Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 13:01 (GMT +7)
Hiệu quả từ giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn ở Đầm Hà
Thứ 2, 29/05/2023 | 16:11:55 [GMT +7] A A
Huyện Đầm Hà đã có nhiều giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương trong việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp cũng như đào tạo nghề cho lao động nông thôn, mở ra cơ hội việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập cho người dân.
Anh Trương Thế Đô, thôn Đông, xã Dực Yên, sau khi tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng chăm sóc cây ăn quả đã mạnh dạn ứng dụng KHCN đầu tư vườn phát triển các mô hình trồng rau xanh, dưa lưới, sắn dây và các loại cây ăn quả tại thôn Làng Y, xã Đại Bình, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá cao. Anh Trương Thế Đô cho biết: Từ năm 2016-2017, sau khi tham gia các lớp tập huấn do huyện tổ chức, tôi đã đầu tư hơn 1ha nhà lưới, nhà màng để trồng rau xanh, dưa lưới. Hiệu quả bước đầu mang lại kết quả tốt, từ năm 2022, tôi đầu tư thêm 1ha trồng sắn dây. Từ hiệu quả của mô hình, thời gian tới, tôi tiếp tục đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng, mở rộng thêm khoảng 4-5ha để phát triển sản xuất”.
Không chỉ anh Đô mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2000 đến nay, xã Dực Yên cũng có hơn 50 lao động nữ tốt nghiệp lớp nấu ăn do Phòng LĐ-TB&XH huyện phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh tổ chức. Chị Phan Thị Tấm, thôn Đông, xã Dực Yên, cho biết: Trước đây, gia đình tôi rất khó khăn, tuy nhiên sau khi học xong lớp đào tạo nghề nấu ăn, hơn 2 năm nay tôi đã tìm được việc phục vụ trong một nhà hàng với thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Nguồn thu nhập này đã giúp gia đình chi phí các nguồn trang trải và dành để làm thêm các công việc khác”.
Theo Phòng LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà, từ năm 2010 đến nay, toàn huyện đã có hơn 2.100 lao động nông thôn được đào tạo nghề, trong đó có 1.736 người có việc làm sau đào tạo. Đặc biệt, các nhóm học viên thuộc diện chính sách, người dân tộc thiểu số, người nghèo, cận nghèo... được huyện tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận kiến thức khoa học - kỹ thuật, kỹ năng nghề, từ đó tự tin phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.
Theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đầm Hà, trong năm 2022, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam tổ chức 2 Hội nghị giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động, 18 hội nghị tư vấn tuyển dụng đi học nghề, làm việc tại các công ty thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam cho trên 1.000 lượt người lao động các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Toàn huyện giải quyết việc làm cho 1.250 lao động, đạt 104% kế hoạch, trong đó tạo việc làm mới cho 479 lao động. Dự kiến năm 2023, huyện Đầm Hà tổ chức tuyển sinh, mở 7 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho lao động nông thôn. Từ đầu năm đến nay, các cơ quan, địa phương trên địa bàn huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Quảng Ninh, UBND các xã, thị trấn tổ chức 2 buổi “Ngày hội giao dịch việc làm và xuất khẩu lao động năm 2023” tại xã Tân Lập và Quảng Tân; phối hợp với Trường Cao đẳng Than - Khoáng sản Việt Nam triển khai tổ chức được 6 hội nghị tuyên truyền, tư vấn đi học nghề, đi làm tại các công ty thuộc TKV; thành lập đoàn công tác của huyện đi khảo sát thực tế tại Công ty Than Hạ Long, tổ chức cho học sinh cuối cấp tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện đi tham quan, thực tế tại Công ty Than Hạ Long. Tích cực phối hợp, giới thiệu các doanh nghiệp trong và ngoài huyện đến địa bàn tuyên truyền, tư vấn, tuyển dụng lao động đi làm và xuất khẩu lao động. Qua đó, toàn huyện giải quyết việc làm cho 673 lao động, trong đó việc làm tăng thêm là 341 lao động.
Hữu Việt
Liên kết website
Ý kiến ()