Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 06/01/2025 16:46 (GMT +7)
Hình ảnh những chiếc xe tăng chủ lực đầu tiên của Anh bàn giao cho Ukraine
Thứ 3, 28/03/2023 | 08:46:22 [GMT +7] A A
Kiev hoan nghênh lô xe tăng Challenger 2 trong khi Bộ Quốc phòng Anh ca ngợi lòng dũng cảm của những người lính Ukraine tham gia huấn luyện ở xứ sương mù.
Theo trang Telegraph, những chiếc xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 đầu tiên của Anh đã đến Ukraine trong một đợt tăng cường lớn cho lực lượng thiết giáp của nước này trước một cuộc phản công mùa xuân được lên kế hoạch từ trước.
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov, ngày 27/3 phát biểu: "Hôm nay, tôi vinh dự được thử vũ khí mới nhất bổ sung cho các đơn vị vũ trang của chúng tôi, đặc biệt là Challenger 2 từ Vương quốc Anh".
Bộ Quốc phòng cho biết, các binh sĩ Ukraine đã trải qua vài tuần để học cách vận hành dòng xe tăng Challenger 2 nặng 75 tấn ở Anh. Quá trình huấn luyện bắt đầu ngay sau khi Thủ tướng Rishi Sunak tuyên bố vào tháng 1 rằng Anh sẽ gửi 14 xe tăng ra tiền tuyến Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết: “Thật sự rất phấn khích khi chứng kiến quyết tâm của các binh sĩ Ukraine đã hoàn thành khóa huấn luyện trên xe tăng Challenger 2 trên đất Anh".
"Họ trở về quê hương, được trang bị tốt hơn nhưng cũng không kém phần nguy hiểm. Chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh bên họ và làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết", ông Wallace nói thêm.
Trung tá John Stone, người giám sát nhiệm vụ huấn luyện cho binh sĩ Ukraine, cho biết các huấn luyện viên người Anh "rất ấn tượng với trình độ năng lực thể hiện" của các quân nhân Ukraine.
Những loại vũ khí hạng nặng mới được chuyển giao cho Kiev bao gồm xe tăng Challenger 2, xe bọc thép chở quân Stryker, xe chiến đấu bộ binh Marder, xe Cougar MRAP và xe bọc thép Roshel Senator.
Trước đó, các lực lượng của Ukraine cũng đã nhận được lô xe tăng Leopard 2 tiên tiến đầu tiên từ Đức.
"Vâng, chúng tôi đã giao xe tăng Leopard như đã thông báo", Thủ tướng Đức Olaf Scholz phát biểu trong một cuộc họp báo ở Rotterdam vào tối 27/3, đồng thời xác nhận rằng 18 chiếc xe tăng tối tân đã đến Ukraine.
Xe tăng Challenger 2 trở thành 'trụ cột' không thể thay thế của binh chủng tăng-thiết giáp thuộc Lục quân Anh.
Loại xe tăng chiến đấu chủ lực này được công ty Vickers Defense Systems (nay là BAE Systems Land & Armaments), một tập đoàn công nghiệp quốc phòng của Anh, nghiên cứu và phát triển trong những năm 1980, thay thế người tiền nhiệm là Challenger 1.
Challenger 2 dài 13,5m (tính cả nòng pháo), rộng 3,5m, cao 2,49m và nặng 62,5 tấn (75 tấn với giáp phụ và sẵn sàng chiến đấu). Kíp chiến đấu của xe có 4 người, gồm trưởng xe, lái xe, liên lạc viên và xạ thủ.
Xe được trang bị một động cơ diesel V12 26,1 lít, với sức kéo 1.200 mã lực. Nhờ vậy, Challenger 2 có thể di chuyển với vận tốc 59 km/h trên địa hình bằng phẳng và 40 km/h trên mọi địa hình tác chiến, với phạm vi hoạt động lên tới hơn 550km, hoặc 250km đường địa hình.
Tháp pháo xe tăng Challenger 2 được trang bị pháo L30A1 cỡ nòng 120 ly cùng hai súng máy đồng trục sử dụng cỡ đạn 7,62 x 51 ly NATO. Để tăng thêm uy lực cho pháo chính L30A1, tập đoàn BAE Systems đã chế tạo 10 loại đạn, một vài loại trong số đó sử dụng uranium nghèo có khả năng xuyên thủng các lớp giáp phản ứng nổ được lắp bên ngoài xe tăng đối phương.
Challenger 2 còn có một số tính năng ấn tượng khác, chẳng hạn như khả năng tạo màn khói bằng cách bơm dầu diesel vào ống xả, cơ học hơn. Nó có một tháp pháo xoay hoàn toàn 360 độ bằng điện, hệ thống bảo vệ NBC (bảo vệ chống vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học) và được cho là có thể chịu được một vụ nổ hạt nhân.
Trong một diễn biến khác, ông Rafael Grossi, người đứng đầu Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) đã gặp Tổng thống Volodymyr Zelensky trong ngày 27/3, trước chuyến thăm dự kiến của ông tới nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, hiện vẫn nằm dưới sự kiểm soát của Nga.
Chuyến thăm của ông Grossi tới nhà máy điện bị chiếm đóng diễn ra trong bối cảnh các nước phương Tây lên án quyết định của Tổng thống Putin triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật tới Belarus.
Trung Quốc, một trong những đồng minh của Nga, cũng đã lên tiếng về động thái này. Mao Ning, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, kêu gọi tất cả các bên trong cuộc xung đột “tập trung vào các nỗ lực ngoại giao hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Ukraine và cùng nhau thúc đẩy chấm dứt căng thẳng”.
Chỉ hai tháng trước, Nga và Trung Quốc đã ra tuyên bố chung về ngăn chặn chiến tranh hạt nhân và cam kết không bố trí vũ khí hạt nhân ở nước ngoài. Khi được hỏi liệu phản ứng dữ dội toàn cầu có thể có bất kỳ ảnh hưởng nào đến việc ra quyết định của Nga hay không, một phát ngôn viên của Điện Kremlin khẳng định vào ngày 27/3 rằng các kế hoạch sẽ không thay đổi.
Cùng ngày 27/3, các vụ nổ lớn đã làm rung chuyển hai thành phố lớn của Ukraine do Nga kiểm soát, làm bị thương một cảnh sát trưởng do Moskva bổ nhiệm và làm hư hại một doanh trại quân đội do lực lượng Nga sử dụng. Nga cáo buộc các nhóm Ukraine đứng sau các vụ tấn công này.
Tại Mariupol, Mikhail Moskvin, cảnh sát trưởng do Nga bổ nhiệm, bị thương nhẹ sau khi xe của ông phát nổ vào sáng 27/3. Ông Vadym Boychenko, thị trưởng Mariupol do Kiev bổ nhiệm cho rằng vụ nổ là do "sự kháng cự của Mariupol".
Vụ đánh bom là một cuộc tấn công hiếm hoi ở thành phố bên Biển Azov này, nơi gần như bị san bằng bởi cuộc bao vây kéo dài hai tháng của Nga vào năm ngoái và là nơi mà Tổng thống Vladimir Putin đã đến thăm vào đầu tháng này.
Thị trưởng Boychenko tuyên bố nhóm kháng chiến Ukraine đã tấn công một tòa nhà là nơi đồn trú của lực lượng Nga. Tuy nhiên, chính quyền địa phương do Moskva bổ nhiệm cho rằng các vụ nổ đó là do pháo kích.
Theo baotintuc.vn
Liên kết website
Ý kiến ()