Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:18 (GMT +7)
Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh tiêu biểu của cả nước như lời dặn của Tổng Bí thư
Thứ 5, 25/07/2024 | 06:53:44 [GMT +7] A A
Quảng Ninh vinh dự được 3 lần đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm và làm việc. Mỗi lần về thăm, cùng với những lời ghi nhận, biểu dương và động viên, Tổng Bí thư đều căn dặn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của tỉnh, nâng cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đổi mới tư duy, nếp nghĩ, cách làm để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt.
Khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư
Từ xa xưa Quảng Ninh đã nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt", bởi có Vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của Dân tộc; có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm. Trên sông Bạch Đằng vẫn còn ghi đậm dấu ấn những chiến công hiển hách của ông cha ta chống quân xâm lược vào các thế kỷ thứ X và thế kỷ XIII, viết nên bản hùng ca bất hủ, khẳng định nền độc lập dân tộc và vị thế quốc gia.
Trong giai đoạn cách mạng ngày nay, Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào "vô sản hóa", nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.
Trên dải đất hình chữ S, hiếm có địa bàn nào có được vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng với lợi thế nổi trội như tỉnh Quảng Ninh. Là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu – là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới. Quảng Ninh cũng là nơi giao thoa, kết nối giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là địa phương có diện tích lớn nhất của vùng Đồng bằng sông Hồng, nhiều hòn đảo nhất cả nước (trong đó có cả đảo đất, đảo đá), có bờ biển dài nhất của Vùng Đồng bằng sông Hồng. Điều đó đã góp phần tạo Quảng Ninh trở thành một trong ba cực phát triển quan trọng nhất của toàn vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh là địa phương có diện tích lớn nhất với rừng và đồi núi chiếm 80%; có vùng biển và hải đảo rộng 6.100 km2 với số hòn đảo đa đạng và lớn nhất cả nước với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp; có bờ biển dài 250 km với vùng biển rộng lớn cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, độc đáo với nguồn lợi thủy sản dồi dào. Quảng Ninh cũng là nơi có nhiều nguồn tài nguyên dưới lòng đất đa dạng, trữ lượng lớn, có thể khai thác thương mại, nhất là than, khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng... đã và đang là nguồn lực quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh.
Khắc ghi lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về phát huy mạnh mẽ truyền thống vẻ vang và vị thế rất quan trọng của mình, để đưa Quảng Ninh phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt, toàn tỉnh đã đoàn kết nhất trí, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tiếp tục đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu.
Trong phát triển kinh tế, tỉnh đã lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới. Với quan điểm “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã tập trung tiết kiệm nguồn chi, chủ động ứng vốn, đề xuất thực hiện chủ đầu tư hệ thống công trình hạ tầng giao thông vượt trội, đẳng cấp. Đến nay Quảng Ninh đã có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và phát triển vượt trội, tiếp tục mở rộng không gian phát triển của Quảng Ninh, tạo ra cơ hội đầu tư phát triển vô cùng lớn trong không gian phát triển “Một tâm, hai trục đa chiều, hai đột phá với ba vùng động lực tăng trưởng” đang ngày càng hiện rõ.
Điều đặc biệt là trong hơn 10 năm qua, tỉnh kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo hướng: Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp với phương châm lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế.
Cũng trong hơn 1 thập kỷ qua, tỉnh luôn kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển; triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tỉnh cũng dành nguồn lực lớn bằng nội lực của tỉnh hoàn thành cơ bản việc nâng cấp tương đối đồng bộ các tuyến tỉnh lộ kết hợp với đường tuần tra biên giới trên toàn tuyến biên giới trên bộ, bảo đảm giao thông thuận tiện và sức cơ động nhanh; đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh…
Cùng với tập trung 4 trụ cột về kinh tế, xã hội, an ninh, môi trường, Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng bộ, tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn khách quan, nhằm bảo đảm sự đồng bộ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, Đảng bộ tỉnh cũng đã tập trung chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế” (Đề án 25) và ban hành Nghị quyết 19 để triển khai thực hiện.
Tỉnh đã chủ động, mạnh dạn thí điểm một số mô hình mới về tổ chức, kiêm nhiệm chức danh để tinh gọn đầu mối, tinh giản biên chế và kiểm soát quyền lực với cách làm khoa học, thận trọng, chắc chắn, coi trọng hiệu quả cuối cùng; không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy. Trong 10 năm gần đây, tỉnh đặc biệt chú trọng nâng cao năng lực quản trị địa phương hiện đại, tự chủ, năng động, hiệu quả trước các thách thức an ninh phi truyền thống; đổi mới phương pháp, lề lối làm việc, cải cách hành chính của Đảng; hoàn thiện hệ thống quy chế, quy định; sâu sát nắm bắt tình hình cơ sở, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong chỉ đạo, điều hành; sắp xếp lại các cơ quan tham mưu, giúp việc của cấp ủy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.
Tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt
Ngày 6/4/2022, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: Tôi đã có một số lần về thăm và làm việc với Quảng Ninh; lần nào cũng để lại trong tôi những cảm xúc và ấn tượng rất sâu sắc, xúc động, tốt đẹp. Qua báo cáo của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, nghe ý kiến phát biểu của một số đồng chí và được tận mắt chứng kiến những thành quả cụ thể, tôi rất vui mừng, phấn khởi về sự phát triển của Quảng Ninh trong những năm gần đây.
“Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự hỗ trợ của Trung ương và phát huy bản lĩnh, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần năng động sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Ninh, hơn 10 năm qua đã đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Các nhiệm kỳ kế tiếp nhau đã thể hiện rõ tinh thần kế thừa, đổi mới và phát triển, đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá để chuyển đổi phương thức phát triển từ "nâu" sang "xanh"; đi tiên phong trong đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn tổ chức bộ máy; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; tích cực cải cách hành chính để phát huy có hiệu quả những tiềm năng, lợi thế cho phát triển; đẩy nhanh xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược gắn với tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới; gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội; bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác và cạnh tranh; xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định, giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP trên 2 con số trong 9 năm liên tiếp (2015-2023), ngay cả trong giai đoạn khó khăn nhất do đại dịch Covid-19 gây ra, Quảng Ninh vẫn lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới. Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, năm 2023 đạt 315.839 tỷ đồng, gấp 5,7 lần so với năm 2010, đứng thứ 3 ở khu vực phía Bắc (chỉ sau Hà Nội, Hải Phòng), đóng góp 10,1% vào tổng quy mô nền kinh tế của vùng đồng bằng sông Hồng. Quảng Ninh luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có đóng góp cao nhất vào ngân sách cả nước (thu nội địa giai đoạn 2016-2020 đứng trong top 5 tỉnh, thành có số thu cao) và là một trong 18 địa phương của cả nước có điều tiết ngân sách cho quốc gia. Trong 11 năm liền từ 2013 đến 2023, Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất nước. Đồng thời, cũng là địa phương duy nhất trong cả nước duy trì 7 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI; 5 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS; 06 năm dẫn đầu chỉ số PAR Index.
Từ một địa phương có hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu kém thì đến nay Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại nhất cả nước với tất cả các loại hình. Tốc độ đô thị hóa nhanh thuộc diện cao nhất cả nước, với 4 thành phố, 2 thị xã trực thuộc tỉnh, tỷ lệ đô thị hóa đến hết năm 2023 đạt 69,46%. Đồng thời, là một trong 5 tỉnh có tỷ lệ đô thị hóa cao nhất.
Đặc biệt, sau 12 năm kể từ khởi động đầu tiên năm 2010 đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về đời sống vật chất, tinh thần và các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, thông tin truyền thông chất lượng cao, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy, nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Những thành tựu tỉnh Quảng Ninh có được ngày hôm nay là kết tinh từ sự đoàn kết, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Thành quả đó là kết quả của những chỉ đạo, định hướng rất quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo kiên trung, trí tuệ, một con người mẫu mực, tận tâm, tận hiến vì Đảng, vì nước, vì dân. Đây chính là nền tảng, động lực để Quảng Ninh vững bước trên chặng đường phát triển mới, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Thu Chung
Liên kết website
Ý kiến ()