Tất cả chuyên mục

Bệnh viện Bãi Cháy vừa cấp cứu thành công trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc khí CO trong tình trạng cứng chân tay, suy hô hấp, hôn mê sâu do đặt bếp than tổ ong trong phòng kín để sắc thuốc.
Bệnh nhân Vũ Viết L. (48 tuổi, trú tại TP Cẩm Phả) được chuyển từ Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả sang Bệnh viện Bãi Cháy trong tình trạng hôn mê sâu, cứng chân tay, suy hô hấp, trụy mạch, huyết áp tụt, hình ảnh chụp CT cho thấy dấu hiệu phù não, tiên lượng tử vong cao do ngộ độc khí CO từ bếp than tổ ong.
Trước đó, bệnh nhân được người nhà phát hiện trong trạng thái sùi bọt mép, toàn thân co giật, hôn mê và ngay lập tức được đưa đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả. Trong phòng nghỉ của bệnh nhân có đặt một bếp than tổ ong cùng ấm sắc thuốc nam.
![]() |
Các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy thăm khám cho bệnh nhân Vũ Viết L. |
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân L., các bác sĩ Khoa Hồi sức tích cực chống độc đã tiến hành thăm khám, khai thác bệnh sử và tiến hành các phương pháp điều trị hồi sức tích cực dưới sự hỗ trợ của các trang thiết bị y tế hiện đại. Sau 1 ngày giành giật sự sống với tử thần, bệnh nhân L. đã thoát khỏi nguy cơ tử vong, ý thức dần cải thiện, có thể tự thở được mà không cần đến sự hỗ trợ của máy thở, giao tiếp bình thường. Hiện tại, bệnh nhân tiếp tục được điều trị oxi cao áp tại Trung tâm Oxi cao áp của Bệnh viện Bãi Cháy để phân giải, đào thải khí CO2 ra khỏi cơ thể hoàn toàn và tập luyện phục hồi chức năng tích cực.
Tỉnh dậy sau cơn “thập tử nhất sinh”, bệnh nhân L. xúc động chia sẻ: “Hôm ấy tôi sắc thuốc nam bằng bếp than tổ ong bên trong phòng nghỉ. Bản thân cũng không nhớ việc phải mở cửa phòng ra cho thoáng, người lại đang mệt nên cứ thế lên giường ngủ. Nằm được một lúc thì cảm thấy khó chịu, khó thở, tay chân vô lực, không kêu lên nổi, rồi không hay biết mình lịm đi từ lúc nào. May mắn sao được các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cứu sống nên tôi thoát chết. Hiện tại, tôi cảm thấy tỉnh táo, đỡ mệt hơn nhiều, có thể đứng dậy được. Tôi rất cảm ơn sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo của các bác sĩ”.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Khởi, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Bãi Cháy: “CO là khí không màu, không mùi vị nên rất khó phát hiện. Khi hít phải, CO nhanh chóng ngấm vào máu và làm mất oxy trong máu, nạn nhân sẽ có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực. Ngộ độc khí CO làm cho tế bào não bị tổn thương dẫn đến thoát dịch, phù nề não, không được điều trị kịp thời sẽ bị mất ý thức, hôn mê sâu, sống thực vật cả đời, thậm chí tử vong. Nhiều trường hợp bệnh nhân ngạt khí CO được cứu sống để lại các di chứng như suy giảm trí nhớ, giảm tập trung, liệt cơ mặt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay chân cứng và run, liệt nửa người…”.
Đây là một trong số nhiều trường hợp ngộ độc khí CO được các bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy cứu sống thành công. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chủ quan, thiếu thông tin và không lường trước hậu quả của việc sử dụng bếp than tổ ong không đúng cách đối với sức khỏe và tính mạng. Đặc biệt là khi thời tiết giá rét, nhiều người dân vẫn giữ thói quen đặt bếp than tổ ong trong nhà, phòng kín để sưởi ấm làm gia tăng tỉ lệ bệnh nhân nhập viện và tử vong do ngộ độc khí CO.
Vì vậy, bác sĩ Lê Kì Trường - Trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bãi Cháy, khuyến cáo: Người dân tuyệt đối không đốt than, củi để sưởi ấm hoặc nấu nướng trong không gian kín, đặc biệt khi thời tiết chuyển lạnh vì khí CO không thoát ra ngoài được mà tích tụ nhiều sẽ khiến người trong phòng nhanh chóng rơi vào hôn mê, dẫn tới tử vong.
Người già và trẻ em cần tránh xa bếp than tổ ong vì nếu tiếp xúc với khí độc thì sức đề kháng kém, suy hô hấp nhanh, nguy cơ tử vong cao hơn so với các bệnh nhân khác.
Khi phát hiện người bị ngạt khí CO, cần nhanh chóng mở hết tất cả cửa để không khí tràn vào nhà. Đưa nạn nhân ra khỏi nơi có khí độc và chuyển đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu và điều trị kịp thời. Trong quá trình đưa đến cơ sở y tế, nếu nạn nhân thở yếu, bất tỉnh thì phải tiến hành hà hơi thổi ngạt (hô hấp nhân tạo).
Mạc Thảo (Bệnh viện Bãi Cháy)
Ý kiến ()