Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 06:47 (GMT +7)
Hiệu quả của một phong trào thi đua
Thứ 4, 16/04/2014 | 06:46:44 [GMT +7] A A
Hôm nay 16-4, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương các điển hình tiêu biểu trong phong trào thi đua xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá” năm 2013. Tại hội nghị này, nhiều tập thể, cá nhân sẽ được UBND tỉnh trao tặng cờ thi đua và bằng khen về thành tích xuất sắc trong xây dựng nông thôn mới, xây dựng phường, thị trấn văn hoá...
Khởi nguồn của phong trào thi đua này là từ năm 2001 với tên gọi phong trào xây dựng “Xã, phường, thị trấn tiên tiến” và đến năm 2012 được đổi tên là phong trào xây dựng “Xã nông thôn mới - Phường, thị trấn văn hoá” để gắn với thực hiện Nghị quyết của Tỉnh uỷ về xây dựng nông thôn mới và các mục tiêu xây dựng đô thị văn minh, đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá, để đến năm 2015 Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp - dịch vụ theo hướng hiện đại và cơ bản đạt tiêu chí tỉnh nông thôn mới.
Trải qua 13 năm thực hiện, dù tên gọi có thay đổi, song hiệu quả và ý nghĩa của phong trào đã được khẳng định rõ nét. Đó là phong trào đã được triển khai sâu rộng ở khắp các vùng miền trong tỉnh; đã phát huy và khơi dậy được tinh thần nội lực, đoàn kết, sáng tạo của các địa phương cũng như các tầng lớp nhân dân. Từ phong trào đã góp phần khích lệ nhân dân thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, thực hiện có hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Cũng từ phong trào thi đua này, nhiều địa phương đã cụ thể hoá thành các phong trào trong sản xuất - kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các lĩnh vực an sinh xã hội, xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng đời sống văn hoá v.v.. Đặc biệt, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, phong trào đã đạt được yêu cầu chung là được việc, được người, được tổ chức, được cơ sở vật chất và được lòng dân...
Trong phong trào thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, mặc dù mới được phát động triển khai từ năm 2012, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị ở các cấp và sự đồng thuận hưởng ứng của người dân, nên đến nay đã có nhiều xã đạt tiêu chí nông thôn mới và Quảng Ninh cũng đang là địa phương dẫn đầu về số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Từ kết quả này, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh đang đổi mới từng ngày, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao đáng kể, các công trình phúc lợi, dân sinh được quan tâm đầu tư... Những chuyển biến tích cực này đang là động lực cổ vũ, khích lệ các địa phương và người dân triển khai nhân rộng phong trào với quyết tâm cao, bằng những việc làm cụ thể, sáng tạo, thiết thực nhằm khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, thế mạnh, nội lực của địa phương và người dân...
Nhiệm vụ đặt ra đối với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh còn lớn, với nhiều việc phải làm, trong đó trọng tâm là thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược, đổi mới phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. Do vậy cần đẩy mạnh nhân rộng và phát huy kinh nghiệm, hiệu quả của phong trào, để có nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tiên tiến trên các lĩnh vực, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của tỉnh...
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()