Theo NY Times, nghiên cứu trên của Anh, công bố hôm 23/12, thực hiện trên những người đã tiêm vaccine AstraZeneca, Pfizer hoặc Moderna. Các chuyên gia cho biết ở cả hai loại vaccine, tác dụng của liều tăng cường đối với chủng Omicron đều thấp hơn chủng Delta.
Ở người được tiêm hai liều vaccine AstraZeneca và một liều tăng cường vaccine Moderna hoặc Pfizer, hiệu quả ngăn ngừa triệu chứng là 60% từ hai đến 4 tuần sau tiêm. Tuy nhiên, sau 10 tuần, liều tăng cường Pfizer chỉ tác dụng 35%. Liều tăng cường Moderna hiệu quả 45% trong tối đa 9 tuần.
Đối với những người đã tiêm ba liều vaccine Pfizer, hiệu quả giảm từ 70% xuống 45% trong 10 tuần. Người tiêm hai liều Pfizer và liều tăng cường Moderna có kết quả khả quan hơn. Vaccine vẫn bảo vệ tới 75% trong tối đa 9 tuần.
Báo cáo mới từ Cơ quan An ninh Y tế Anh (UKHSA), cho biết: "Cần vài tuần để ước tính hiệu quả chống triệu chứng nặng của Omicron. Song dựa trên kinh nghiệm với các biến chủng trước đó, vaccine vẫn bảo vệ đáng kể".
Kể từ khi Omicron được phát hiện, nhiều nghiên cứu cho thấy biến chủng có khả năng né tránh kháng thể được tạo ra sau khi tiêm phòng hoặc nhiễm bệnh tự nhiên. Dù vậy, các chuyên gia tin rằng liều vaccine tăng cường có tác dụng ngăn ngừa ca nhập viện và tử vong.
Báo cáo cũng cho thấy người nhiễm biến chủng Omicron ít có khả năng nhập viện hơn so với người nhiễm Delta. UKHSA lưu ý cần diễn giải kết quả này một cách thận trọng, bởi số ca nhiễm Omicron chưa nhiều. Như vậy, các tình nguyện viên trong nghiên cứu không đại diện cho số đông.
Mỹ đã khuyến nghị người dân tiêm liều tăng cường khi biến chủng Omicron lan rộng. Israel vừa qua quyết định tiêm liều vaccine thứ tư cho người có nguy cơ cao.
Trả lời VnExpress, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Huy Luân (Trưởng Đơn vị tiêm chủng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM) cho biết, hiệu quả vaccine Covid-19 theo thời gian phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, loại vaccine, loại biến chủng Covid-19... Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Anh công bố tháng 11, hầu hết loại vaccine đều giảm hiệu quả sau khoảng 6 tháng. Độ bảo vệ của hai liều Moderna giảm từ 90% xuống còn 58%. Trong khi đó, vaccine Pfizer giảm tác dụng từ 87% xuống còn 45%. Hiệu quả của vaccine AstraZeneca giảm từ 77% xuống còn 67% sau 4 tháng. Vaccine Sputnik V giảm tác dụng từ 96% xuống còn 31% sau 6 tháng.
"Kháng thể sau tiêm vaccine sẽ giảm dần sau 3-6 tháng nhưng vẫn có thể bảo vệ cơ thể bởi cơ chế của tế bào. Một số nghiên cứu cho thấy vaccine Covid-19 có thể bảo vệ kéo dài đến 11 tháng. Do biến chủng mới Omicron có thể giảm hiệu lực vaccine, việc tiêm liều bổ sung, tăng cường sớm sẽ giúp tăng mức độ bảo vệ cho mỗi cá nhân và cộng đồng", bác sĩ Luân chia sẻ.
Trong chia sẻ đăng trên ABC giữa tháng 12/2021, tiến sĩ Simone Wildes, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Hệ thống y tế Shore Health ở Massachusetts, Mỹ, cho biết liều vaccine tăng cường giúp khôi phục kháng thể sau tiêm về mức đỉnh, ngăn ngừa hiệu quả Omicron. "Kháng thể đạt mức cao nhất trong 10 đến 14 ngày sau tiêm, tiếp đến mọi thứ sẽ chững lại. Kháng thể sau đó suy giảm, nhưng liều tăng cường sẽ giúp chúng ổn định trở lại", ông nói.
Hiện, 36 nước trên thế giới đã tiêm mũi ba vaccine Covid-19 sau liệu trình tiêm cơ bản, theo dữ liệu công bố của Our World in Data. Đức, Áo, Canada và Pháp là các quốc gia đầu tiên triển khai tiêm nhắc lại. Theo WHO, các liều nhắc lại được tiêm cho người dân đã hoàn thành quy trình tiêm chủng cơ bản (một liều hoặc hai liều dựa trên loại vaccine đã tiêm), khi tỷ lệ miễn dịch và khả năng bảo vệ lâm sàng ở họ đã giảm xuống dưới mức yêu cầu theo thời gian. Mục đích của việc tiêm nhắc lại về cơ bản là khôi phục hiệu quả của vaccine trong cơ thể ở mức cần thiết.
Tại Việt Nam, từ đầu tháng 12, Bộ Y tế cũng cho phép tiêm mũi nhắc lại với những người đã hoàn thành liều cơ bản, với khoảng cách mũi ba sau mũi hai 3 tháng.
Ý kiến ()