Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 17:20 (GMT +7)
Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống Sức bật từ một nghị quyết
Thứ 6, 25/06/2021 | 10:24:54 [GMT +7] A A
Trong giai đoạn hiện nay, TP Hạ Long vừa coi trọng thực hiện các chiến lược phát triển KT-XH chung của tỉnh và thành phố, thu hút mọi nguồn lực để xây dựng đô thị hiện đại mang tầm vóc quốc tế, vừa tập trung thực hiện hiệu quả các tiêu chí về hạ tầng khu dân cư phù hợp với đô thị loại I. Phát huy sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, Đảng bộ thành phố đã có những nghị quyết mang tính thực tiễn cao, đảm bảo đạt hiệu quả thực sự khi áp dụng vào đời sống.
“Thành phố đáng sống” là nhận định và lời ngợi khen của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh đối với TP Hạ Long - Thủ phủ của Quảng Ninh. Với sự phát triển bằng các nguồn nội lực và ngoại lực, TP Hạ Long đã đổi thay mạnh mẽ trong vòng 10 năm qua. Nhiều công trình động lực, thúc đẩy phát triển KT-XH, hạ tầng giao thông trên địa bàn thành phố được nâng cấp, cải tạo đồng bộ.
Tuy nhiên, đó chỉ là cái nhìn tổng thể về không gian đô thị Hạ Long. Tại từng khu dân cư, khu đô thị, những bất cập về hạ tầng vẫn còn hiện hữu, khiến không gian sống của người dân bị bó hẹp, bí bách, chưa tương xứng với tiêu chí của đô thị loại I. Từ những bức xúc và mong mỏi của người dân, Nghị quyết 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long về đầu tư, cải tạo, nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị hình thành trước năm 2005 trên địa bàn các phường thuộc TP Hạ Long được ban hành và tạo nên một sinh lực mới cho người dân thành phố.
Phường Cao Thắng là địa phương đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết 21. Trong đó, địa bàn tổ 65, khu 7, được tập trung vận động, thực hiện cải tạo đường giao thông rộng 7,5m, với 65/90 hộ dân trong diện phải GPMB để thi công công trình. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Cao Thắng Đinh Hoàng Long chia sẻ: Lúc đầu chúng tôi có chút lo lắng vì khối lượng công việc rất lớn, nhất là việc GPMB. Nhưng chỉ một thời gian ngắn cùng với cán bộ khu phố, tổ dân vận động, hầu hết các hộ dân đều đồng thuận. Đặc biệt, hộ ông Nguyễn Văn Vinh đã hiến hẳn một gian nhà để làm đường. Tính sơ bộ cả việc hiến công trình kiến trúc và ngày công của người dân cũng lên tới hàng tỷ đồng.
Nhớ lại những kỷ niệm không quên từ trận lụt lịch sử năm 2015 và những mùa mưa bão nhiều năm qua, khi phải sinh hoạt trong vùng nước ngập cao từ 1m trở lên, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổ trưởng tổ 65, cho biết: Trong những trận mưa vừa qua khu phố không còn cảnh ngập lụt nữa. Vì vậy, chúng tôi càng tin tưởng hơn vào các quyết sách của thành phố với những cơ chế rõ ràng, cùng với quyết tâm rất cao của người dân. Bên cạnh đó, cán bộ của phường và thành phố cũng rất trách nhiệm, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công việc và xử lý ngay những khúc mắc của người dân.
Theo kế hoạch, năm 2021 sẽ có 15 dự án, công trình thuộc địa bàn 8 phường được triển khai thực hiện. Ngoài việc tập trung nâng cấp các khu dân cư, khu đô thị có sẵn quỹ đất để mở rộng đường và cải tạo những hạng mục phụ trợ, các phường đặc biệt quan tâm đến việc xử lý những điểm ngập lụt trong khu dân cư. Như tại các tổ dân 14, 15, 16, khu 9, phường Hồng Hà, cứ mỗi khi mưa lớn là ngập lụt cục bộ từ 50-70cm. Nguyên nhân do cống thoát nước quá tải bởi nhiều khu dân cư cùng xả thải chung qua cống này.
Ông Nguyễn Hữu Tập, Bí thư Chi bộ, Trưởng khu 9, phường Hồng Hà, cho hay: Tôi làm cán bộ khu phố đã 2 khóa, cứ mỗi mùa mưa là nhân dân lại bức xúc vì ngập lụt. Cống thoát nước của khu đã xây dựng gần 40 năm, đến nay mới mở rộng được, người dân ở đây rất phấn khởi. Có hộ dân hiến gần 70m2 đất với giá thị trường khoảng 15 triệu đồng/m2. Chúng tôi được thành phố hỗ trợ làm luôn đường trên cống, rộng 5-7m, để người dân đi lại thuận tiện hơn.
Trước đây, TP Hạ Long đã từng có những nghị quyết và cơ chế hỗ trợ theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” để giải quyết những bất cập về hạ tầng tại các khu dân cư, khu đô thị. Song do nguồn lực còn hạn hẹp, việc huy động xã hội hóa gặp nhiều khó khăn, chưa tạo được sự ủng hộ mạnh mẽ và chia sẻ của toàn dân. Do vậy, Nghị quyết 21-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đã kế thừa những kết quả của các nghị quyết trước đây, đồng thời đề ra lộ trình cụ thể: Phấn đấu đến hết năm 2023, cơ bản hoàn thành nâng cấp, cải tạo các tuyến chính, tiếp tục triển khai thực hiện các tuyến ngõ đến năm 2025. Hằng năm, thành phố dành tối thiểu 5% từ nguồn tổng chi cho đầu tư phát triển để thực hiện các dự án, công trình này.
Nghị quyết cũng nêu rõ ưu tiên nguồn lực cho những khu dân cư, khu đô thị đã chuẩn bị sẵn mặt bằng và có sự tham gia tích cực của nhân dân. Phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” phải được thống nhất từ cấp ủy khu phố và sự đồng thuận cao của nhân dân trong việc đóng góp bằng tiền, ngày công lao động; mức đóng góp phù hợp với tính chất, quy mô công trình và điều kiện thực tế của mỗi hộ gia đình.
Phó Bí thư Thành ủy Hạ Long Phạm Lê Hưng cho biết: Việc ban hành nghị quyết phù hợp với thực tiễn rất quan trọng, nhưng cách vận hành nghị quyết còn quan trọng hơn, không thể cứ ban hành rồi để cấp dưới tự làm. Chúng tôi thành lập Ban chỉ đạo ở cả 3 cấp là Thành phố, phường và khu phố... Mỗi đồng chí lãnh đạo thành phố được phân công bám sát địa bàn, xử lý ngay những vướng mắc tại các công trình, dự án theo thẩm quyền. Mục tiêu cao nhất của Ban Thường vụ Thành ủy là phải đảm bảo nghị quyết thực sự mang lại lợi ích cho nhân dân.
Theo chủ trương của TP Hạ Long, năm 2021 với 15 dự án nâng cấp hạ tầng khu dân cư sẽ có tổng mức đầu tư gần 530 tỷ đồng, nhưng mới bố trí được gần 1/3 tổng số kinh phí do bối cảnh nguồn thu bị sụt giảm. Đây là trở ngại lớn. Song bằng tính khoa học và thực tiễn, thành phố quyết tâm bằng mọi nguồn lực, tiếp tục kiên trì thực hiện để đảm bảo mục tiêu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện nâng cấp hạ tầng các khu dân cư, khu đô thị như Nghị quyết 21-NQ/TU đã đề ra.
Trọng Tuệ - Nguyễn Hưng
Liên kết website
Ý kiến ()