Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 06:33 (GMT +7)
Hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp
Thứ 2, 16/04/2012 | 05:24:51 [GMT +7] A A
Tại kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh (khoá XII) đã thông qua Nghị quyết “về việc ban hành chính sách hỗ trợ đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Có thể thấy, việc thực hiện Nghị quyết này đã tạo luồng gió mới để thúc đẩy sản xuất công nghiệp, tạo sức hút đối với các nhà đầu tư, góp phần cụ thể hoá mục tiêu đến năm 2015, Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại.
KCN Hải Yên (TP Móng Cái) đang mời gọi các nhà đầu tư thứ cấp đến đầu tư. |
Từ nhiều năm trước, tỉnh đã có những chính sách nhằm thu hút đầu tư vào các KCN trên địa bàn, nên đã tạo ra được sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Trên địa bàn tỉnh hiện có 4 KCN tập trung ven biển (Cái Lân, Việt Hưng, Đông Mai, Hải Yên). Trong đó, KCN Cái Lân cơ bản đã đạt diện tích lấp đầy, các KCN còn lại cũng đã thu hút được một số nhà đầu tư thứ cấp tham gia sản xuất, kinh doanh góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn. Ngoài 4 KCN tập trung đã được hình thành, toàn tỉnh còn có 8 cụm công nghiệp, trong đó 3 cụm công nghiệp đã đạt diện tích thuê đất 80%. Những cụm công nghiệp đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật với những thuận lợi như hệ thống điện, nước được cấp đến chân công trình đang mở ra triển vọng lớn về thu hút đầu tư. Việc xây dựng và phát triển các KCN là một trong những giải pháp quan trọng đẩy mạnh quá trình CNH-HĐH đất nước.
Theo Nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ là các chủ đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh hạ tầng các KCN và các dự án đầu tư thứ cấp trong các KCN trên địa bàn. Hình thức hỗ trợ là các dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN có diện tích từ 100ha trở lên được xét ưu tiên đầu tư kinh doanh khu đô thị hoặc khu dân cư dịch vụ hạ tầng xã hội ngoài hàng rào đi kèm KCN có diện tích tương ứng từ 30% đến 50% diện tích KCN. Về việc hỗ trợ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, các chủ đầu tư KCN được ngân sách tỉnh hỗ trợ bằng hình thức ứng trước 30% chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư theo phương án chi trả được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Chủ đầu tư KCN chỉ được ứng khoản hỗ trợ nêu trên khi đã thực hiện chi trả đạt ít nhất 50% giá trị theo phương án chi trả được duyệt; các chủ đầu tư KCN sau khi triển khai xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải, được ngân sách tỉnh hỗ trợ 30% tổng mức đầu tư nhưng tối đa không quá 30 tỷ đồng đối với hệ thống xử lý nước thải cho mỗi KCN.
Đối với chủ đầu tư các dự án thứ cấp vào KCN, được tỉnh hỗ trợ đào tạo nghề, xúc tiến thương mại và đầu tư, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường. Cụ thể là, các dự án mới hoặc dự án mở rộng sản xuất trong KCN được tỉnh hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động có hộ khẩu tại Quảng Ninh trong thời gian hai năm đầu kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư; hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề thực hiện thông qua các cơ sở dạy nghề với mức hỗ trợ chi phí đào tạo nghề ngắn hạn ban đầu (dạy nghề dưới 3 tháng) bằng 50% mức lương tối thiểu/tháng quy định đối với công nhân làm việc trong KCN. Trong trường hợp thời gian đào tạo trên 3 tháng thì mức hỗ trợ không quá 1,5 lần mức lương tối thiểu/tháng. Doanh nghiệp trong KCN được tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại do tỉnh tổ chức, được hỗ trợ 50% chi phí thuê gian hàng và các chi phí liên quan trực tiếp cho doanh nghiệp tham gia hội chợ quốc gia và quốc tế; mức hỗ trợ tối đa không quá 20 triệu đồng/lần/năm/doanh nghiệp; hỗ trợ 50% chi phí đi lại cho một chủ doanh nghiệp tham gia chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư của tỉnh. Các cơ sở sản xuất, dịch vụ ở ngoài KCN di dời vào các KCN theo chủ trương của tỉnh để chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường mà không đủ điều kiện để được chuyển quyền sử dụng đất tại cơ sở cũ thì được xét hỗ trợ tiền thuê đất có hạ tầng trong thời hạn ba năm tại KCN, diện tích được xét hỗ trợ tương ứng với diện tích đất tại cơ sở cũ theo đơn giá thuê đất trả tiền hàng năm. Nhà đầu tư chỉ được xét hỗ trợ khi đã hoàn thành việc xây dựng cơ bản, dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh…
Thực hiện Nghị quyết này, tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp, bước đầu đã thu hút được một số doanh nghiệp dự án vào các KCN. Điển hình là ngày 11-4, UBND tỉnh đã chính thức trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy sợi tại KCN Hải Yên, TP Móng Cái cho Tập đoàn Dệt Texhong (Hồng Kông). Dự án này sử dụng diện tích đất gần 40ha, công suất đạt khoảng 54.000 tấn/năm đối với giai đoạn 1, 37.800 tấn/năm đối với giai đoạn 2 và giai đoạn 3 đạt trên 46.000 tấn/năm với tổng vốn đầu tư trên 300 triệu USD, thời gian thực hiện trong 45 năm kể từ khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Dự án đi vào hoạt động sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 4.500 lao động, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Các thủ tục đầu tư của Dự án được hoàn tất nhanh chóng là yếu tố quan trọng nhằm thúc đẩy, kêu gọi các nhà đầu tư tiếp theo vào đầu tư tại Quảng Ninh. Để dự án này nhanh chóng đi vào hoạt động, tỉnh đã và đang chỉ đạo các cơ quan chức năng tạo điều kiện tối đa, cung cấp hệ thống điện, nước đến tận chân công trình để Dự án được triển khai thuận lợi.
Quang Minh
Liên kết website
Ý kiến ()