Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 22:24 (GMT +7)
Hiệu quả các nhiệm vụ khoa học xã hội và nhân văn
Thứ 4, 08/11/2023 | 08:48:40 [GMT +7] A A
Ở lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV), các nhiệm vụ KH&CN đã cung cấp luận cứ khoa học cho việc bảo tồn, phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, thiên nhiên, con người, bản sắc dân tộc, hoạch định chủ trương, chính sách phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử gồm các khu di tích: Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích lịch sử nhà Trần tại Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh); Khu di tích và danh thắng Tây Yên Tử (các huyện Yên Dũng, Lục Nam, Lục Ngạn, Sơn Động, tỉnh Bắc Giang); Quần thể Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai (TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương)… Với mục tiêu xác định các giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo tín ngưỡng để làm cơ sở bảo tồn, phát huy giá trị di sản, nhiệm vụ KHCN cấp tỉnh “Nghiên cứu các giá trị về văn hóa, lịch sử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” đã được Quảng Ninh giao cho Hội Khảo cổ học Việt Nam chủ trì thực hiện.
Qua 2 năm triển khai (4/2021-4/2023), nhóm nghiên cứu đã điều tra, khảo sát thực địa và cho ra những đánh giá chi tiết về di tích và di vật khảo cổ học có được thông qua khai quật, nghiên cứu. Qua đó đưa ra những đề xuất về chiến lược quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng đối với các văn hoá, lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Theo ông Phạm Xuân Đài, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Quảng Ninh: Thành công của nhiệm vụ đã góp phần quan trọng vào việc cung cấp những thông tin khoa học chân thực, xác đáng và khách quan cho công tác nghiên cứu tổng thể Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử. Từ đó làm rõ thêm các chứng cứ khoa học để tỉnh hoàn thiện lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận Quần thể là di sản thế giới.
Bên cạnh nghiên cứu về lịch sử, khảo sát, văn hóa dân gian, văn nghệ, khảo cổ, các nhiệm vụ KH&CN lĩnh vực KHXH&NV còn góp phần vào việc ban hành chính sách, hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tiêu biểu như nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn hòn Trống Mái, Vịnh Hạ Long”, do Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ TN&MT) chủ trì thực hiện từ tháng 4/2022.
Qua nghiên cứu, khảo sát, nhóm thực hiện đã đề xuất với tỉnh Quảng Ninh các nhóm giải pháp để bảo tồn hòn Trống Mái, như: Hạn chế tốc độ lưu thông của tàu, thuyền, cano chạy qua khu vực hòn Trống Mái dưới 10km/h trong phạm vi bán kính 200m; thả phao neo cảnh báo khoảng cách bảo vệ hòn Trống Mái; gia cố, ổn định các khối đá có nguy cơ trượt lở, đổ lở bằng phương pháp khoan neo; xây cột, tường bê tông làm giá đỡ cho các khối đá bị mất chân, có nguy cơ đổ lở cao; phun vẩy vữa bê tông có pha trộn các vật liệu chống ăn mòn và chống mặn ở chân hòn Trống Mái...
Nhiệm vụ KH&CN “Nghiên cứu thử nghiệm mô hình dạy học kết hợp (Blended learning) tại một số trường THPT trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” đã xây dựng được 2 mô hình dạy học kết hợp tương ứng với nhóm trường có điều kiện khó khăn và trường có điều kiện thuận lợi trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả dạy học và phát triển năng lực cho người học.
Theo lãnh đạo Sở KH&CN, các nhiệm vụ KH&CN được thực hiện từ năm 2023 có 12 nhiệm vụ trong lĩnh vực KHXH&NV (chiếm tỷ lệ 60%). Để các nhiệm vụ KH&CN nói chung, nhiệm vụ KH&CN trong lĩnh vực KHXH&NV nói riêng được thực hiện hiệu quả, Sở sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ KH&CN của các tổ chức, cá nhân; gắn trách nhiệm của chủ nhiệm, các thành viên theo kế hoạch thực hiện nhiệm vụ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền kết quả các nhiệm vụ KH&CN, phát huy hiệu quả, ứng dụng vào thực tiễn.
Nguyên Ngọc
Liên kết website
Ý kiến ()