Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 08:31 (GMT +7)
Hiệu quả từ những công trình hạ tầng ở Bình Liêu
Thứ 5, 05/08/2021 | 07:41:00 [GMT +7] A A
Những năm qua, bằng nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn ngân sách tỉnh, huyện Bình Liêu đã ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, miền núi. Công trình đưa vào sử dụng đã giúp người dân khai thác tốt hơn tiềm năng, lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Vô Ngại là xã miền núi, biên giới của huyện Bình Liêu, có 98% dân số là người dân tộc thiểu số; thu nhập chính của người dân là sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi. Do địa hình nhiều đồi núi dốc, nhiều khu vực đất nông nghiệp chỉ canh tác được 1 vụ, thậm chí bỏ hoang do thiếu nước tưới, vì vậy người dân gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế. Thấu hiểu những khó khăn của người dân, các phòng, ban chuyên môn của huyện đã khảo sát, nghiên cứu địa hình và lên phương án xây dựng hồ chứa nước, nhằm cung cấp nguồn nước cho người dân nơi đây.
Được sự chấp thuận của tỉnh, năm 2019 UBND huyện đã đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Nà Mo tại xã Vô Ngại, tổng mức đầu tư 91 tỷ đồng, nguồn ngân sách tỉnh. Quy mô dự án gồm xây dựng đập ngăn nước, tràn xả lũ, tuyến kênh dẫn nước sản xuất và nhà quản lý vận hành. Khu vực lòng hồ có diện tích khoảng 235.000m2, dung tích trữ nước 0,6 triệu m3.
Sau nhiều nỗ lực của chủ đầu tư, các đơn vị thi công và sự ủng hộ của nhân dân trong GPMB, công trình đã hoàn thành trước kế hoạch 5 tháng, đầu năm 2021 được đưa vào sử dụng, kịp thời cung cấp nước tưới vụ lúa hè thu cho người dân. Những mảnh đất hoang hóa trước đây, nay được người dân có thể trồng cấy quanh năm, góp phần nâng cao thu nhập.
Ông Ngô Tiến Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Ngại, cho biết: Xã hiện có 300ha đất nông nghiệp, trong đó chỉ có 120ha trồng cấy được 1 vụ do thiếu nước tưới. Vì vậy khi xây dựng hồ chứa nước Nà Mo, người dân xã rất phấn khởi, tạo điều kiện hết mức cho công tác GPMB. Công trình đưa vào sử dụng, toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của xã đã chủ động được nguồn nước tưới, người dân hăng say trồng cấy, làm giàu trên mảnh đất quê hương. Hồ chứa nước Nà Mo cũng góp phần quan trọng vào kiểm soát lũ lụt, giảm nhẹ thiên tai. Đây cũng là nguồn cấp nước dự phòng cho khu vực trung tâm thị trấn Bình Liêu.
Để cải thiện điều kiện sản xuất, đi lại cho người dân, nhất là ở các thôn, bản khó khăn, nằm xa trung tâm, huyện đã tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn. Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện có trên 100 dự án hạ tầng giao thông, tổng chiều dài trên 73km được triển khai. Nhờ đó cuộc sống của người dân nhiều thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa của huyện đã đổi thay rõ rệt. Giao thông kết nối đã phát huy lợi thế về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Trần Đức Thanh (xã Hoành Mô) cho biết: Gia đình có trên hơn 5ha đất rừng trồng cây hồi và cây quế. Trước kia khi chưa có đường giao thông, người dân thôn phải gánh hoa hồi, quế về nhà, sau đó mang đi bán, rất vất vả. Từ tháng 1/2019, tuyến đường giao thông kết nối 2 thôn Loòng Vài - Co Sen hoàn thành, người dân đã chuyên chở sản phẩm bằng xe máy; thương lái có thể đánh xe ô tô tải đến tận bìa rừng để thu mua, rất thuận tiện.
Xác định rõ, kết cấu hạ tầng có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, nhất là ở những vùng khó khăn, tỉnh Quảng Ninh nói chung, huyện Bình Liêu nói riêng, luôn quan tâm dành nguồn lực đầu tư các công trình. Các công trình đưa vào sử dụng đều phát huy hiệu quả rõ rệt, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2021, huyện Bình Liêu tiếp tục được tỉnh bố trí 147,6 tỷ đồng để đầu tư hoàn thiện, xây mới 74 công trình. Trong đó dự án cải tạo nâng cấp vỉa hè, mặt đường, cống rãnh thoát nước, điện chiếu sáng khu vực thị trấn Bình Liêu, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng, đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành trong tháng 8/2021, góp phần tạo diện mạo đô thị sạch đẹp khu vực thị trấn, thúc đẩy các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch.
Bình Liêu là huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh, việc đầu tư các công trình hạ tầng, nhất là về giao thông, sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển giữa vùng miền trong tỉnh.
Lê Nam
Liên kết website
Ý kiến ()