Tất cả chuyên mục

Hiện nay, từ thành thị đến nông thôn, nhiều gia đình có thú vui nuôi chó để vừa trông nhà, vừa là bầu bạn... Tuy nhiên, rất nhiều hộ gia đình chưa chấp hành quy định về nuôi chó, mèo, gây nguy hiểm đến tính mạng người khác, cũng như gây mất vệ sinh môi trường nơi công cộng.
![]() |
Chó nuôi được thả rông tại tổ 9, khu 6, phường Hồng Hà (TP Hạ Long). |
Tôi còn nhớ câu chuyện của một chị lao công dọn vệ sinh môi trường khu vực Quảng trường 30/10 (TP Hạ Long). Chị kể: Cứ mỗi sáng, hay buổi chiều muộn, một số hộ nuôi chó lại có thói quen dắt chó ra quảng trường để phóng uế gây mất vệ sinh môi trường. Có 1 gia đình nuôi 2 con béc giê rất hay đưa đến quảng trường phóng uế, khi bị nhắc nhở liền quát mắng, nói rằng đó không phải là nhà riêng của ai nên không ai có quyền cấm, rằng hộ nào chả đưa chó ra đây, nếu tất cả các hộ nuôi chó đều chấp hành thì gia đình ấy sẽ chấp hành. Bất lực, tôi đành phải dọn dẹp đống chất thải mà 2 con béc giê để lại.
Việc dắt chó, hay thả chó ra đường, nơi công cộng để phóng uế là hình ảnh phổ biến ở các khu đô thị trên địa bàn tỉnh. Ngay như TP Hạ Long, thời gian gần đây rất nhiều người phàn nàn vì chất thải của chó tại khu vực Công viên hoa Hạ Long, Quảng trường 30/10, hay các tuyến đường ở tổ dân, khu phố. Điều này gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, nhưng hầu như chưa có trường hợp nào bị xử phạt vi phạm hành chính.
![]() |
Một vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện mô tô va quệt vào chó thả rông trên đường Điện Biên Phủ, TP Hạ Long vào ngày 8/9/2020. |
Không chỉ gây mất vệ sinh môi trường, việc thả rông chó còn gây nguy hiểm đến tính mạng của người dân khi điều khiển các phương tiện tham gia giao thông. Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra mà nguyên nhân là từ việc thả rông chó. Chưa kể, việc chó thả rông lao vào cắn người khá phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, từ năm 2019 đến hết 6 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh có hơn 5.600 trường hợp điều trị dự phòng sau phơi nhiễm do bị chó cắn. Đặc biệt, năm 2019 có 1 trường hợp ở phường Cửa Ông (TP Cẩm Phả) tử vong do bệnh dại, tháng 3/2020 cũng có 1 trường hợp tại xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) tử vong do bệnh dại vì bị chó cắn trước đó 1 tháng.
Được biết, từ năm 2009 đến nay, Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã ban hành một số nghị định, thông tư quy định trách nhiệm của người nuôi chó, xử phạt hành chính đối với trường hợp vi phạm. Mới đây nhất, tại phụ lục 15 về phòng, chống bệnh dại trên động vật của Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 do Bộ NN&PTNT ban hành, có quy định: Đối với chủ nuôi chó, mèo phải đăng ký việc nuôi với UBND cấp xã tại các đô thị, nơi đông dân cư; xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt, chấp hành tiêm vắc xin phòng bệnh dại cho chó, mèo... UBND cấp xã phải lập sổ quản lý chó nuôi trên địa bàn; quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập các đội chuyên trách để bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; áp dụng các biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi...
![]() |
Năm 2020 có hàng nghìn trường hợp phải tiêm phòng bệnh dại do bị chó cắn. Ảnh: Minh Tiến (CDC tỉnh) |
Còn Nghị định 167/2013/NĐ-CP năm 2013 của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tư, an toàn xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng cháy và chữa cháy; phòng chống bạo lực gia đình cũng quy định: Phạt tiền cảnh cáo từ 100.000 đến 300.000 đồng đối với hành vi để gia súc, gia cầm hoặc các loại động vật nuôi phóng uế nơi công cộng; để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng.
Ngày 31/7/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, trong đó quy định: Không tiêm vắc xin phòng chống bệnh dại cho động vật bắt buộc phải tiêm phòng; không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra nơi công cộng sẽ bị xử phạt tiền từ 600.000-800.00 đồng...
Luật ban hành là vậy, tuy nhiên việc chấp hành của người dân còn chưa nghiêm. 8 tháng năm 2020, toàn tỉnh tiêm 77.019 liều vắc xin dại cho gia súc, vật nuôi, trong đó chủ yếu là chó, mèo. Tuy nhiên, thực tế nhiều hộ vẫn cố tình giấu giếm không khai báo, không đưa chó, mèo đi tiêm phòng dại đầy đủ. Hiện tượng thả rông chó, để chó, mèo phóng uế bừa bãi ra nơi công cộng vẫn phổ biến, trong khi phần lớn xã, phường, thị trấn buông lỏng, hoặc không quản lý, kiểm tra, xử phạt các trường hợp vi phạm này.
Để từ bỏ thói quen nuôi chó thả rông của người dân trên địa bàn tỉnh, bên cạnh công tác tuyên truyền, UBND cấp xã cần thực hiện nghiêm việc kiểm tra, bắt chó thả rông và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về nuôi chó theo đúng quy định của Nhà nước. Đặc biệt, hành vi để chó phóng uế ra khu vực công cộng cần phải phạt thật nặng chủ nuôi, có như vậy mới giữ được văn minh đô thị và nâng cao ý thức giữ gìn văn minh nơi công cộng của người dân.
Thu Nguyệt
Ý kiến (0)