giãn tiến độ do thiếu vốn, ảnh hưởng đến đời sống của hàng ngàn hộ dân, Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân do Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư đang có thêm tia hy vọng tái sinh khi mới đây Bộ Giao thông - Vận tải có Công văn số 980/BGTVT-CQLXD gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo quá trình triển khai thực hiện dự án, đưa vào danh mục đầu tư công trung hạn 2026 - 2030.
Theo nội dung Công văn số 980/BGTVT-CQLXD, Bộ Giao thông - Vận tải kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận đưa Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân vào danh mục đầu tư công trung hạn 2026 - 2030, làm cơ sở để Bộ bố trí vốn và hoàn thành thủ tục điều chỉnh dự án theo thẩm quyền, tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công số 58/2024/QH15.
Trước đó, tại Kết luận số 49-KL/TW về Định hướng phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị đã yêu cầu tiếp tục đầu tư hoàn thành đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân đến năm 2030. Trong Quy hoạch Mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng xác định, đầu tư tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân trong giai đoạn đến năm 2030.
Tiếp đó, Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, bao gồm 2 tuyến chính và 2 tuyến nhánh, trong đó tuyến chính đoạn từ Lào Cai - Nam Hải Phòng - Cảng Lạch Huyện dài 391,06km; tuyến chính đoạn từ Nam Hải Phòng - Cái Lân dài 50,59km; tuyến nhánh Nam Hải Phòng - Cảng Nam Đồ Sơn dài 12,632km; tuyến nhánh đoạn Nam Đình Vũ - Đình Vũ dài 7,418km. Uớc tính tổng nhu cầu vốn của tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là 179.126 tỷ đồng. Việc Cục Đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông - Vận tải xem xét thẩm định, phê duyệt quy hoạch tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng là tín hiệu tích cực cho Dự án đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân có thể tiếp tục được triển khai.
Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư tại Văn bản số 75/CP-CN ngày 9/1/2004 bằng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, với chiều dài 131km, điểm đầu tại Ga Yên Viên, điểm cuối tại Cảng Cái Lân, tổng mức đầu tư 7.663 tỷ đồng. Dự án được chia thành 4 tiểu dự án độc lập và được khởi công vào năm 2008, dự kiến hoàn thành năm 2011. Nếu dự án hoàn thành, hành trình tàu khách chạy từ Hạ Long về Yên Viên còn 1,5 - 2 giờ; tàu hàng là 3 - 4 giờ, góp phần tạo hành lang giao thông, vận tải thúc đẩy Hà Nội - Quảng Ninh phát triển. Tuy nhiên, do bị đưa vào danh sách các dự án phải đình hoãn, giãn tiến độ theo chủ trương cắt giảm đầu tư công tại Nghị quyết số 11/2011/NQ-CP ngày 24/2/2011 của Chính phủ, nên Dự án tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân phải tạm dừng triển khai từ năm 2011 đến nay.
Việc dự án bị “treo” suốt hơn 10 năm qua, đã ảnh hưởng đến đời sống của gần 3.000 hộ dân trên địa bàn các địa phương: Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều. Do nằm trong vùng dự án nên các hộ gia đình không thể xây dựng, sửa chữa nhà ở, không được tách thửa, chuyển quyền sử dụng đất, cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất..., kéo theo kìm hãm về phát triển kinh tế - xã hội.
Hy vọng rằng, với những chủ trương, định hướng, quy hoạch mới về hệ thống đường sắt của Bộ Giao thông – Vận tải thì Dự án Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Hạ Long - Cái Lân sớm được tái sinh, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, giúp người dân trong vùng dự án yên tâm ổn định cuộc sống.
Ý kiến ()