Tất cả chuyên mục

Mái đập bị sạt lở, nguồn nước đang suy giảm và ô nhiễm, tổ quản lý hoạt động cầm chừng do không có kinh phí… Đó là những nguyên nhân cơ bản khiến công trình hồ chứa nước Khe Lọng Trong, xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng đang rơi vào tình trạng "chết yểu".
[links()]
![]() |
Hiện nay, nước hồ Khe Lọng Trong đang xuống gần mực nước "chết". |
Hồ chứa nước Khe Lọng Trong được đưa vào sử dụng giữa năm 2016. Công trình xây dựng với quy mô gồm: 1 đập chính, 2 đập phụ, tràn xả lũ, tuyến ống truyền dẫn và đường quản lý vận hành. Dung tích chứa nước 385.000m3. Tổng mức đầu tư hơn 20,2 tỷ đồng.
Hồ Khe Lọng Trong có chức năng cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 1.400 nhân khẩu xã Thanh Sơn. Ngoài ra, hồ còn cung cấp nước tưới tiêu cho khoảng 30ha đất nông nghiệp; tạo nguồn nước dự trữ để phòng chống cháy rừng và cắt giảm lũ cho vùng hạ lưu.
Tuy nhiên, sau hơn 1 năm đưa vào sử dụng, hồ chứa nước Khe Lọng Trong đang xuống cấp, chất lượng nước bị ô nhiễm. Nhiều người dân xã Thanh Sơn còn ví đây như một cái ao “tù” chủ yếu chứa nước mưa là chính, còn vào mùa khô, hồ thường xuyên rơi vào tình trạng “khát nước”.
Hầu hết rừng đầu nguồn khu vực hồ Khe Lọng Trong là rừng sản xuất, khả năng dự trữ và tái tạo nguồn nước rất kém. |
Mục sở thị khu vực hồ Khe Lọng Trong thời điểm trung tuần tháng 12/2017, chúng tôi thấy mực nước chứa trong hồ còn lại rất thấp, gần tới mực nước "chết". Tại đập chắn đã xuất hiện một số điểm sạt lở sâu, gây mất an toàn cho hồ. Phía trong hồ, một số vị trí đã bị bồi lắng, nước cạn nhìn rõ những khoảng đất trống nhô lên mặt nước. 3 khe chính dẫn nước từ thượng nguồn đổ về hồ Khe Lọng Trong thời điểm này đều chảy chậm và yếu.
Bất cập ở chỗ dù đã có biển cấm chăn thả gia súc trong hồ nhưng một số hộ dân gần đó vẫn ngang nhiên phớt lờ, chăn thả trâu, bò bên trong khu vực hồ. Phân gia súc xả thải bừa bãi, gây ô nhiễm nguồn nước. Đây là nguyên nhân khiến nhiều hộ dân không dám sử dụng nước trong hồ để sinh hoạt.
Chị Triệu Thị Dung, thôn Loỏng Toỏng, xã Thanh Sơn, bức xúc cho biết: Sau khi lắp nước dùng một thời gian, đến nay gia đình tôi và nhiều hộ trong xóm không dám dùng nữa. Bởi nước thường xuyên có mùi hôi tanh, màu vàng, đục ngầu. Hiện tại, chúng tôi phải dùng tạm nguồn nước suối gần nhà để sử dụng qua ngày, còn nước hồ Khe Lọng Trong chỉ để phục vụ tưới tiêu.
Một trong ba khe dẫn nước từ thượng nguồn đổ về hồ chảy rất yếu... |
Qua tìm hiểu được biết, hiện nay, rừng đầu nguồn tại hồ chứa nước Khe Lọng Trong chỉ có 22,6ha là rừng tự nhiên, còn lại gần 200ha rừng sản xuất và đất trống. Như vậy, cơ bản rừng đầu nguồn khu vực hồ chủ yếu là rừng sản xuất, canh tác keo rừng. Khi đến kỳ khai thác, rừng keo bị đốn hạ, tỷ lệ che phủ rừng đạt thấp, hệ sinh thái suy giảm, dẫn tới tình trạng rừng đầu nguồn kém chất lượng. Đây là lý do khiến rừng đầu nguồn mất khả năng chống xói mòn, sinh thủy, dự trữ nguồn nước cung cấp cho hồ. Vì vậy, hơn 1 năm nay, nước trong hồ chủ yếu trông chờ vào nguồn nước mưa.
Ông Lý Văn Lộc, cán bộ thủy lợi xã Thanh Sơn, Tổ phó Tổ quản lý hồ, cho biết: Hồ Khe Lọng Trong được tái tạo từ 3 khe nước rất nhỏ. Vào mùa khô, cả 3 khe nước chảy về lòng hồ yếu. Trong khi đó, xung quanh hồ, rừng đầu nguồn chủ yếu là rừng sản xuất. Đến thời kỳ khai thác, các hộ dân mở đường, chặt keo, đốt thực bì, làm chất lượng rừng đầu nguồn rất kém. Vào mùa mưa, do rừng không có khả năng chống xói mòn nên đất đá bị rửa trôi xuống lòng hồ gây bồi lắng, dung tích chứa nước bị thu hẹp. Ngoài ra, do chất lượng rừng đầu nguồn kém nên quá trình sinh thủy và dự trữ nguồn nước tại các hồ suy giảm đi rất nhiều. Bên cạnh việc chăn thả gia súc tự do hiện nay, trong lòng hồ vẫn còn 1 hộ dân sinh sống (chưa chịu nhận bồi thường giải phóng mặt bằng) gây tác động đến việc bảo vệ, duy trì hồ an toàn.
Một số vị trí trong hồ Khe Lọng Trong đang bị sạt lở nghiêm trọng. |
Ngoài những tác động trên, hiện nay, việc quản lý hồ chứa nước Khe Lọng Trong cũng rất lỏng lẻo. Thực tế, ngay sau khi đưa vào sử dụng, huyện đã bàn giao hồ cho xã Thanh Sơn quản lý, vận hành. Sau đó, xã đã thành lập tổ tự quản gồm 4 thành viên thay nhau quản lý, trông coi hồ. Tuy nhiên, do không có kinh phí duy trì dẫn tới tổ tự quản hồ Khe Lọng Trong điều hành thiếu ổn định, không mấy hiệu quả.
Để hồ Khe Lọng Trong phát huy hiệu quả, thiết nghĩ, Sở NN&PTNT cần phối hợp chặt chẽ với huyện Ba Chẽ khẩn trương có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tránh gây lãng phí nguồn vốn đầu tư của nhà nước.
Clip: Hồ chứa nước Khe Lọng Trong đang cạn nước
Phạm Tăng
Ý kiến (0)