Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 27/11/2024 00:27 (GMT +7)
Hiệu ứng Lèn Cờ
Thứ 5, 07/04/2011 | 00:06:57 [GMT +7] A A
Vụ sập mỏ đá ở Lèn Cờ (Yên Thành, Nghệ An) xảy ra ngày 1-4 vừa qua là vụ tai nạn lao động thảm khốc đã chôn vùi, cướp đi sinh mạng của 18 công nhân và làm 5 người khác bị thương nặng.
Theo số liệu của UBND huyện Yên Thành, riêng trong năm 2010 trên địa bàn huyện đã xảy ra 5 vụ TNLĐ làm 5 người chết vì khai thác đá. Từ thực tế này cảnh báo nguy cơ mất an toàn lao động tại các mỏ đá là đáng báo động. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến tai nạn là do tổ chức khai thác không đúng quy trình kỹ thuật, sử dụng mìn khoét sâu vào chân núi để lấy đá khiến đá sụp đổ...
Ngay sau khi vụ tai nạn tại Lèn Cờ xảy ra, ngày 5-4, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu kiểm tra toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên phạm vi cả nước. Thủ tướng lưu ý công tác kiểm tra cần đặc biệt chú ý các vấn đề liên quan đến thiết kế khai thác mỏ, công tác đảm bảo an toàn lao động trong khai thác khoáng sản theo quy định, đề xuất giải pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và ý thức được mức độ nguy hiểm, nguy cơ xảy ra tai nạn tại các mỏ đá trên địa bàn, các cơ quan chức năng của tỉnh cũng đã khẩn trương có kế hoạch kiểm tra công tác an toàn lao động trong khai thác đá của các đơn vị. Theo kế hoạch, trong 5 ngày từ 5 đến 9-4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên - Môi trường, Sở Công Thương tiến hành kiểm tra đột xuất tại 5 đơn vị khai thác đá lớn trên địa bàn các địa phương Đông Triều, Hoành Bồ, Uông Bí về công tác ATLĐ. Cụ thể là tại các đơn vị: Công ty Cơ khí và Xây dựng Ngọc Thắng, Trại giam Hang Son, Xí nghiệp đá Uông Bí, Công ty Hưng Thịnh và Công ty Dương Huy. Mục đích của đợt kiểm tra này nhằm tăng cường thực hiện những quy định về ATLĐ tại các mỏ đá, đặc biệt về thiết bị và quy trình khai thác. Trên cơ sở đó các ngành chức năng sẽ tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp đảm bảo an toàn cũng như tăng cường quản lý trong hoạt động khai thác đá trên địa bàn.
Thực tế hiện nay, không chỉ ở các đơn vị khai thác đá, mà ở nhiều cơ sở khai thác khoáng sản khác như than, đất, cát sỏi công tác quản lý về ATLĐ cũng còn nhiều sơ hở, thiếu chặt chẽ. Công nhân khai thác đá mặc dù làm việc trong điều kiện, môi trường hết sức nguy hiểm nhưng không được hoặc không chấp hành về bảo hộ lao động. Vì chạy theo lợi nhuận trước mắt mà cắt giảm, làm sai quy trình khai thác như mở hàm ếch, khai thác ngược từ chân núi lên v.v.. dẫn đến nguy cơ tai nạn là rất lớn...
Một điều đáng nói nữa là tính chủ động, thường trực của các cơ quan quản lý cũng còn nhiều hạn chế. Khi xảy ra tai nạn, sự cố với hậu quả nghiêm trọng mới “giật mình” tổ chức đoàn này đoàn nọ đi kiểm tra rồi họp bàn rút kinh nghiệm, đề ra biện pháp khắc phục v.v.. Hy vọng, cách làm bị động này cũng cần được rút kinh nghiệm, khắc phục một cách sớm nhất để ngăn chặn, đẩy lùi các hiểm hoạ...
Liên kết website
Ý kiến ()