Lướt mạng xã hội thấy trào lưu "nín thở càng lâu phổi càng khỏe", Sơn, 30 tuổi liền thử nhưng chưa đầy 10 giây đã dừng lại.
Gần đây, mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các video chia sẻ bài kiểm tra phổi bằng việc nín thở. Theo đó, các nhân vật trong clip cho rằng, nếu nín thở được dưới 5 giây, chứng tỏ phổi bế tắc; dưới 10 giây là phổi khỏe; từ 30 giây trở lên là siêu khỏe. Những sản phẩm này thu hút hàng triệu lượt xem, hàng trăm nghìn bình luận.
Sau khi xem, Sơn, một nhân viên ngân hàng, gồng bụng, hít một hơi sâu rồi nhịn thở. Anh bật đồng hồ để theo dõi thời gian nhịn thở của bản thân. Tuy nhiên, chưa đầy 10 giây, chàng trai phải dừng lại vì thấy khó thở, ngột ngạt. Sơn bị hen, từng hai lần mắc Covid-19. Lo lắng phổi có vấn đề, anh đặt lịch phòng khám hô hấp kiểm tra.
"Sau Covid, tôi chưa đi khám lại để kiểm tra di chứng, lần này kết hợp đi khám một thể", Sơn nói.
Cũng giống Sơn, nhiều người chia sẻ họ bị ù tai, đau đầu khi làm theo video. Ngoài ra, những người này đã dừng lại khi cảm thấy khó thở, nên chưa có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Ngoài bài kiểm tra trên, người dùng mạng xã hội còn chia sẻ các video nín thở từ 40 đến 50 giây, chạy bộ liên tục ba tầng mà không phải dừng lại để thở.
Bác sĩ Nguyễn Hải Công, Trưởng Khoa Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM), cho rằng đây không phải bài test được bác sĩ khuyến nghị.
Thực tế, nín thở sau hít sâu cũng phản ánh và đánh giá khả năng giữ trữ lượng oxy tại phổi để cung cấp cho quá trình hô hấp và tuần hoàn. Phổi khỏe có thể nhịn thở trên 30 giây, cho thấy chức năng bộ phận này tương đối tốt.
"Nhưng để đánh giá chính xác và toàn diện chức năng phổi, người bệnh phải được bác sĩ chuyên khoa đo hô hấp khí", ông Công nói và cho rằng muốn kiểm tra phổi, người dân phải kiểm tra thông qua máy móc, đo thông khí phổi. Do đó, bài test trong những video trên không có ý nghĩa và không đúng khoa học.
Cùng quan điểm, bác sĩ Đinh Thế Tiến, Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), nói để đánh giá chức năng hô hấp cần dựa vào máy, đo thể tích khi hít thở bình thường, khi hít gắng sức, thở ra gắng sức... Sau đó, bác sĩ dựa vào dung tích, thể tích phổi, dung tích gắng sức của phổi và khả năng đáp ứng với hô hấp để đánh giá chức năng.
Ngoài ra, hệ hô hấp khỏe hay không còn phụ thuộc vào nhiều cơ quan khác như tim mạch, có mắc bệnh nền... Đặc biệt, một chỉ số thông thường không thể đánh giá được toàn bộ chức năng của cơ quan phức tạp như phổi. Nín thở chỉ là phép thử cảm tính không có trong y khoa, chưa được chứng minh khoa học, "không thể dựa vào đó để kết luận phổi khỏe hay yếu", bác sĩ nói.
Lý giải việc thời gian nín thở mỗi người khác nhau, bác sĩ cho biết tùy thuộc vào khả năng dự trữ oxy. Người bình thường không có tổn thương thì khả năng giãn nở, đàn hồi, dự trữ oxy tốt hơn người mắc bệnh phổi hay nhiễm Covid (vốn có nhiều di chứng xơ sẹo). Cấu trúc giải phẫu phổi của người cao tuổi cũng suy giảm nên khả năng nín thở không bằng người trẻ. Còn vận động viên bơi hoặc ca sĩ lại có khả năng nín thở lâu do tập luyện thời gian dài.
Hiện, các bệnh viện chưa ghi nhận trường hợp nào ngất xỉu hay cấp cứu do nín thở. Tuy nhiên, người mắc bệnh tim mạch, đặc biệt bệnh lý mạch vành, người suy hô hấp mạn tính nặng, người có nguy cơ bị đột quỵ, hoặc thai phụ tuyệt đối không áp dụng phương pháp này.
"Nhịn thở kéo dài, nhiều lần dễ làm giảm đột ngột lượng oxy trong máu, gây sự cố ảnh hưởng sức khỏe như nhồi máu cơ tim, thiếu máu thai nhi...", bác sĩ cho hay.
Bác sĩ khuyến cáo, mọi người nên phân biệt giữa tập thở và nín thở. Tập thở là phương pháp được khuyến cáo nên làm, dành cho bệnh nhân có tổn thương phổi.
Cụ thể, hít vào chậm hết sức và căng bụng ra, sau đó nín thở hai đến ba giây rồi thở ra gắng sức, xẹp bụng. Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng để cảm nhận di động của ngực và bụng. Hít vào bằng mũi, mím môi, bụng phình ra, tay ở bụng nhô lên. Thở từ từ bằng miệng, môi chúm lại giống như thổi sáo, bụng xẹp xuống, tay ở bụng hạ xuống. Bài tập nên thực hiện mỗi ngày.
Lưu ý, nếu trong quá trình tập luyện xuất hiện các biểu hiện bất thường như mệt mỏi, khó thở, hay đau ngực tăng, cần dừng tập và theo dõi cơ thể. Nếu các triệu chứng này tăng lên cả khi nghỉ thì cần báo ngay cho nhân viên y tế để được theo dõi và xử trí kịp thời.
Ngoài ra, để phổi khỏe, mọi người nên thể dục thể thao, tăng khả năng thông khí, bù trừ của phổi, tăng dung tích phổi. Nhóm mắc bệnh phổi mạn tính cần dùng thuốc thường xuyên, tiêm phòng vaccine cúm, phế cầu, Covid. Kết hợp thiền, yoga để cải thiện chức năng hô hấp. Tuyệt đối không nghe theo trào lưu chưa được kiểm chứng, rước họa vào người.
Ý kiến ()