Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 02:29 (GMT +7)
Hiệu quả mô hình tự quản ATGT tại khu dân cư
Thứ 4, 21/06/2023 | 13:28:50 [GMT +7] A A
Toàn tỉnh hiện có trên 500 tổ, nhóm tự quản về ATGT tại khu dân cư duy trì hoạt động, xuất phát từ tinh thần tự nguyện tham gia của người dân, đặt dưới sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, hỗ trợ trực tiếp của MTTQ và các đoàn thể cơ sở.
Về thôn Hải Thành (xã Quảng Thành, huyện Hải Hà), chúng tôi được nghe nhiều lời khen về hoạt động của Tổ tự quản trật tự ATGT đã được triển khai gần 5 năm nay tại khu vực ngã tư chợ Chiều, nơi giao cắt giữa tuyến đường liên xã với QL18A. Đây là một trong những điểm “nóng”, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT, bởi cách đó chỉ vài trăm mét là một điểm họp chợ dân sinh đông đúc, có tới 2 trường học với cả nghìn lượt học sinh đến lớp mỗi ngày. Nòng cốt của Tổ là hội viên CCB, ngoài ra còn có các thành viên là Ban Công tác mặt trận thôn, công an viên, người dân tự nguyện tham gia. Tổ kiên trì gặp gỡ từng hộ bám mặt đường để nhắc nhở tuân thủ quy định hành lang ATGT khi buôn bán. Trong khung giờ cao điểm họp chợ, lúc tan trường, Tổ tỏa ra làm nhiệm vụ, nhắc nhở người và phương tiện dừng đỗ đúng quy định. Tiếng nói uy tín của họ đã góp phần hòa giải thành công không ít những vụ việc mâu thuẫn, va quệt nhỏ.
Thời gian qua, các mô hình tự quản ATGT tại các khu dân cư, ngã ba, ngã tư, đường sắt... được nhân rộng trên địa bàn toàn tỉnh. Cách làm này đã phát huy hiệu quả, là "cánh tay nối dài" của lực lượng chức năng, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân khi tham gia giao thông, giữ gìn bình yên các thôn, bản, khu phố. Mỗi địa phương có sự điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tế, nhưng có điểm chung ở cách tổ chức trên nguyên tắc tự nguyện, tự quyết, công khai, dân chủ, tuân thủ quy định pháp luật của Nhà nước, hương ước, quy ước của khu dân cư.
Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu: “Khu dân cư bảo đảm ATGT”, “Gia đình, dòng họ không có người vi phạm giao thông”, “Tuyến phố CCB tự quản”, “Tuyến phố lắp đặt camera an ninh”, “Cổng trường ATGT”, “Tuyến đường sáng, xanh, sạch, đẹp, ATGT”..., được xây dựng tại những điểm xung yếu như cổng trường học, xóm dân cư bám mặt đường đông đúc, tuyến đường nơi họp chợ dân sinh... Hoạt động của các mô hình: Tham gia tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về ý thức của người tham gia giao thông, góp phần giảm TNGT; hỗ trợ lực lượng chức năng tiếp nhận những phản ánh của người dân khi xảy ra ùn tắc, nhắc nhở xử lý từ sớm các vụ va quệt, TNGT, các hành vi vi phạm trật tự ATGT... Nhờ đó năm 2022, các xã, phường, thị trấn của tỉnh đều đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự”.
Thực tế, tại các địa bàn có mô hình đảm bảo trật tự ATGT hoạt động hiệu quả thì ở đó tình hình trật tự ATGT chuyển biến rõ nét. Các mô hình này đã thu hút được sự quan tâm tham gia của các tầng lớp nhân dân. Khi tinh thần tự quản, tự phòng, tự bảo vệ trong cộng đồng được nhân lên, các mục tiêu về xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới, đô thị văn minh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân... được củng cố bền vững.
Năm ATGT 2023 có chủ đề là “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Bao gồm 3 mục tiêu trọng tâm là: Nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.
Tại Quảng Ninh, các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Sân khấu hóa; panô hình ảnh về văn hóa giao thông; tuyên truyền về tác hại của rượu, bia đối với người điều khiển phương tiện giao thông... Lực lượng CSGT, TTGT tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh các trường hợp vi phạm quy định về ATGT; phối hợp với chính quyền cơ sở xử lý quyết liệt, dứt điểm những vi phạm về hành lang giao thông, những điểm phức tạp, bất cập trong tổ chức giao thông...
|
Hoàng Giang
Liên kết website
Ý kiến ()