Tất cả chuyên mục

Ở nghĩa trang Hàng Dương (huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) có một bức tượng được làm bằng đá granit mang tên “Trao áo”. Theo những người quản trang kể thì trước đây ở nghĩa trang có bức tượng đài cao 9m, nặng 25 tấn được khởi dựng vào ngày 16/7/1980 bằng bê tông. Dưới bức tượng có ghi hàng chữ “Vĩnh biệt các đồng chí”. Đây là bức tượng được tái hiện từ câu chuyện “Chết còn cởi áo cho nhau” của đồng chí Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy khu mỏ Hòn Gai và cố Tổng Bí thư Lê Duẩn. Sau này để phù hợp với quy mô, thiết kế của Khu Đài tưởng niệm tại nghĩa trang Hàng Dương, bức tượng “Trao áo” được thu nhỏ và dựng lại bằng chất liệu đá granit.
Trong hàng chục ngàn ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương, phần mộ của đồng chí Vũ Văn Hiếu được đặt ở khu A cùng khu vực với phần mộ của cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nhà yêu nước Nguyễn An Ninh. Phần mộ được tỉnh Quảng Ninh xây dựng năm 2015. Là một trong những công trình nằm trong cụm các di tích đặc biệt tại Côn Đảo. Đối với những du khách đến Côn Đảo thì bức tượng “Trao áo” và câu chuyện về sự hy sinh của những người chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Côn Đảo đã gây xúc động rất mạnh thì với người Quảng Ninh đến Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương cũng đều quặn thắt con tim về câu chuyện “Trao áo” của Người Bí thư đầu tiên vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Vì Đảng, vì đất nước, vì độc lập tự do của dân tộc như mạch nguồn chảy mãi từ chiếc áo người tử tù Vũ Văn Hiếu! Tôi cũng như hàng trăm người con của quê hương Quảng Ninh đến nghĩa trang Hàng Dương, thắp nén nhang trước phần mộ Người Bí thư đầu tiên Đặc khu ủy khu mỏ Hòn Gai trong sự thành kính và biết ơn vô hạn. Được nghe những câu chuyện lịch sử trong cuộc đấu tranh cách mạng của những người chiến sĩ kiên trung nơi địa ngục trần gian này để thẫm đượm mãi trong ý chí, trong hành động về tình yêu Tổ quốc, về lòng biết ơn sự hy sinh, cống hiến cao cả của biết bao thế hệ cha anh cho cuộc sống hòa bình hôm nay!
Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ đón nhận, tuy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang Nhân dân cho liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, nguyên Bí thư đầu tiên Đặc khu ủy khu mỏ Hòn Gai, chặng đường lịch sử gắn liền với dấu ấn người chiến sĩ cách mạng kiên trung được ôn lại trong trái tim hàng triệu người dân đất mỏ. Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907, ở xã Hải Anh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tham gia cách mạng từ năm 1928, đến tháng 11/1929, đồng chí trở thành đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại Chi bộ Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu, Núi Béo. Đồng chí đã tuyên truyền, giáo dục cho thợ mỏ hiểu rõ kẻ thù giai cấp và kẻ thù dân tộc, thấy được vai trò lịch sử của giai cấp công nhân; từ đó dần đưa những người ưu tú vào tổ chức cách mạng. Hội nghị T.Ư Đảng lần thứ nhất quyết định thành lập ở Khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Ban Chấp hành đặc khu gồm 3 đồng chí; đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư và đồng chí đã trở thành Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh.
Toàn bộ hoạt động của đồng chí Vũ Văn Hiếu và Đặc khu ủy khu mỏ lúc này là tập trung vào việc kêu gọi quần chúng đứng lên đấu tranh chống lại những âm mưu và hành động khủng bố, phá hoại cách mạng của kẻ thù; đồng thời chuẩn bị về tư tưởng và tổ chức cho toàn Đảng bộ ứng phó với tình hình ngày một gay gắt, phức tạp hơn. Cuối năm 1939, cách mạng Việt Nam đang đi vào giai đoạn dự bị cho một cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, Trung ương Đảng họp Hội nghị lần thứ 6 vào tháng 11/1939, đồng chí Vũ Văn Hiếu được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan Văn phòng Trung ương Đảng. Đêm ngày 17 rạng ngày 18/1/1940, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị mật thám Pháp bắt cùng các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn. Đầu năm 1941, đồng chí Vũ Văn Hiếu lại bị thực dân Pháp đày ra Côn Đảo lần thứ hai, bị giam cùng các đồng chí Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh... Tại Côn Đảo, đồng chí Vũ Văn Hiếu bị bệnh lao tái phát, hành hạ. Biết mình không sống nổi vì đã kiệt sức khi bị địch đánh đập và hành hạ tàn nhẫn, bệnh tật dày vò, được bên ngoài gửi vào cho một cái áo, đồng chí quyết định sẽ trao áo lại cho đồng chí mình. Tranh thủ khi đồng chí Lê Duẩn đến gần, đồng chí đã cởi chiếc áo mình đang mặc đưa cho đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí Lê Duẩn từ chối, nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn khăng khăng không chịu, đồng chí bảo: “Tôi nghĩ kỹ rồi, chỉ còn việc này là tôi còn cống hiến được cho Đảng, sao đồng chí không nhận”. Đồng chí Lê Duẩn đã vô cùng xúc động nhận tấm áo từ tay đồng chí Vũ Văn Hiếu.
Đồng chí Vũ Văn Hiếu, người chiến sĩ cộng sản kiên trung đã trút hơi thở cuối cùng vào đầu năm 1943 khi mới 36 tuổi tại nhà tù Côn Đảo. Sự hy sinh ấy đã trở thành tài sản quý báu trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh Quảng Ninh. Lẽ sống và phẩm chất cách mạng của người Bí thư đầu tiên Đặc khu ủy khu mỏ Hòn Gai mãi mãi trở thành biểu tượng “Sống vì Đảng mà chết cũng không rời Đảng” để các thế hệ người Vùng mỏ học tập noi theo. Hình ảnh cao đẹp trước lúc hy sinh, người chiến sĩ cộng sản kiên trung ấy đã trao lại tấm áo duy nhất cho đồng chí của mình đã được khai thác khá nhiều trong văn học, nghệ thuật, sân khấu kịch nói trong nhiều năm trở lại đây. Tinh thần đấu tranh bất khuất, ý chí kiên cường của những người con “sống vì Đảng, chết cũng không rời Đảng” không chỉ là câu chuyện lịch sử mà đó là bài học sâu sắc để thế hệ trẻ hôm nay sống làm việc xứng đáng với quá khứ tự hào của cha anh.
Đạo diễn Nhân dân Lê Hùng, người đạo diễn vở kịch “Người tù trao áo” Nhà hát công an Nhân dân cho biết: Vở kịch “Người tù trao áo” được chúng tôi dàn dựng lại, công chiếu vào đầu năm 2020. Vở kịch nói lên sự khó khăn gian khổ của những người chiến sĩ cách mạng bị giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, nơi được coi là địa ngục trần gian giam cầm các chiến sĩ cách mạng kiên trung như đồng chí Vũ Văn Hiếu, đồng chí Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn An Ninh... Vở kịch “Người tù trao áo” còn tái hiện lại không khí cách mạng lên cao tại khu mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả, vào mùa hè năm 1930. Mở đầu là cuộc bãi công của công nhân chống đuổi thợ, chống đánh đập, giảm giờ làm ca đêm, tăng tiền lương 20%. Cuối cùng, bọn chủ mỏ phải chấp nhận tăng lương cho công nhân, cuộc đấu tranh thắng lợi đã cổ vũ phong trào công nhân toàn khu mỏ. Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ nhất (tháng 10/1930) đã quyết định thành lập ở khu mỏ một khu đặc biệt lấy tên là Đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả. Cuối tháng 10/1930, đồng chí Vũ Văn Hiếu trở thành Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh. Dù trong vô cùng gian khổ cùng cực như địa ngục trần gian Côn Đảo cũng không ngăn được ý chí đấu tranh giành tự do của các chiến sĩ cách mạng, máu xương của họ đã đổ nhưng tinh thần của họ không bao giờ thay đổi, luôn bất khuất và vững vàng hướng về Đảng, về Tổ quốc. Họ là tấm gương sáng về tinh thần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc. Vở kịch “Người tù trao áo” là câu chuyện lịch sử truyền tải đến người xem bài học sâu sắc, truyền tải thông điệp đến thế hệ trẻ hôm nay sống làm sao cho xứng đáng với quá khứ đầy tự hào của cha anh.
Ở Quảng Ninh dấu ấn của người Bí thư đầu tiên của Đặc khu ủy khu mỏ Hòn Gai được tôn dựng ở nhiều nơi. Tại phường Hà Tu - nơi người chiến sĩ cách mạng kiên trung hoạt động, gây dựng nên phong trào vô sản, xây dựng cơ sở Đảng có ngôi trường THPT mang tên Vũ Văn Hiếu. Từ mái trường này biết bao thế hệ học sinh đã trưởng thành, cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Tại khu vực Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của tỉnh, năm 2015 tỉnh đã xây dựng tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu. Đây là nơi thế hệ trẻ của TP Hạ Long rất tự hào khi được đứng dưới chân tượng đài người chiến sĩ cách mạng kiên trung, người Bí thư đầu tiên Đặc khu ủy khu mỏ Hòn Gai đọc lời tuyên thệ tuyệt đối trung thành với mục đích lý tưởng cách mạng của Đảng, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc.
Ý kiến ()