Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 07:42 (GMT +7)
Hiệu quả ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi
Thứ 5, 10/06/2021 | 08:47:29 [GMT +7] A A
Thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh đã chú trọng ứng dụng KHKT, nhằm nâng cao năng suất, giá trị, đáp ứng nhu cầu thị trường đối với các nông sản nói chung, lĩnh vực chăn nuôi nói riêng.
Việc ứng dụng công nghệ vào chăn nuôi giúp giảm bớt sức lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Những mô hình này ngày càng được cải tiến, nâng cấp độ chính xác, tốc độ làm việc và tối ưu chi phí. Tiêu biểu như Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả) ứng dụng công nghệ trong sản xuất chăn nuôi lợn: Hệ thống chuồng kín; đèn sưởi; máng ăn tự động; máy tiêm, máy bấm răng nanh; gắn chíp điện tử thẻ tai; hệ thống mái áp chống nóng bằng tôn lạnh; hệ thống quạt làm mát, phun tắm tự động..., góp phần nâng cao chất lượng con giống, sản phẩm, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đây là đơn vị nuôi giữ giống lợn gốc của trung ương (150 con), hằng năm cung cấp khoảng 4.260 con nái bố, mẹ phục vụ thay thế, bổ sung đàn nái; đáp ứng cung ứng 60% nhu cầu con giống thương phẩm phục vụ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Sản phẩm thịt lợn của Công ty được công nhận sản phẩm OCOP, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, bán cho các siêu thị hoặc xuất bán quy mô lớn. Công ty đang mở rộng với quy mô trang trại giống hạt nhân; khu chăn nuôi lợn công nghệ cao; khu chăn nuôi gia cầm, bò và nhà máy sản xuất thức ăn, công suất 200-250 tấn/ngày.
Công ty CP Phát triển chăn nuôi và nông, lâm, ngư Phúc Long (huyện Tiên Yên) ứng dụng công nghệ thụ tinh nhân tạo trong sản xuất giống gà Tiên Yên đã nâng cao năng suất, chất lượng con giống; đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh, góp phần quan trọng duy trì và phát triển đàn gà Tiên Yên, từng bước khắc phục những nhược điểm trong sản xuất giống gà Tiên Yên theo phương pháp truyền thống.
Nhiều đơn vị chăn nuôi gia cầm áp dụng hệ thống dọn phân tự động; hệ thống quạt hút giảm nhiệt độ bằng bộ phận cảm ứng; công nghệ vi sinh hữu hiệu - EM để xử lý chất thải; công nghệ vaccine 4 bệnh; máy tiêm và máy phun hiện đại.
Sử dụng chế phẩm sinh học, máng ăn tự động, công nghệ xử lý chất thải (hầm biogas, đệm lót) đã được đa số các hộ chăn nuôi sử dụng (khoảng 15.000 hộ), góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tăng khả năng kháng bệnh cho đàn vật nuôi.
Việc cơ cấu lại vật nuôi đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Đàn giống được cải thiện đáng kể. Nhiều giống vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao được đưa vào sản xuất phổ biến. Nhiều địa phương đã tổ chức liên kết theo chuỗi sản phẩm từ sản xuất đến thị trường, dưới các hình thức chăn nuôi gia công, HTX, doanh nghiệp và nông dân cùng làm; chuyển từ chăn nuôi nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi tập trung. Đến nay, tỉnh phát triển các vùng chăn nuôi tập trung, như nuôi lợn tại TP Móng Cái (32ha), nuôi gà tại huyện Tiên Yên; các vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung với 1.340,9ha. Số lượng trang trại chăn nuôi tăng từ 214 tang trại năm 2017 lên 240 trang trại năm 2020. Nhiều mô hình chăn nuôi áp dụng VietGAP được cấp chứng nhận. Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; bước đầu hình thành chuỗi liên kết sản xuất chất lượng cao.
Cơ giới hóa trong lĩnh vực nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng đã giúp giảm công lao động, giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho các hộ dân. Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), hiện quy mô chăn nuôi nông hộ vẫn chiếm tỷ lệ lớn (trên 90%), hệ thống chuồng trại tận dụng, không đồng bộ, nên việc áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất còn gặp nhiều khó khăn; trong khi đó, việc đầu tư máy móc, công nghệ đòi hỏi nguồn vốn lớn. Người chăn nuôi còn hạn chế về kiến thức khoa học để áp dụng vào thực tiễn. Do vậy, thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục tạo điều kiện cho người chăn nuôi tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư chuồng trại khép kín, tạo điều kiện về đất đai để xây dựng chuồng trại chăn nuôi, vùng chăn nuôi tập trung; ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất tập trung; tiếp cận với các giống mới có năng suất, chất lượng; kiến thức sử dụng các trang thiết bị hiện đại từ sản xuất đến giết mổ, chế biến sản phẩm.
Hiện tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh là 336.072 con; trong đó đàn trâu 32.790 con, đàn bò 38.000 con, đàn lợn 261.249 con, đàn gia cầm 4.033.000 con. Sản lượng thịt xuất chuồng 5 tháng đầu năm 2021 đạt 48.534 tấn, tăng 1,2% so với kế hoạch kịch bản tăng trưởng và tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2020. |
Trần Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()